(GD&TĐ) - Theo các cơ quan chức năng, có đến 90% các vụ tham nhũng, vi phạm pháp luật bị phát hiện, truy tố là từ nguồn thông tin do người dân cung cấp hoặc tố giác, với mức độ khác nhau. Việc cơ quan chức năng phát hiện các hành vi vi pham, sai trái của cơ quan, người có thẩm quyền là rất ít.
Điều này chưa được kiểm chứng nhưng trên thực tế theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng thì đây là số liệu có độ tin cậy cao. Hàng ngày, báo chí đều đưa tin về các vụ vi phạm pháp luật, tham nhũng trong đó phần lớn đều do người dân hoặc báo chí phát hiện, tố cáo với cơ quan chức năng.
Luật Tố cáo, có hiệu lực từ ngày 1/7/2012, đã mang lại cho người dân sự kỳ vọng rất cao, tuy nhiên để đạo luật này đi vào thực tế cuộc sống là vấn đề cần đáng quan tâm. Đây là đạo luật quan trọng, có ý nghĩa rất thiết thực trong việc làm lành mạnh đời sống xã hội, hạn chế hành vi tiêu cực, tham nhũng và xử lý nghiêm minh những kẻ vi phạm pháp luật. Có nhiều quy định mới, chặt chẽ, tiến bộ đã được đưa vào Luật nhưng để thực hiện tốt quy định pháp luật về lĩnh vực tố cáo thì còn rất nhiều việc phải làm như cần có sự chung tay của toàn xã hội, cả hệ thống chính trị với các biện pháp đồng bộ, chặt chẽ thủ tục, trình tự giải quyết tố cáo, tiếp nhận, thụ lý thông tin tố giác... Trong đó, quan trọng nhất vẫn là phải có cơ chế khuyến khích, bảo vệ người tố cáo, tố giác hành vi vi phạm pháp luật.
Hiện nay, người dân và cả cán bộ, đảng viên còn thờ ơ đối với các hành vi vi phạm pháp luật là do người tố cáo không được bảo vệ, khuyến khích, tôn vinh thỏa đáng. Người dân chưa tin tưởng đối với quy định của pháp luật và cơ quan chức năng. Trường hợp các cơ quan có thẩm quyền khi tiếp nhận thông tin tố cáo về hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật cố tình bỏ qua, không xử lý triệt để, nghiêm minh, thậm chí bao che không phải là hiếm. Điều này làm cho người dân không tích cực tham gia tố giác các hành vi vi phạm pháp luật.
Trong thực tế, rất ít khi người dân tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người khác, nếu không liên quan đến gia đình và bản thân mình. Ví dụ, khi đi ra đường thấy một người say rượu lái xe chạy với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng dễ gây ra tai nạn nhưng rất ít khi người dân gọi điện báo cảnh sát giao thông để ngăn chặn, xử lý. Hoặc trường hợp có người chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép hay đốt, phá rừng làm nương rẫy cũng chẳng có ai báo cho lực lượng kiểm lâm, chính quyền. Bởi vì, họ suy nghĩ, cho rằng những việc đó không liên quan đến mình, có báo cũng chẳng được gì, đôi khi còn bị liên lụy, trả thù... Do các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật không bị tố giác, xử lý kịp thời nên ngày càng gia tăng và hậu quả là xã hội ngày càng bất ổn, phức tạp thêm.
Việc quản lý xã hội nếu chỉ dựa vào các cơ quan chức năng của nhà nước thì chắc chắn hiệu quả mang lại sẽ không cao do các lực lượng chức năng biên chế, trang thiết bị, kinh phí... có hạn trong khi các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra mọi lúc, mọi nơi. Vì thế, nếu biết dựa vào dân, khuyến khích người dân tham gia tố giác tiêu cực, phạm pháp thì hiệu quả mang lại sẽ rất cao trong thực tế.
Vĩnh Linh