Cần "chuẩn hóa đổi mới phương pháp giảng dạy"

Cần "chuẩn hóa đổi mới phương pháp giảng dạy"

Trong 4 tiếng đồng hồ, gần 1000 đại biểu (Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên CS Hồ Chí Minh; lãnh đạo tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đại học Huế, các doanh nghiệp; lãnh đạo các trường thành viên, đại diện các Ban, ngành, đoàn thể và các giảng viên, sinh viên tiêu biểu của ĐH Huế cùng cuốn hút vào một không khí thật sự “ hội thảo” xung quanh vấn đề “  Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo, làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo?” theo tinh thần Chỉ thị số 296/CT-TTG ngày 27/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Các đại biểu dự Hội thảo
Các đại biểu dự Hội thảo

Đau đáu câu hỏi “ Vì sao”? 

Ngay sau khi Bộ Giáo dục–Đào tạo và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp lên kế hoạch triển khai Chỉ thị của Thủ tướng, ngày 10/3/2010, Ban thường vụ Đoàn Đại học Huế đã triển khai chương trình hành động đến toàn thể đoàn viên, SV và sau 1 tháng đã nhận được 150 ý kiến đóng góp.

Báo cáo đề dẫn “ Vì sao phải nâng cao chất lượng đào tạo” của Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Đại học Huế đã đi thẳng vào trọng tâm vấn đề: đây là cơ hội để người học đạt được mục tiêu nghề nghiệp cá nhân; thể hiện trách nhiệm của nhà trường đối với người học, xã hội, tạo ra uy tín của nhà trường với cộng đồng; đảm bảo lợi ích cơ bản về sử dụng nguồn nhân lực cao cho xã hội…

Từ quy trình triển khai chặt chẽ, khoa học với sự tham gia tích cực của toàn thể giảng viên và sinh viên Đại học Huế, PGS.TS Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Huế đã định hướng những nội dung cần thảo luận theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, bắt đầu từ việc đánh giá thực trạng đào tạo và các yếu tố tạo nên chất lượng đào tạo. Đặc biệt, từ các khâu chỉ đạo cho các trường thành viên, Công đoàn, Đoàn thanh niên CS Hồ Chí Minh và Hội SV tổ chức thảo luận rộng rãi, lấy ý kiến của người dạy, người học, Đại học Huế đã thống nhất trong nhận thức: Không thể tiếp tục quy mô phát triển giáo dục mà buông lỏng quản lý chất lượng như thời gian qua. Các giảng viên không chấp nhận tiêu cực trong giảng dạy, học tập, thi cử và tốt nghiệp. Trên cơ sở đó, Đại học Huế đã tổng hợp các ý kiến đóng góp của cán bộ GV, viên chức và SV.

f
SV phát biểu ý kiển thảo luận

Mở  đầu phần ý kiến tham luận, Sinh viên Nguyễn Thái Bảo của Trường ĐH Y Dược-Đại học Huế đã trình chiếu khá logic các lập luận về xuất phát điểm của những tiêu cực, yếu kém trong thi cử, trong học tập, rèn luyện của sinh viên, trăn trở với thực trạng một số SV đã để cho hiện tại che khuất tương lai, đi vào con đường sa ngã.

Với vị trí người thầy đóng vai trò then chốt trong chất lượng đào tạo, Nguyễn Thị Thúy Đạt, giảng viên của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Huế đã nêu một thực trạng đáng suy ngẫm:  Trong những năm gần đây, những câu nói của doanh nghiệp như: “ chúng tôi phải đào tạo lại các bạn SV” hay “ các bạn SV chưa làm được việc”…vô hình chung đã đánh giá được chất lượng của SV tốt nghiệp, nguồn nhân lực mà chúng ta kỳ vọng vào việc góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước hiện nay”.

Giảng viên Bùi Quang Vũ của Trường ĐH Khoa học Huế cho rằng, việc đổi mới PP giảng dạy đại học là một đòi hỏi của thực tế khách quan đáp ứng được nhu cầu về phát triển kinh tế, xã hội và nguồn lực; phê phán hiện tượng truyền thu kiến thức một chiều của giảng viên và cách học thụ động của sinh viên. Ngoài ra, các ý kiến về sự cần thiết phải đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo còn đưa ra một số khó khăn, phức tạp trong tình hình tuyển sinh và đào tạo đại học hiện tại, những biểu hiện về bệnh thành tích chưa chấm dứt, một số hạn chế khác về chương trình, phương pháp giảng dạy, đào tạo của giảng viên…

Bức thiết lời giải đáp “ Làm gì?”

“Một sự thành công ngoài ý muốn!”, có đại biểu đã thốt lên như vậy tại Hội trường khi hàng trăm cánh tay của các GV và SV đưa lên mong mỏi được giãi bày suy nghĩ, mong muốn của bản thân “ làm thế nào để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo”. Giám đốc ĐH Huế đề xuất một số giải pháp tích cực về đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng của ĐH Huế thời gian qua trong xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đàu tư CSVC, chống bệnh thành tích, tiêu cực trong thi cử…

Sinh viên Phạm Thị Thùy Dương của Trường ĐH Sư phạm đã đi từ thực tiễn của một trường tiên phong trong trong cuộc vận động “ mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức và tự học” để trình bày suy nghĩ chân thực về những việc làm tận tụy, hết mình cho một chất lượng đào tạo nguồn nhân lực kế cận: bằng nhiều kênh thông tin với nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, BGH nhà trường đã luôn nhắc nhở SV về ý thức học tập và rèn luyện, trong đó, đặc biệt chú ý đến tính đặc thù của ngành Sư phạm. Đồng thời, quán triệt kịp thời, sâu sắc các chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chống tiêu cực trong học tập và thi cử, tổ chức xây dựng nhiều chương trình hoạt động cụ thể. Nhờ vậy, ở Trường ĐH Sư phạm, các hiện tượng tiêu cực, gian lận trong học tập, thi cử được ngăn chặn và cho đến nay hầu như ít xảy ra.

Giảng viên Trần Quang Cát Linh của Trường ĐHNN - ĐH Huế đã đưa ra quan nệm về người thầy khá mới mẻ, rất đáng lưu tâm: “  Một người thầy giỏi không phải là người “cung cấp” thật nhiều tri thức cho SV, mà đó phải là người truyền cảm hứng học tập cho SV, giúp SV hăng say trong học tập và nghiên cứu.

Cũng đề xuất những giải pháp về đánh giá cán bộ quản lý, đổi mới PP giảng dạy, NCKH, sinh hoạt học thuật, giao lưu đối thoại với SV, Giảng viên Hoàng Anh Tiến của Trường ĐH Y Dược còn nêu thêm một số chiến lược khác như trao giải thưởng cho những ý tưởng đổi mới QLGD-ĐT mang tính đột phá và ý nghĩa thực tiễn cao; Tham khảo và bàn luận dể chọn mô hình đào tạo tốt nhất từ các mô hình đào tạo của các nước trên thế giới…Những ý kiến đánh giá và đề xuất của Thân Thị Hoa, GĐ Ngân hàng Ngoại thương Thế giới và bà Trần Thị Diệu Minh, Phó GĐ Bưu điện Thừa Thiên Huế, với tư cách là những nhà doanh nghiệp gắn kết với nhà trường đã mở ra chiều hướng đầy triển vọng trong “ Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội”.

Một sứ mệnh gian nan song rất  đỗi tự hào

Phó Thủ tướng Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo
Phó Thủ tướng Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo

Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ sự quan tâm tới tất cả những ý kiến của các nhà quản lý, GV, SV phát biểu tại Hội nghị và trao đổi lại bằng tâm tư của một người chèo lái con thuyền giáo dục và đào tạo đến một tầm cao mới.

Phó Thủ tướng khẳng định thành tựu đổi mới GD Đại học 20 năm qua là rất đáng tự hào: ngành GD-ĐT đã cung cấp cho đất nước hàng triệu lao động có trình độ ĐH, CĐ…không thể tiếp tục thực trạng còn nhiều  bất cập trong GD ĐH như thời gian qua, khi quy mô giáo dục đã phát triển lớn và số lượng SV tăng gấp nhiều lần.

Vừa giải đáp thắc mắc của giảng viên, SV, vừa định hướng, chỉ đạo, Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng đã nêu ra 15 giải pháp thiết thực với người dạy và người học, trong đó, chú trọng đến tính cam kết trách nhiệm giữa doanh nghiệp và nhà trường, chọn doanh nghiệp làm đối tác chiến lược; trách nhiệm với quy chế “ Ba công khai”, soạn thảo tài liệu về đổi mới PP giảng dạy, phương pháp học, nghiên cứu khoa học; Trang bị kỹ năng mềm cho SV; Xử lý tình huống khẩn cấp; Sinh viên đánh giá GV, giảng viên đánh giá trưởng khoa thường kỳ; Trong 3 năm đến chấm dứt tình trạng thừa thiếu giáo viên cần; Có quy chế trả lương, thưởng cho GV là TS trở lên theo hiệu quả công việc, trên cơ sở đánh giá đúng; chuẩn hóa ngoại ngữ cho GV; Đổi mới cách ra đề, đánh giá, xem như nội dung của Công nghệ đào tạọ; Cấp chứng chỉ cho GV có đổi mới PP giảng dạy; Sinh viên phải có việc làm từ năm thứ 3… Cuối cùng Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng bày tỏ niềm hi vọng Đại học Huế sẽ là đơn vị đi đầu trong “chuẩn hóa đổi mới phương pháp giảng dạy!”.

Nguyễn Thị  Thúy Hồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ