(GD&TĐ)-Sau khi Đề án 322 kết thúc theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã gấp rút hoàn thiện một Đề án mới thay thế Đề án này, dự kiến sẽ trình Chính phủ trong tháng 6/2012 nhằm tiếp tục gửi cán bộ ưu tú ra nước ngoài đào tạo. Đề án này được phê duyệt không chỉ là mong mỏi của Bộ GD&ĐT mà còn là của toàn xã hội, đặc biệt là các trường ĐH, CĐ và những thanh niên ưu tú mong mỏi được tạo điều kiện học tập để có thể cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
Cần có đề án tiếp nối đề án 322 để góp phần đào tạo nhân tài cho đất nước |
>Việc gửi cán bộ ra nước ngoài đào tạo vẫn được tiếp tục theo các đề án mới
>LHS học bổng 322 năm 2012 được bảo lưu kết quả trúng tuyển
>Cục trưởng Cục ĐTVNN: "Cơ hội đi học nước ngoài vẫn còn đó chứ không bị mất đi"
>Hướng dẫn xét cấp học bổng thay cho đề án 322
Đề án 322 thắng lợi cả về số lượng và chất lượng
Một trong những thành quả quan trọng nhất mà Đề án 322 mang lại chính là lực lượng cán bộ sẽ dần dần tiếp nối những “đầu tàu” dẫn dắt việc đổi mới công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường ĐH, CĐ, các viện nghiên cứu.
Tính đến tháng 5/2012, Đề án 322 đã cử được 5.629 người đi học các trình độ khác nhau tại nước ngoài, trong đó có 2886 tiến sĩ, 1505 thạc sĩ, 258 thực tập sinh và 980 cử nhân đại học. Trong số các tiến sĩ, thạc sĩ nói trên, chiếm đa số là giảng viên các trường ĐH, CĐ; riêng với trình độ tiến sĩ, lực lượng này chiếm đến 90%.
Đã có 3.832 lưu học sinh hoàn thành chương trình học tập và về nước; 1797 lưu học sinh còn tiếp tục học tập tại nước ngoài. Ước tính đến khi kết thúc vào năm 2014, Đề án 322 sẽ đào tạo thành công trên 5.000 cán bộ trình độ cao, trong đó có gần 3000 tiến sĩ, 1.500 thạc sĩ và gần 1.000 cử nhân đại học.
Trên 200 trường ĐH, CĐ được nhận lại hoặc tiếp nhận mới một lực lượng đáng kể giảng viên có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, các cơ sở giáo dục lớn như 2 Đại học Quốc gia, Đại học vùng có đến 200-300 giảng viên, nhiều trường đại học có từ 30-100 giảng viên được đào tạo ở nước ngoài.
Ông Phạm Sỹ Tiến: Đề án 322 thắng lợi cả về số lượng và chất lượng.Ảnh: gdtd.vn |
Theo Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Nghĩa, đội ngũ được đào tạo ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước có vai trò rất lớn trong việc phát triển chất lượng giáo dục của trường.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đào Xuân Học nhận định: Chính đội ngũ cán bộ từ đề án 322 - người tiếp thu chương trình đào tạo tiên tiến ở các nước phát triển sẽ là nguồn lực để thực hiện đổi mới toàn diện nền giáo dục.
Đại diện Tổ chức DAAD của Đức đánh giá, việc du học tại Đức đã tăng cường mối liên kết hợp tác về khoa học, giáo dục giữa hai nước. Tại Úc, công trình nghiên cứu về nhân bản vô tính cây bạch đàn của anh Cao Đình Hùng nghiên cứu sinh thuộc Đề án 322 đã được đánh giá rất cao, với phần thưởng xứng đáng, được áp dụng trên quốc tế, ở Việt Nam.
Nhiều người tốt nghiệp nước ngoài theo Đề án 322, hiện nay đã giữ những vị trị quan trọng, ví dụ phó vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Bộ lao động, Thương binh và Xã hội, một số đã được phong chức danh Phó giáo sư, nhiều người trở thành trưởng Khoa, trưởng phòng nghiên cứu, đào tạo tại các trường đại học ở Việt Nam.
Khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của Đề án 322, ông Phạm Sỹ Tiến – người đầu tiên nhận trọng trách điều hành Đề án 322 nhấn mạnh đây là đề án rất thắng lợi, cả về số lượng và chất lượng. Ông Phạm Sỹ Tiến cho biết, phần lớn những trường mà LHS của Đề án 322 đến học tập đều nằm trong tốp 500 trường hàng đầu trên thế giới, có những trường thuộc tốp 50. Đào tạo trong môi trường uy tín như vậy, LHS Việt Nam cũng được đánh giá cao. Nhiều người về nước đã phát huy được năng lực, áp dụng những phương pháp giảng dạy và nghiên cứu tiên tiến vào Việt Nam. Đặc biệt, quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp và các thầy nước ngoài, họ trở thành mối liên kết hợp tác quốc tế quan trọng.
Cần tiếp tục có đề án cử cán bộ đi học bằng NSNN
Cho rằng số lượng cán bộ mà chúng ta đào tạo bằng Đề án 322 là rất đáng quý, nhưng ông Phạm Sỹ Tiến cũng trăn trở vì số này so với toàn quốc còn chưa nhiều. Với trên 5000 người, nếu chia ra cho khoảng 200 trường ĐH và CĐ thì trung bình mỗi trường chỉ có vài người. Số lượng ít như vậy chưa đủ có tác động lan tỏa mạnh mẽ. Chính vì thế, ông Phạm Sỹ Tiến cho rằng, cần phải tiếp tục đào tạo nữa, việc tăng số lượng sẽ kéo chất lượng tăng theo.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT), việc tiếp tục cử cán bộ ra nước ngoài đào tạo bằng ngân sách nhà nước là phù hợp với các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đào tạo cán bộ ở nước ngoài cũng như nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam theo Quy hoạch nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.
Ông Vang cho hay, nhu cầu đến năm 2020, các trường ĐH Việt Nam cần 54.806 thạc sĩ và 20.536 tiến sĩ; con số này với các trường CĐ là 27.000 thạc sĩ và 3.500 tiến sĩ. Nhưng hiện tại, theo thống kê ở các trường CĐ chỉ có trên 7.000 thạc sĩ và gần 600 tiến sĩ; các trường ĐH có trên 22.000 thạc sĩ và trên 7.000 tiến sĩ.
“Đề án 322 hơn 10 năm qua đã đào tạo nhiều tài năng trẻ cho đất nước. Sau khi Đề án 322 kết thúc, hiện nay chưa có đề án nào tiếp nối việc gửi đi nước ngoài đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, từ các học sinh, sinh viên xuất sắc đoạt giải Olympic quốc tế, thủ khoa ĐH, các đối tượng chính sách, thực hiện công bằng trong giáo dục ĐH, sau ĐH và góp phần phát triển nhanh, mạnh vùng khó khăn. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT xây dựng Đề án “Đào tạo cán bộ ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013 - 2025”, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 6 tới” – ông Nguyễn Xuân Vang cho biết thêm.
Hiếu Nguyễn