Cần tháo gỡ khó khăn cho y tế học đường vùng ĐBSCL

Cần tháo gỡ khó khăn cho y tế học đường vùng ĐBSCL

(GD&TĐ) - Y tế học đường vẫn là vấn đề nóng đặt ra cho ngành giáo dục, đặc biệt là các trường phổ thông ở ĐBSCL. Thiếu đội ngũ y bác sĩ, thiếu phòng y tế trường học, người làm công tác y tế học đường đa phần là kiêm nhiệm trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho HS đặt ra ngày càng cấp bách…

Đỏ mắt tìm cán bộ y tế học đường   

Hiện nay ĐBSCL dân số hơn 17 triệu người, bình quân có 5,27 bác sĩ và 0,73 dược sĩ/vạn dân, tỷ lệ xã có bác sĩ khoảng 71%, có thể nói tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ trên vạn dân của vùng còn thấp so với cả nước. Theo khảo sát của trường ĐH Y Dược Cần Thơ, vào cuối năm 2011 vùng ĐBSCL có 9.739 bác sĩ và 1.279 dược sĩ ĐH (như vậy toàn vùng còn thiếu khoảng 3.048 bác sĩ và 655 dược sĩ ĐH).

Nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho HS đòi hỏi hệ thống y tế học đường phải thực sự được quan tâm. Ảnh: Xuân Long
Nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho HS đòi hỏi hệ thống y tế học đường phải thực sự được quan tâm. Ảnh: Xuân Long

Trong khi nhân lực y tế, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ, dược sĩ còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu thì đội ngũ cán bộ y tế phục vụ cho các trường phổ thông còn thiếu nhiều hơn. Toàn vùng hiện có 1.753 trường MN, 3.202 trường TH, 1.456 trường THCS, 447 trường THPT, tỷ lệ trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày đạt 69%. Tuy nhiên theo con số thống kê gần đây, tại các tỉnh ĐBSCL cán bộ quản lý y tế trường học chủ yếu là kiêm nhiệm, có khoảng 65% trường học có cán bộ y tế chuyên trách, trên 65% trường có phòng y tế…

Mặc dù công tác y tế học đường được quan tâm và triển khai trong suốt thời gian qua nhưng do đặc thù của vùng cũng như khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực nên y tế học đường nhiều nơi còn bỏ ngỏ, đặc biệt là trường học ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Như tỉnh Cà Mau có khoảng 529 trường học từ mầm non đến THPT, số cán bộ làm công tác y tế học đường chỉ có 100 người và có khoảng 320 trường có cán bộ làm công tác y tế phục vụ, số trường có phòng y tế là 116… 

Thông tư 35/2006 của Bộ GD& ĐT đã cho phép định biên mỗi trường có một cán bộ chuyên trách y tế học đường nhưng việc tuyển cán bộ y tế học đường vô cùng khó khăn. Một người học xong bác sĩ, y sĩ thường hướng đến những nơi có thu nhập cao như các bệnh viện, các phòng mạch ở quận, huyện hoặc trung tâm của tỉnh, thành. Sự lựa chọn làm công tác y tế ở các trường học dường như không phải là ưu tiên của họ, nhiều trường tuyển cán bộ y tế mấy năm trời nhưng vẫn tìm không ra. Cái khó nhất vẫn là thiếu biên chế cho cán bộ y tế trường học, nhiều nơi thiếu kinh phí trả lương và còn thiếu cơ sở vật chất cho phòng y tế.

Từ những khó khăn trên nên nhiều nơi cán bộ y tế của trường chỉ kiêm nhiệm, trình độ có hạn và ít được bồi dưỡng, tập huấn nên vấn đề y tế học đường đôi khi chưa được quan tâm sâu sát. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ làm công tác y tế trường học chia sẻ: “Học xong ngành y dược ra trường có thể lên thành phố tìm việc hoặc làm trong các bệnh viện thu nhập khá ổn định, ít nhất cũng trên 5 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn có phụ cấp. Còn làm cán bộ y tế trường học chỉ có hưởng lương, không có phụ cấp trong khi đồng lương không cao nên nhiều người không chọn vào làm ở các trường dù được công tác gần nhà…”.  

Đội ngũ y tế học đường phổ biến kiến thức vệ sinh an toàn cho HS. Ảnh: TL
Đội ngũ y tế học đường phổ biến kiến thức vệ sinh an toàn cho HS. Ảnh: TL

Rất cần được quan tâm

Bạc Liêu là tỉnh có nhiều khởi sắc trong công tác y tế học đường trong thời gian qua. Một trong những nguyên nhân của sự khởi sắc này là y tế học đường của tỉnh được đưa vào chương trình mục tiêu y tế quốc gia nên được quan tâm, đầu tư và có sự phát triển xứng tầm. Đơn cử như huyện Phước Long, dù huyện thuộc vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn của tỉnh nhưng đến nay có 54/54 trường có phòng y tế và các phòng y tế này đã phát huy tác dụng rất tích cực trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho HS. Đến nay toàn tỉnh Bạc Liêu có khoảng 300 trường học từ bậc học mầm non đến THPT, theo thống kê có khoảng 100 trường có phòng y tế và 250 trường có cán bộ phụ trách y tế. 

Có thể thấy rằng y tế học đường đóng vai trò rất quan trọng, nhất là đối với HS ở độ tuổi mẫu giáo, tiểu học rất cần được chăm sóc và tư vấn về sức khỏe, đặc biệt là các bệnh răng miệng, tật khúc xạ, béo phì, còi xương, suy dinh dưỡng, giun sán… rất phổ biến ở trẻ. Đối tượng HS này phần lớn thời gian ban ngày các em ở trường vì phải học 2 buổi/ngày nên chế độ ăn uống, dinh dưỡng và tình hình sức khỏe không thể bỏ qua. Đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm bữa ăn cho trẻ, sơ, cấp cứu khi tình huống nguy hiểm xảy ra… là rất cần thiết nhưng điều khiến không ít phụ huynh và thầy cô giáo lo ngại chính là ở các trường này đang thiếu cán bộ y tế và có khi thiếu cả phòng y tế.

Về thăm điểm lẻ một trường TH ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), điểm lẻ nằm tận trong đồng sâu, mùa nước nổi muốn đến nơi phải đi bằng đường xuồng. Chính vì nằm trong vùng hẻo lánh nên điểm trường này chưa có phòng y tế và cũng không có cán bô y tế học đường. Mỗi khi có công việc liên quan đế “y tế” đều do các thầy cô giáo nơi đây “kiêm nhiệm”, mỗi khi trái gió trở trời HS đau bụng, đau đầu hay nóng sốt chỉ biết thoa dầu, cạo gió hay cho uống thuốc giảm đau, hạ sốt. Tình hình không ổn thì thầy cô tức tốc chở HS ra trạm y tế, nơi cách điểm trường hơn 7km đường xuồng.  

Nói đến đây mới thấy được tầm quan trọng của y tế học đường và thực tế nhiều nơi y tế học đường vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong khi đó các trường ở thị xã, thành phố các em HS được chăm sóc “tận răng”, nhất là các trường tư thì về nông thôn các em HS phải tự chống chọi với nguy cơ bệnh tật khi trường học vẫn chưa có bóng dáng của y bác sĩ. Một con số thống kê gần đây ở ĐBSCL HS bị tật khúc xạ khoảng 17%, cong vẹo cột sống khoảng 19% và có xu hướng tăng dần ở lứa tuổi cuối cấp tiểu học và đầu cấp THCS, có trên 80% trẻ dưới 6 tuổi bị sâu răng, 50% - 95% bị giun sán… Chính những con số biết nói” này đã thể hiện phần nào công tác y tế học đường của vùng và sự cần thiết đưa ra các giải pháp để y tế học đường được quan tâm đúng mức, góp phần đảm bảo sức khỏe, sự phát triển về tâm, sinh lý của HS các cấp. 

Cơ sở vật chất trường lớp, nhà công vụ cho GV, chất lượng GD,… thời gian qua đã được quan tâm đầu tư và đạt được nhiều khởi sắc. Đã đến lúc cần nhìn lại công tác y tế học đường để có sự đầu tư và kịp thời tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là y tế học đường cho vùng sâu, vùng xa. Chất lượng chăm sóc sức khỏe HS tăng lên sẽ góp phần quan trọng trong đảm bảo sự phát triển thể chất cũng như tinh thần của thế hệ trẻ, nguồn nhân lực tương lai của đất nước…                  

Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ