Ngày đầu tiên, thí sinh còn nghe ngóng nên chắc sẽ không có nhiều thí sinh nộp hồ sơ. Vì hơn ai hết, thí sinh tự biết năng lực học tập của mình đến đâu, điểm thế nào thì nên chọn trường cho phù hợp.
Cho dù có quyền được thay đổi nguyện vọng vào thời điểm cuối cùng, nhưng nhiều khi những suy tính nóng vội không đem lại kết quả tốt.
Cẩn thận với trường tốp đầu
PGS.TS Lê Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại thương - đưa ra lời khuyên cho thí sinh: Tuy rằng mức điểm nhà trường nhận hồ sơ của thí sinh ở đợt 1 là 22 điểm khối A, 20 điểm cho hai khối A1 và D ở cả cơ sở Hà Nội và TPHCM.
Còn với cơ sở tại Quảng Ninh tiếp nhận hồ sơ xét tuyển từ thí sinh đạt 17 điểm trở lên. Riêng các khối ngành ngôn ngữ, điểm nhận hồ sơ là 27 điểm do môn ngoại ngữ nhân hệ số 2. Nhưng thí sinh cần lưu ý đây là mức điểm được hội đồng tuyển sinh đưa ra là mức sàn, chứ không phải mức điểm chuẩn.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia tuyển sinh, khả năng điểm trúng tuyển của Đại học Ngoại thương năm nay sẽ cao hơn do năm nay, mức điểm này sẽ có nhiều thí sinh đạt được hơn.
Trong khi điểm chuẩn những năm trước của trường này luôn ở quanh mức 22 điểm với khối D và 24 điểm với khối A. Thêm nữa, thí sinh cũng cần lưu ý là không chỉ dựa vào điểm chuẩn, Đại học Ngoại thương còn thêm điều kiện xét tuyển với yêu cầu thí sinh có điểm trung bình từng năm học THPT từ 6,5 điểm trở lên cùng với hạnh kiểm từ loại khá trở lên.
Trường sẽ kiểm tra học bạ khi thí sinh nhập học, nếu thí sinh không đảm bảo điều kiện như quy định sẽ bị loại ra khỏi danh sách trúng tuyển.
Trường Đại học Y Hà Nội không đưa ra mức điểm sàn xét tuyển, nhưng dự báo là điểm trúng tuyển sẽ rất cao. Được biết năm nay trường tuyển 1.000 chỉ tiêu, trong đó 730 chỉ tiêu bác sĩ (đa khoa, y học cổ truyền, y học dự phòng, răng hàm mặt), còn lại là các ngành cử nhân.
Theo như thông báo của trường này, điều kiện để đăng ký xét tuyển với hệ bác sĩ là thí sinh phải có tổng điểm trung bình của 3 môn toán, sinh, hóa ở cả 6 học kỳ THPT từ 21 trở lên, với hệ cử nhân là từ 18 điểm trở lên (kể cả thi sinh đã tốt nghiệp các năm trước).
Được biết, khi xét tuyển, trường sẽ xét theo từng ngành và lấy từ cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu. Trong trường hợp các thí sinh cuối cùng của chỉ tiêu tuyển sinh có điểm thi bằng nhau, trường sẽ xét theo tiêu chí ưu tiên theo thứ tự: Ưu tiên 1 là điểm thi môn toán, ưu tiên 2 điểm thi môn sinh.
Cho dù thông báo nhận hồ sơ với mức điểm ngưỡng của Bộ (15 điểm), nhưng GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng cũng có lời khuyên: Những thí sinh đạt tối thiểu 20 điểm/3 môn thi khối B trở lên mới nên nộp hồ sơ, đây là mức điểm chuẩn thấp nhất của trường năm ngoái (cử nhân y tế công cộng).
Nếu không xuất sắc, hãy thay đổi nguyện vọng
Cho dù thí sinh được quyền thay đổi nguyện vọng đợt nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đầu tiên này, nhưng các chuyên gia tuyển sinh đưa ra lời khuyên đối với thí sinh là nên cân nhắc kỹ, nếu thấy không chắc chắn thì giảm tiêu chí xuống thì nguyện vọng của mình sẽ khả đắc hơn.
Như với thí sinh nếu chỉ ở ngưỡng 22 điểm, thay bằng nộp hồ sơ vào Đại học Ngoại thương thì có thể thay bằng Trường Đại học Thương mại, hay Đại học Kinh tế Quốc dân, tuy các trường này không “hot” bằng Ngoại thương nhưng uy tín lớn.
Như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố mức điểm sàn đăng ký xét tuyển ở mức từ sàn 17 điểm. Tuy nhiên thí sinh cũng cần lưu ý là Đại học Kinh tế Quốc dân có điểm sàn riêng cho mỗi ngành, các chuyên gia tuyển sinh cũng lưu ý thí sinh không được chủ quan khi đăng ký xét tuyển vào trường này vì có ngành lấy tới 26 - 27 điểm.
Còn Trường Đại học Thương mại, cũng không “hot” như Ngoại thương, đây là ngưỡng an toàn với thí sinh vì theo công bố xét tuyển nguyện vọng 1 của trường này, thí sinh có tổng điểm 3 môn thi thuộc 1 trong các tổ hợp đăng ký xét tuyển gồm cả điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng đạt từ 17,0 điểm trở lên và không có môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 (một) điểm trở xuống.
Cũng như vậy ở khối ngành Y, thí sinh yêu thích nghề này nếu thấy điểm thi không đỗ được ở Đại học Y Hà Nội thì nên chuyển sang các trường khác như: Trường Đại học Y Dược Thái Bình, dự kiến các ngành Y Đa khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Dược học dự báo mức điểm xét tuyển các ngành học sẽ trong khoảng từ 16,5 điểm trở lên.
Hay như Đại học Y Hải Phòng, trường nhận hồ sơ của những thí sinh đạt từ điểm ngưỡng của Bộ trở lên, nếu như năm 2014 điểm chuẩn vào các ngành lấy ở mức từ 20 - 24,5. Năm nay điểm thi của thí sinh cao hơn, việc thay đổi nguyện vọng từ Y Hà Nội sang Y Thái Bình cũng giúp thí sinh có cơ hội trúng tuyển nhiều hơn.
Còn Trường Đại học Y Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên) ngưỡng tuyển sinh các ngành đào tạo được đưa ra trong khoảng từ 18 - 21 điểm, đây được coi là ngưỡng an toàn cho thí sinh có nguyện vọng theo học ngành Y nhưng điểm thi không cao.
Không chỉ với các ngành Kinh tế hay Y - Dược, đối với các ngành khoa học kỹ thuật cũng vậy, lời khuyên của các chuyên gia với thí sinh lúc này là nên “liệu cơm gắp mắm”, hơn ai hết thí sinh tự nhận biết khả năng của mình đến đâu, điểm ở mức nào nên lựa chọn trường cho phù hợp.
Đành rằng mình có quyền thay đổi nguyện vọng đến thời điểm cuối cùng, nhưng nhiều khi những suy tính nóng vội lại không đem lại kết quả tốt.