Cần quy định rõ ràng cơ chế bảo vệ người tố cáo

Cần quy định rõ ràng cơ chế bảo vệ người tố cáo

Trong Báo cáo thẩm tra Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Tố cáo, các quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật tố cáo đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và nhận thấy dự án luật được chuẩn bị khá công phu, các tài liệu kèm theo Tờ trình và dự thảo Luật được chuẩn bị tương đối đầy đủ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, khảo sát lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan, các nhà khoa học, các chuyên gia; đồng thời đã có nhiều cố gắng trong việc tổng kết và đánh giá thực trạng tình hình tố cáo, giải quyết tố cáo, trên cơ sở đó đã đưa được nhiều nội dung mới vào dự án luật, như các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết tố cáo; hình thức tố cáo; thời hiệu xử lý hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; bảo vệ người tố cáo…

Nhìn chung những sửa đổi, bổ sung này là tương đối tích cực, tuy nhiên, về cơ bản, cơ chế giải quyết, từ khâu tiếp nhận, trình tự thủ tục xử lý, trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết tố cáo, cơ chế bảo vệ người tố cáo…vẫn là những cơ chế hiện hành, vì thế nhiều ý kiến cho rằng, những sửa đổi này đã thực sự đáp ứng được các yêu cầu của công tác giải quyết tố cáo hiện nay hay chưa, nhất là việc khắc phục những hạn chế của công tác giải quyết tố cáo cũng như hiệu quả giải quyết tố cáo không cao như Tờ trình Chính phủ đã nêu.

Cần quy định rõ ràng cơ chế bảo vệ người tố cáo ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng, Luật phải quy trách nhiệm chứng minh đối với các hành vi bị tố cáo thuộc về cơ quan nhà nước; ngăn chặn hành vi lạm quyền trong việc giải quyết tố cáo; cơ chế bảo vệ người tố cáo cần được quy định rõ ràng, cụ thể hơn.

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, tố cáo và giải quyết tố cáo là những vấn đề xã hội phức tạp nhưng cũng rất quan trọng, bởi vì loại trừ yếu tố tiêu cực, lợi dụng và lạm dụng thì tố cáo, giải quyết tố cáo phản ánh trình độ nhận thức, trách nhiệm công dân, của đội ngũ cán bộ, công chức, cấp độ phát triển của bộ máy nhà nước, thước đo của nền dân chủ ở mỗi quốc gia.

Trong hệ thống chính trị nước ta, vấn đề tố cáo và giải quyết tố cáo là vấn đề không đơn giản, bởi vì chủ thể tố cáo, đối tượng bị tố cáo và hành vi bị tố cáo lại có tính đan xen và trong không ít trường hợp là rất khó phân biệt nếu không có các quy định rõ ràng. Chẳng hạn, đối tượng bị tố cáo là cán bộ, công chức nhưng hành vi bị tố cáo lại không liên quan đến việc thực hiện công vụ, nhiệm vụ được giao thì cơ quan nào có trách nhiệm xử lý, đơn tố cáo sẽ được gửi đến đâu, cơ quan quản lý cán bộ, công chức đó hay cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực vi phạm; hoặc đối tượng bị tố cáo là cán bộ, công chức nhưng đồng thời là đảng viên thì việc giải quyết tố cáo được tiến hành theo cơ chế nào và đối tượng bị tố cáo sẽ được xem xét, giải quyết với tư cách là đảng viên hay cán bộ, công chức…

Uỷ ban Pháp luật cho rằng, việc xây dựng Luật tố cáo cần xuất phát từ yếu tố tích cực của tố cáo; đó là thông qua việc tố cáo giúp các cơ quan nhà nước kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, góp phần làm trong sạch bộ máy, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lành mạnh hóa nền công vụ quốc gia, nâng cao hiệu quả hoạt động Nhà nước.

Vì vậy, việc xây dựng Luật tố cáo cần đáp ứng được hai yêu cầu cơ bản là bảo đảm cho công dân có thể thực hiện quyền tố cáo một cách đơn giản, thuận tiện và cơ chế giải quyết tố cáo phải công khai, minh bạch, hiệu quả. Để thực hiện được các yêu cầu này, dự thảo Luật cần có các quy định đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, cơ quan có thẩm quyền trực tiếp giải quyết tố cáo; phân định rõ thẩm quyền giải quyết đối với các hành vi vi phạm bị tố cáo không chỉ đối với vi phạm nhiệm vụ, công vụ mà còn đối với những vi phạm về đạo đức, lối sống; quy định trách nhiệm chứng minh đối với các hành vi bị tố cáo thuộc về cơ quan nhà nước; ngăn chặn hành vi lạm quyền trong việc giải quyết tố cáo; cơ chế bảo vệ người tố cáo cần được quy định rõ ràng, cụ thể hơn; đồng thời, cũng cần có cơ chế bảo vệ người bị tố cáo khi bị tố cáo oan sai; có cơ chế liên thông trong giải quyết tố cáo giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, công chức là đảng viên. Bên cạnh đó Luật cũng cần khẳng định quan điểm tố cáo phải có điểm dừng, không xem xét đối với các tố cáo đã được giải quyết, tố cáo lại.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên UBTVQH tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Tố cáo; đồng thời cho rằng tố cáo và giải quyết tố cáo là những vấn đề xã hội phức tạp nhưng rất quan trọng.

Việc xây dựng Luật cần đáp ứng được 2 yêu cầu cơ bản là bảo đảm cho công dân có thể thực hiện quyền tố cáo một cách đơn giản, thuận tiện và cơ chế giải quyết tố cáo phải công khai, minh bạch, hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho rằng, dự thảo luật cần phân định rõ thẩm quyền giải quyết đối với các hành vi vi phạm bị tố cáo không chỉ đối với vi phạm nhiệm vụ công vụ mà còn đối với những vi phạm về đạo đức, lối sống.

Theo ông Thuận, Luật phải quy trách nhiệm chứng minh đối với các hành vi bị tố cáo thuộc về cơ quan nhà nước; ngăn chặn hành vi lạm quyền trong việc giải quyết tố cáo; cơ chế bảo vệ người tố cáo cần được quy định rõ ràng, cụ thể hơn; đồng thời, cũng cần có cơ chế bảo vệ người bị tố cáo khi bị tố cáo oan sai; có cơ chế liên thông trong giải quyết tố cáo giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước đối với cán bộ, công chức là đảng viên.

Hai vấn đề được các đại biểu tập trung thảo luận là chủ thể tố cáo và tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo. Trong đó, có ý kiến cho rằng, chủ thể tố cáo không chỉ là công dân, cá nhân người nước ngoài mà cần mở rộng thêm chủ thể là tổ chức. Tuy nhiên, theo một số đại biểu thì chỉ nên quy định chủ thể tố cáo là công dân và cá nhân người nước ngoài; còn với tổ chức thì cần có quy định rõ ràng về việc cử người đại diện để tố cáo.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng băn khoăn về việc cần quy định đối với người tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì cơ quan có thẩm quyền phải xem xét.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho rằng, trong thực tiễn có những tổ chức đủ mạnh để đại diện cho các thành viên của mình, như Hội Nông dân các tỉnh trong vụ Vedan vừa rồi. Do đó, cần phải có đánh giá thêm về những Luật điều chỉnh với tổ chức trên thực tiễn diễn ra như thế nào.

Cũng theo bà Mai, trong Điều 23, 24 có đưa ra hình thức tố cáo bằng điện thoại, email, fax là rất kịp thời, nhưng cần quy định cơ chế riêng cho những đối tượng tố cáo bằng cách này.

Quang Anh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.