Cần tháo gỡ bất cập trong cơ chế tuyển dụng

GD&TĐ - Hệ lụy từ ồ ạt tuyển dụng hàng trăm giáo viên bất chấp nhu cầu của địa phương, cũng như bỏ ngoài tai những cảnh báo từ Sở GD&ĐT. Ba đời Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk (từ năm 2011 - 2017) đang để lại hậu quả vô cùng to lớn từ việc làm thiếu tính nguyên tắc của mình. 

Cần tháo gỡ bất cập trong cơ chế tuyển dụng

Dẫu UBND tỉnh Đắk Lắk đã có những chỉ đạo xử lý vụ việc, nhưng bài học đọng lại sau sự cố hơn 500 giáo viên dôi dư có nguy cơ mất việc vẫn cho ta dư vị chát đắng.

“Chiếc áo” biên chế và giấc mơ tan vỡ

Ngày 9/3, hơn 500 giáo viên hợp đồng các cấp tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đón nhận tin sét đánh ngang tai: UBND huyện sẽ không tái ký hợp đồng với tất cả vì tình trạng thừa giáo viên, cũng như không còn nguồn lực tài chính để rót về cho các trường trả lương cho giáo viên dôi dư.

Hơn 500 con người, thấp nhất thì có thâm niên 2 năm, lâu nhất thì gần 7 năm giảng dạy bỗng chốc thảng thốt nhận ra giấc mơ vào “biên chế” vỡ tan như bong bóng xà phòng. Thực tế, không mấy giáo viên thẳng thắn chia sẻ, nhưng ai cũng có thể nhận thấy, mọi người bám trụ với nghề ngoài niềm đam mê công việc, kế sinh nhai thì cũng ít nhiều vì “chiếc áo” biên chế ở tương lai gần - một sự ổn định trong suy nghĩ của nhiều người.

Như chia sẻ của nhiều giáo viên đang dạy hợp đồng tại huyện Krông Pắk, với mức lương hàng tháng dao động từ 1 triệu đến 1,5 triệu thì rất khó để nói đó là một mức đãi ngộ tốt. Vậy nhưng họ vẫn cố gắng vượt qua khó khăn, vẫn lên lớp hàng ngày với một ước mơ cháy bỏng được theo nghề, được vào biên chế.

Hơn 500 giáo viên hợp đồng tại huyện Krông Pắk đối mặt với cảnh thất nghiệp không phải là người có lỗi, có chăng là họ đã đặt niềm tin và trao trọn ước mơ tương lai của mình không đúng chỗ. Lỗi lớn nằm ở chính những lãnh đạo địa phương giai đoạn 2011 - 2017.

Những người đáng ra phải thừa hiểu và thừa biết nhu cầu giáo viên hàng năm của địa phương của mình như thế nào. Vậy nhưng họ vẫn nhắm mắt ký tuyển dụng, cố gắng dùng quyền uy của mình để “nhấn” xuống biên chế giáo viên hợp đồng cho các trường. Lời chia sẻ đầy uất ức của một vị hiệu trưởng THCS tại huyện với báo chí “năm nào ở trên huyện cũng đưa chỉ tiêu về trường buộc trường ký hợp đồng lao động, trong khi nhiều bộ môn đã dư giáo viên” cho thấy phần nào sự bất cập của chính sách phân cấp quản lý và hệ lụy từ chính sách biên chế giáo viên.

Ông T.T.H - nguyên Trưởng Phòng GD&ĐT một quận ngoại thành TPHCM cho rằng: Đã đến lúc xã hội cần mạnh dạn nhìn thẳng vào những bất cập của chính sách biên chế. Bởi theo ông chính “cái áo” biên chế cùng chính sách phân cấp quản lý, tuyển dụng biên chế giáo dục đến tận cơ sở như hiện nay đã và đang nảy sinh những hệ lụy rất lớn.

Không né tránh và nhìn trực diện vào những bất cập đã và đang nảy sinh tại địa phương, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho rằng Bộ Nội vụ, cùng với Bộ GD&ĐT cần nhanh chóng xem lại sự chồng chéo và bất cập trong chính sách tuyển dụng biên chế giáo viên.

“Với chính sách phân cấp quản lý, tuyển dụng theo Thông tư số 11 liên Bộ (Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ) như hiện nay, Phòng GD&ĐT các quận, huyện chỉ phụ trách chuyên môn, còn việc tuyển dụng giáo viên lại do Phòng Nội vụ các quận, huyện quyết định. Đây là điều hết sức bất cập, người sử dụng thì lại không được quyền thực hiện chính sách tuyển dụng, còn người có quyền tuyển thì cứ tuyển bất chấp những ý kiến, cảnh báo về sự dư thừa thì làm sao không sai”- ông Khoa cho biết.

Làm sao để không còn những bài học mang tên Krông Pắk

Trong diễn biến mới nhất, sau khi UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu UBND huyện Krông Pắk tạm dừng quyết định chấm dứt hợp đồng với hơn 500 giáo viên vào chiều 11/3, trao đổi với phóng viên, bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk cho biết: Trước mắt về phía huyện đã có chỉ đạo giao cho hiệu trưởng các trường cùng các giáo viên tại đó rà soát lại hợp đồng. Bởi theo bà, hợp đồng của hơn 500 giáo viên có nhiều loại; ngắn hạn, dài hạn, có thời hạn, không thời hạn...

Sau khi ra soát, hiệu trưởng và giáo viên thỏa thuận với nhau theo đúng các quy định của Luật Lao động. Sau khi thỏa thuận xong mà giáo viên còn thắc mắc, UBND huyện sẽ tổ chức đối thoại với giáo viên để tiếp tục tháo gỡ.

“Hiện tại, huyện cũng đã có kế hoạch làm việc với đơn vị xúc tiến việc làm để tạo điều kiện cho lao động là các giáo viên. Nếu sắp tới có giáo viên nghỉ hưu theo chế độ thì huyện sẽ dành ưu tiên chỉ tiêu này cho giáo viên có hợp đồng. Bên cạnh đó, huyện cũng liên hệ với các trường dân lập và nhiều mô hình khác để tạo điều kiện làm việc cho số giáo viên có nguy cơ bị nghỉ việc do không có vị trí việc làm để thi tuyển viên chức sắp tới”- bà Trinh thông tin.

Giải pháp của huyện trước mắt là như vậy. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu, để tránh những xung đột và sự việc đáng tiếc như Krông Pắk thì liên Bộ (Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ) cần phải ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung, làm sao để việc tham mưu, tuyển dụng biên chế giáo viên cho các trường cần quy về một mối do ngành Giáo dục đảm trách.

Theo ông Giang, trước kia Nghị định 115 (có hiệu lực 24/12/2010) cho phép Trưởng phòng GD&ĐT được quyền tuyển dụng, bố trí nhân sự. Tuy nhiên với Thông tư số 11 liên Bộ (giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ) thì Trưởng phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã gần như bị “trói tay” và không tiếng nói gì trong việc tuyển dụng biên chế ngành Giáo dục nữa.

“Đây là sự bất cập cần sớm tháo gỡ, bởi thực tế việc tuyển dụng biên chế ngành Giáo dục cả nước hiện đều do Phòng Nội vụ các địa phương quyết định” - ông Giang chỉ rõ.

Sai phạm của những lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk trong việc tuyển dụng giáo viên không theo nhu cầu của địa phương thì đã rõ tại kết luận của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, vấn đề dư luận, các ban ngành quan tâm là việc giải quyết hậu quả này như thế nào và làm sao để những sự vụ như Krông Pắk không còn tái diễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ