Cần thiết tích hợp các môn KHTN cấp THCS

GD&TĐ - Môn Khoa học tự nhiên cấp THCS trong chương trình giáo dục phổ thông mới là một môn học tích hợp của môn Vật lý, Hoá học, Sinh học và Khoa học Trái đất…

Cần thiết tích hợp các môn KHTN cấp THCS

Đây là một môn học mới, phù hợp với xu hướng chung của giáo dục thế giới. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến trái chiều, gây không ít băn khoăn cho giáo viên đang giảng dạy 3 môn này ở cấp THCS.

Trước hết, mục tiêu GD-ĐT của chúng ta hiện không chỉ đào tạo ra những nhà chuyên môn hẹp, là những nhà toán học, nhà vật lý, hoá học, sinh học, tin học, sử học, nhà văn, nhà thơ… mà cần tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước, nhất là khả năng sáng tạo của mỗi người lao động. Nghị quyết số 29 đã chỉ ra: Đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, phát triển phẩm chất và năng lực, phát huy cao nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của cá nhân, sống tốt và làm việc hiệu quả…

Theo các nhà quản trị kinh tế, trong thời đại kinh tế tri thức, toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp 4.0, nếu người nào đó tập trung quá đáng vào một chuyên môn sẽ thui chột sự sáng tạo. Vì vậy, muốn có sáng tạo, một người phải thành thạo một vài lĩnh vực. Steve Jobs, nhà chiến lược tài ba, một CEO của Apple đã đưa ra 3 công thức sáng tạo, đó là: Theo đuổi nhiều sở thích, đi bộ và tịnh tâm. Ông cho biết, sau khi thôi học tại Trường CĐ Reed, bang Oregon (Mỹ) đã quyết định đăng ký vào học một số môn mình cảm thấy thích thú, trong đó có lớp Calligraphy (viết chữ đẹp).

Khóa học này chẳng có chút gì liên quan đến tương lai hay chứa đựng bất kỳ một mục đích thiết thực nào cho những dự định sau này của ông. Thế nhưng, chính những điều tích lũy được tại lớp học này đã giúp cho ông hoàn thiện bộ Typography (Nghệ thuật sắp chữ) đẹp như mơ của hệ điều hành Macintosh. Như vậy, để một người có sáng tạo trong thế giới hiện nay, người đó không chỉ tập trung vào một lĩnh vực hẹp mà cần biết thêm các lĩnh vực khác để bổ trợ cho công việc.

Thứ hai, tích hợp và dạy học tích hợp (DHTH) sẽ giúp HS tiếp cận thế giới tự nhiên tốt hơn. Tích hợp, thống nhất là bản chất của giới tự nhiên. Giới tự nhiên phát triển theo một thể thống nhất, tích hợp, không phân chia, tách bạch theo các quá trình hay lĩnh vực khoa học riêng rẽ nào. Chẳng hạn, sự phát triển của cây cối, loài vật… có sự thống nhất, tích hợp của các quá trình sinh học, vật lý, hoá học…

Vì vậy, tại Hội nghị Phối hợp giảng dạy các khoa học của UNESCO ở Paris năm 1972, các nhà khoa học GD đã đưa ra định nghĩa về “DHTH các khoa học” (DHTHCKH) như sau: “Một cách trình bày các khái niệm và nguyên lí khoa học cho phép diễn đạt sự thống nhất cơ bản của tư tưởng khoa học, tránh nhấn quá mạnh hoặc quá sớm sự sai khác giữa các lĩnh vực khoa học khác nhau”. Hay nói cách khác, DHTH nhằm giúp cho học sinh nhận thức được thế giới tự nhiên một cách đầy đủ, đúng với bản chất hơn.

Thứ ba, xu thế phát triển của khoa học ngày nay là tiếp tục phân hoá sâu, song song với tích hợp liên môn, liên ngành, giao ngành ngày càng rộng. Việc giảng dạy các khoa học trong nhà trường phải phản ánh sự phát triển hiện đại của khoa học, bởi vậy không thể cứ tiếp tục giảng dạy các khoa học như là những lĩnh vực tri thức riêng rẽ.

Mặt khác, khối lượng tri thức khoa học đang gia tăng nhanh chóng mà thời gian học tập trong nhà trường lại có hạn, do đó phải chuyển từ dạy các môn học riêng rẽ sang dạy các môn học tích hợp. Các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Khoa học Trái đất có chung mục tiêu là phát triển năng lực tìm hiểu tự nhiên, đồng thời các môn này có phương pháp nghiên cứu giống nhau là phương pháp thực nghiệm. Vì vậy, môn KHTN chính là tích hợp chung mục tiêu và phương pháp.

Với những lý do trên, tích hợp môn KHTN ở cấp THCS và phân hoá môn KHTN thành các môn Vật lý, Hoá học, Sinh học ở cấp THPT là hoàn toàn có cơ sở khoa học, phù hợp với xu hướng chung của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, phù hợp với tâm lý, nhận thức của HS THCS… Vấn đề là cần phải có giải pháp để khắc phục hạn chế, phát huy thế mạnh ở các trường THCS hiện nay. Trong đó có giải pháp đào tạo lại giáo viên Vật lý, Hoá học, Sinh học để có thể giảng dạy các phân môn trong môn KHTN, nhất là đối với lớp 6 và 7, các chủ đề không phân biệt môn. Đến chương trình lớp 8, lớp 9, các chủ để, mạch kiến thức đi theo logic vật lý, hoá học và sinh học, nên GV từng môn có thể dạy riêng rẽ. Về lâu dài, các trường sư phạm cần mở đào tạo GV giảng dạy môn Khoa học.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ