Cần sắp xếp lại tổ chức, cân đối lại biên chế trước khi tinh giảm

GD&TĐ - Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, thời gian qua các cấp, các ngành đã và đang có những bước đi khá quyết liệt, thực tế  nhằm đạt được mục tiêu là đến năm 2021 giảm được 10% tổng biên chế được giao.

Cần sắp xếp lại tổ chức, cân đối lại biên chế trước khi tinh giảm

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, đó là một số cơ quan có khối lượng công việc cần giải quyết lớn nếu tinh giản thì sẽ rất khó đảm đương, thực hiện tốt nhiệm vụ, nhất là các cơ quan thuộc khối quản lý hành chính nhà nước.

Theo khoa học quản lý thì khi dân cư - đối tượng quản lý, phục vụ tăng lên thì nhân sự của các cơ quan quản lý, phục vụ phải tăng theo để đáp ứng yêu cầu của công dân, tổ chức.

Vì vậy, việc áp dụng quy định tinh giản đồng loạt 10% biên chế ở mức độ nào đó sẽ gây khó khăn, tạo áp lực rất lớn cho các cơ quan trực tiếp thụ lý, giải quyết công việc hàng ngày cho người dân.

Đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay khi công cuộc cải cách hành chính đang được coi là khâu trọng điểm, đột phá để cải thiện môi trường đầu tư và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân, tổ chức và góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Yêu cầu đặt ra trong cải cách thủ tục hành chính là rút ngắn tối đa thời gian giải quyết yêu cầu của công dân, tổ chức, hiện nay có thủ tục hành chính đã được cắt giảm đến 3/4 so với trước đây. Do đó, nếu chúng ta máy móc tinh giản biên chế ở những bộ phận này sẽ rất khó đáp ứng các mục tiêu đặt ra trong cải cách thủ tục hành chính.

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tổ chức theo hướng giảm mạnh các đầu mối, đồng thời điều chuyển, cân đối lại biên chế giữa các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị, hơn là thực hiện tinh giản một cách cơ học.

Thực tế nhiều cơ quan được giao thêm các nhiệm vụ mới nhưng biên chế, bộ máy thì vẫn không tăng như ngành tài nguyên và môi trường, ngành tư pháp, ngoại vụ... Ngược lại một số cơ quan, đơn vị do biến chuyển của xã hội mà chức năng, nhiệm vụ trước đây không còn như văn hóa, du lịch, nội vụ...

Ví dụ, trước đây việc tuyển dụng viên chức, nâng lương công chức viên chức hoặc bổ nhiệm cán bộ cấp phòng là do Sở Nội vụ thực hiện, tuy nhiên hiện nay đã được phân cấp về cho các sở, ngành và cấp huyện nhưng biên chế làm công tác này ở Sở Nội vụ vẫn giữ nguyên, dù khối lượng công việc đã giảm đi rất nhiều.

Vì vậy, dẫn đến tình trạng ngay cùng là cơ quan hành chính với nhau nhưng đã có sự bất hợp lý về biên chế với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Ngoài ra, hệ thống cơ quan nhà nước ở nước ta được tổ chức theo cấp hành chính và biên chế được bố trí định mức theo cấp hành chính. Do đó, nhiều nơi không có việc làm nhưng vẫn được bố trí biên chế đầy đủ theo “khung” đã ấn định, trong khi những nơi khác khối lượng công việc nhiều nhưng biên chế cũng tương đương, nếu có bổ sung theo tỷ lệ vụ việc, dân số thì không đáng kể.

Minh chứng rõ nhất cho nhận định này là hệ thống cơ quan tổ chức theo ngành dọc như tòa án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thuế, kho bạc.... Ví dụ, có Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện mỗi năm chỉ thụ lý, giải quyết khoảng 10 vụ việc, thậm chí cả tháng không phát sinh vụ việc nào, số tiền cũng vài chục triệu đồng (chủ yếu là cấp dưỡng nuôi con) nhưng định mức “cứng” gồm: 1 chi cục trưởng, 1 phó và đội ngũ chấp hành viên, thư ký, chuyên viên, kế toán, văn thư đầy đủ cả.

Thậm chí, các cơ quan này còn được giao 01 tạp vụ và 02 bảo vệ hợp đồng theo Nghị định 68 (01 bảo vệ cơ quan và 01 bảo vệ kho tang vật), trong khi các sở, ngành cấp tỉnh nhiều nơi không được ngân sách bố trí kết hợp đồng lao động dạng này.

Từ những vấn đề nêu trên, theo chúng tôi, biện pháp cấp bách, hiệu quả để thực hiện tinh giản biên chế theo NQ 39-NQ/TW mà không ảnh hưởng đến yêu cầu nhiệm vụ được giao của các cơ quan nhà nước đó là phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy và cân đối, điều hòa, điều chỉnh lại biên chế giữa các các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị.

Theo đó, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc của các cơ quan, đơn vị để bố trí, sắp xếp biên chế hợp lý, đặc biệt là linh hoạt trong việc điều chuyển biên chế từ khối đảng, đoàn thể sang khối hành chính nhà nước và ngược lại để đảm bảo sử dụng hợp lý.

Như vậy, sẽ tránh tình trạng rập khuôn, máy móc, cào bằng trong việc tinh giản biên chế, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ công dân, tổ chức.

Đồng thời, hạn chế tối đa tình trạng các cơ quan thực hiện khối lượng công việc lớn, phức tạp cũng bị cắt giảm biên chế đồng đều như các cơ quan khối lượng công việc ít, đơn giản dẫn đến bất hợp lý, lãng phí trong bố trí, sử dụng biên chế hành chính./.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ