Cần sớm hoàn thiện các quy định để phát triển KHCN trong trường đại học

GS Tạ Ngọc Đôn phát biểu tại phiên làm việc chiều 11/4 với Trường ĐH Sư phạm TPHCM
GS Tạ Ngọc Đôn phát biểu tại phiên làm việc chiều 11/4 với Trường ĐH Sư phạm TPHCM

Theo GS Tạ Ngọc Đôn, nội dung chính của chuyến công tác là lắng nghe những góp ý của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cho các Dự thảo liên quan đến việc xây dựng các cơ chế chính sách về Phát triển nhóm nghiên cứu mạnh (NCM) trong cơ sở GDĐH; Khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ trong cơ sở GDĐH;

Đầu tư phát triển một số phòng thí nghiệm liên ngành gắn với thực hiện các chương trình nghiên cứu trọng điểm để phát triển một số ĐH, trường ĐH trọng điểm; Đánh giá hiệu quả hoạt động KHCN giai đoạn 2012-2017 và kế hoạch khoa học và công nghệ 2020.

Dự thảo rất hữu ích cho sự phát triển KHCN

Trong phiên làm việc chiều 11/4 tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM, đoàn đã lắng nghe ý kiến góp ý của BGH, đại diện các khoa và các nhà khoa học tiêu biểu trong trường. Phần lớn, ý kiến đều đánh giá cao sự hữu ích cũng như tính khoa học của 3 dự thảo nêu trên. Bên cạnh đó, đại diện các đơn vị trong trường cũng có những chia sẻ thêm để làm sáng tỏ một số thuật ngữ, tiêu chí trong các dự thảo, chẳng hạn như tiêu chí nhóm NCM, vai trò vị trí của trưởng nhóm NCM, chỉ số H-index của các thành viên chủ chốt, chỉ tiêu bài báo ISI/năm mà nhóm NCM cần đạt được…

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP TPHCM cho rằng, với chỉ tiêu 10 bài báo ISI/năm rất khó thức hiện đối với lĩnh vực khoa học giáo dục, nhất là khi Trưởng nhóm NCM lại bị giới hạn về độ tuổi (để có thời gian đủ dài dẫn dắt nhóm NCM). Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho rằng theo dự thảo, nếu các trường chưa được đầu tư về cơ sở vật chất sẽ khó thành lập được nhóm NCM. Một vấn đề khác nữa là cần hiểu đúng về khởi nghiệp và các vấn đề liên quan đến đến khởi nghiệp, quy đổi giờ dạy và giờ NCKH cần linh hoạt theo đặc thù của mỗi trường.

Báo cáo với đoàn công tác, đại diện Trường ĐHSP TPHCM cho biết, thực hiện các quy định ngành, thời gian qua nhà trường cũng ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý để đẩy mạnh NCKH trong toàn trường, như Quyết định thành lập các nhóm NCM. Kết quả nhà trường đã công bố được 50 bài báo khoa học trong danh mục ISI trong năm 2018. Tuy nhiên, nhà trường cũng trình bày một thực tế là hiện tại nhiều phòng thí nghiệm của trường đã tụt hậu, xuống cấp trầm trọng nhưng chưa có kinh phí để thay mới hay duy tu, sửa chữa.

Đoàn công tác tham quan phòng thí nghiệm của Trường ĐHSP TPHCM
 Đoàn công tác tham quan phòng thí nghiệm của Trường ĐHSP TPHCM

GS Tạ Ngọc Đôn chia sẻ, khi tham quan các phòng thí nghiệm của Trường ĐHSP TPHCM ông rất xúc động và hết sức bất ngờ vì cơ sở vật chất của các phòng thí nghiệm nơi đây vừa thiếu lại chất lượng thấp do đa số đã được đầu tư từ hơn 10 năm qua. Ông cho rằng, nhà nước cần đầu tư thích đáng cho các trường đại học sư phạm trong điểm nói chung và Trường ĐHSP TPHCM nói riêng, bởi nơi đây đã và đang có nhiệm vụ đào tạo đội ngũ các thầy cô cho toàn bộ khu vực miền Đông và miền Tây Nam bộ.

Phải tháo được nút thắt cơ chế

Trước đó, trong phiên làm việc sáng ngày 11/4 tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nhiều giảng viên, nhà khoa học của trường đã đóng góp ý kiến với đoàn công tác, bày tỏ mong muốn được nghiên cứu khoa học nhiều hơn. Đồng thời đánh giá cao 3 dự thảo chính sách cho KHCN trong các cơ sở GDĐH hiện nay đang rất được đội ngũ các nhà khoa học trong các cơ sở GDĐH quan tâm, khẳng định đó chính là các nút thắt cơ chế rất cần sớm được tháo gỡ. 

"Nếu không nhanh chóng hiện thực hóa các chính sách để thúc đẩy sự phát triển KHCN trong các ĐH, thì việc giải phóng, khai phá sức sáng tạo của các nhà khoa học sẽ tiếp tục gặp khó khăn, khó có thể xây dựng thành công ĐH trọng điểm, ĐH thông minh theo kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ" -  GS Tạ Ngọc Đôn

PGS.TS Nguyễn Huy Bích- Trưởng Khoa Cơ khí- Công nghệ Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng: Mục tiêu và hướng đi của Bộ GD&ĐT thông qua các Dự thảo lần này là rất đúng và trúng, hoàn toàn phù hợp thực tiễn hiện nay. Điều này cũng cho thấy Bộ GD&ĐT đã nhìn thấy rõ thực trạng đang tồn tại, kìm hãm công tác NCKH trong các trường. Nếu giải quyết tốt cơ chế tài chính khoán đến sản phẩm nghiên cứu cuối cùng, nhằm giảm các thủ tục hành chính cho các nhà khoa học thì việc xây dựng thành công các nhóm NCM trong các trường đại học, với hướng nghiên cứu chuyên sâu giải quyết các bài toán lớn của thị trường công nghệ Việt Nam hiện nay, hướng đến việc hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc là điều hoàn toàn khả thi.

Đồng tình quan điểm trên, PGS.TS Lê Đình Đôn- Viện trưởng Viện nghiên cứu Công nghệ sinh học và Môi trường Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng: Dự thảo cần hướng đến tháo “nút thắt”, tạo cơ chế thông thoáng hơn cho chính đội ngũ nghiên cứu. Trong đó, cho phép các nhà khoa học là tác giả các giải pháp công nghệ có thể thành lập doanh nghiệp KHCN trong trường ĐH và được phép làm giám đốc doanh nghiệp này. Nếu không thì rất khó có thể xây dựng thành công mô hình khởi nghiệp doanh nghiệp trong các cơ sở GDĐH hiện nay.

Đại diện Trường ĐH Nông Lâm TPHCM đóng góp ý kiến với đoàn công tác
Đại diện Trường  ĐH Nông Lâm TPHCM đóng góp ý kiến với đoàn công tác 

Khi bàn sâu về cơ chế, chính sách phát triển nhóm NCM trong các trường đại học, PGS.TS Nguyễn Huy Bích cũng nhấn mạnh rằng: Dự thảo cần phải hướng đến việc tận dụng chất xám, sự thông tuệ của đội ngũ các nhà khoa học đã có “thương hiệu”, không nên giới hạn độ tuổi quản lý, bởi theo ông ở ngưỡng 60 tuổi thực tế mới là độ tuổi chín muồi để làm công tác NCKH.

Góp ý cho Dự thảo cơ chế chính sách khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ, nhiều giảng viên, nhà khoa học Trường ĐH Nông Lâm TPHCM cho rằng, để đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ đang rất cần môi trường tự chủ toàn diện. Trong đó, có 3 việc lớn của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển giao trong trường ĐH cần phải được làm rõ. Thứ nhất, phải xác định đúng vai trò của doanh nghiệp KH&CN trong trường ĐH. Thứ hai, quyền lợi của của các doanh nghiệp tham gia chuyển giao công nghệ và sản phẩm NCKH của các nhà khoa học cần được xác định rõ. Thứ ba, vai trò hỗ trợ của các trường đại học cho đội ngũ nhà khoa học trong quá trình NCKH cũng cần được đẩy mạnh.

Phát biểu tổng kết chuyến công tác lần này, GS Tạ Ngọc Đôn chia sẻ: "Trong những ngày qua, đoàn đã làm việc với các đại học và trường ĐH lớn là ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐHSPKT TPHCM, ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐHSP TPHCM. 3 nội dung mới về cơ chế chính sách để phát triển KHCN được các trường hưởng ứng nồng nhiệt. Nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các trường rất xác đáng, đoàn đã ghi nhận và tiếp thu. Đây cũng là điểm nghẽn lớn nhất về cơ chế chính sách đối với sự phát triển KHCN của các trường ĐH hiện nay.

Nếu không nhanh chóng hiện thực hóa các chính sách này thì việc giải phóng, khai phá sức sáng tạo của các nhà khoa học sẽ tiếp tục gặp khó khăn, khó có thể xây dựng thành công ĐH trọng điểm, ĐH thông minh theo kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ được thể hiện trong Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 15/01/2019 về Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 – 2025".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ