Cần thay đổi cách đào tạo giáo viên

Cần thay đổi cách đào tạo giáo viên

(GD&TĐ)-Rời trường phổ thông mang theo rất ít khả năng tự học và ý thức chủ động, các em học sinh trở thành sinh viên ĐH, CĐ. Trong khi đó, các trường ĐH, CĐ sư phạm đào tạo ra giáo viên các cấp học hiện nay cũng chưa có đủ những giải pháp hữu hiệu để giúp sinh viên nâng cao khả năng và ý thức đó. TS.Nguyễn Văn Đệ - Hiệu trưởng trường ĐH Đồng Tháp trao đổi với phóng viên báo Giáo dục và Thời đại Online về vấn đề đào tạo trong trường sư phạm hiện nay.

vcvc
TS.Nguyễn Văn Đệ. Ảnh: gdtd.vn

Ít khả năng tự học, thiếu ý thức chủ động

Theo ông, đâu là điểm yếu cơ bản nhất của sinh viên sư phạm hiện nay?

TS.Nguyễn Văn Đệ: Theo tôi, điểm yếu cơ bản nhất hiện nay của sinh viên nói chung và sinh viên các trường sư phạm nói riêng chính là khả năng tự học và ý thức chủ động trong học tập. Điểm yếu này theo họ cho đến khi ra trường trở thành giáo viên. Những giáo viên thiếu khả năng tự học, tự bồi dưỡng và ý thức chủ động trong tổ chức dạy học sẽ rất khó giáo dục cho học sinh của mình chính những phẩm chất này. Từ đó, tạo thành một vòng luẩn quẩn.

Chúng ta nhớ lại mấy năm về trước, khi bộ sách giáo khoa cải cách mới được ban hành, đã có khá nhiều giáo viên chịu bó tay, chờ “trên tổ chức bồi dưỡng tập huấn”. Rồi việc tổ chức bồi dưỡng theo phương thức hướng dẫn để giáo viên tự nghiên cứu và tự tìm phương thức thực hiện đã không mang lại hiệu quả. Chỉ đến khi bồi dưỡng theo kiểu “cầm tay chỉ việc” đối với từng bài trong sách, vấn đề mới tạm được giải quyết. Nhưng nhiều giáo viên vẫn còn chưa hài lòng, họ đòi cung cấp các giáo án mẫu để cứ theo đó mà thực hiện việc giảng dạy.

Dĩ nhiên, trong trường phổ thông cũng như ở các trường sư phạm vấn có những nhà giáo giỏi, có năng lực cao trong việc tự bồi dưỡng và chủ động giải quyết mọi vấn đề thuộc phạm vi chuyên môn của mình, nhưng số đó, theo tôi, chưa đủ sức xoay chuyển xu thế và tình hình hiện tại.

Có người lại cho rằng, vấn đề nằm ở những yếu kém trong phương pháp dạy học, học tập?

TS.Nguyễn Văn Đệ: Khả năng tự học và ý thức chủ động trong học tập là điểm yếu cơ bản của sinh viên hiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn là yếu kém về khả năng sử dụng ngôn ngữ, khả năng tư duy, thiếu nhạy bén trong tiếp cận và ứng dụng CNTT. Đã yếu kém về trình độ ngôn ngữ và khả năng tư duy, lại thiết khả năng tự học, sự chủ động, sinh viên không thể tự tạo cho mình một phương pháp học tập tốt được. Ngay cả những sinh viên xuất sắc, giỏi, không mắc phải những điểm yếu trên cũng không dễ dàng và mau chóng tìm được cho mình một phương pháp học tập tốt. Trong khi đó, về phía các trường sư phạm, chúng ta chưa chú trọng nhiều đến vấn đề phương pháp dạy học nói chung và phương pháp học tập của sinh viên nói riêng. Việc trong bị kỹ năng CNTT trong các trường sư phạm cũng chưa được chú trọng...

Những hạn chế trên dẫn đến sinh viên học tập một cách bị động, tiếp thu một chiều theo kiểu học thuộc lòng câu chữ và nhồi nhét máy móc để đối phó với các kì thi. Học như vậy không thể có hiệu quả tốt, kỹ năng nghề nghiệp yếu, không đảm bảo được chất lượng đào tạo, không đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực hiện nay.

Sinh viên trường ĐH Sư phạm TPHCM trên giảng đường. Ảnh: internet
Sinh viên trường ĐH Sư phạm TPHCM trên giảng đường. Ảnh: internet

Phải làm sáng tỏ: cái gì dạy ở phổ thông và dạy như thế nào?

Theo ông, các trường sư phạm cần phải đổi mới hoạt động đào tạo như thế nào?


TS.Nguyễn Văn Đệ: Để phù hợp cơ chế mới trong bối cảnh hội nhập, tinh thần chung là các trường, khoa sư phạm phải quán triệt quan điểm: nhà trường dạy những điều mà người học cần, xã hội cần, nền kinh tế cần, chứ không phải chỉ dạy cái mà người thầy có; đồng thời, phải làm sáng tỏ: cái gì dạy ở phổ thông và dạy như thế nào?

Trước hết, trường sư phạm phải chú trọng đào tạo cách dạy phương pháp học. Đã có một thời gian dài, chương trình đào tạo của các trường sư phạm tập trung vào chuẩn bị cho người giáo viên tương lai nắm vững hoạt động dạy, những phương pháp, kỹ năng tổ chức thực hiện hoạt động dạy. Ngày nay, sinh viên sư phạm không chỉ lo học cách dạy mà còn phải chuẩn bị tốt để dạy cách học. Vấn đề quan tâm nhất, để những giáo viên phổ thông tương lai biết dạy cách học, mỗi giảng viên sư phạm phải thường xuyên rèn luyện cho sinh viên kỹ năng tự học.

Cùng với việc chú trọng đào tạo cách dạy phương pháp học, trường sư phạm còn phải hình thành hệ thống kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, phải tạo ra và phát triển những con người có nghề nghiệp. Công việc phải làm ngay là xác định các mặt hoạt động nghề nghiệp của giáo viên để đưa ra các năng lực cơ bản cần đào tạo ban đầu ở các trường/khoa sư phạm. Trong bối cảnh hội nhập với những biến đổi sâu sắc của nghề dạy học, theo tôi, các kỹ năng nghiệp vụ sư phạm cần hình thành ở người giáo viên phổ thông là: Kỹ năng làm việc với sách giáo khoa; kỹ năng sử dụng các thiết bị dạy học; kỹ năng tổ chức các hoạt động giáo dục; kỹ năng giao tiếp, hội nhập; kỹ năng gắn NCKH với đào tạo, gắn lý luận với thực tiễn địa phương; kỹ năng định hướng, kế hoạch hóa, kiểm tra, tự kiểm tra, đánh giá, tự đánh giá...Cùng với đó, việc bồi dưỡng kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng hợp tác và nâng cao nhận thức hoạt động phê bình và tự phê bình cũng không kém phần quan trọng.

Tóm lại, xu hướng hội nhập và yêu cầu đổi mới giáo dục đặt ra cho các trường/khoa sư phạm cần thiết phải thay đổi cách đào tạo giáo viên. Đồng thời cách bồi dưỡng năng lực cho người giáo viên tương lai phải theo chuẩn nghề nghiệp đã quy định, đặc biệt, cần chú ý đến khuyến cáo của UNESCO: Thầy giáo được đào tạo để trở thành những nhà giáo dục nhiều hơn là những chuyên gia truyền đạt kiến thức; phải làm chủ được môi trường CNTT – truyền thông mới và phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự thay đổi cơ bản về vao trò của họ.

Điều quan trọng là mỗi trường/khoa sư phạm phải biết tìm ra những giải pháp thích ứng; tận dụng được những điều có lợi từ bên ngoài, phát huy nội lực để mang lại chất lượng và hiệu quả cao nhất trong hoạt động đào tạo giáo viên.

Hiếu Nguyễn (ghi)
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ