Cần quan tâm nhiều hơn đến tính chất vùng miền

GD&TĐ - Phóng viên báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Đức Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai -  về nội dung và kết cấu của chương trình Mỹ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cần quan tâm nhiều hơn đến tính chất vùng miền

- Thầy đánh giá như thế nào về môn Mỹ thuật trong chương trình phổ thông mới?

- Dự thảo chương trình môn học Mỹ thuật mới này đã được nhiều người, nhiều chuyên gia (giáo dục, nghệ thuật, quản lý giáo dục…) đánh giá tích cực. Tôi cũng đánh giá cao về môn học Mỹ thuật trong chương trình dự thảo mới, bởi lẽ nó được ban biên soạn và xây dựng trên cơ sở của căn cứ chính trị: Nghị quyết số: 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) “về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; Nghị quyết số: 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Căn cứ pháp lý: Các văn bản của Bộ GD&ĐT về chủ trương xây dựng chương trình môn học Mỹ thuật trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Căn cứ lý luận: Sách/ giáo trình Mỹ học Mác – Lênin.

Căn cứ tình hình thực tiễn giáo dục VN hiện nay: tính không đồng đều giữa các vùng miền; tính đa dạng văn hóa…

Ngoài ra, chương trình cũng tham khảo một số chương trình mỹ thuật tiên tiến của các nước tiên tiến như Úc, Singapore…; Đội ngũ xây dựng và tư vấn cũng là những chuyên gia trong các lĩnh vực: giáo dục đào tạo, nghệ thuật, quản lý giáo dục, họa sĩ… có kinh nghiệm và uy tín; Bộ GD và ĐT cũng rất quan tâm theo dõi và chỉ đạo qua từng bước triển khai thực hiện.

- Chương trình môn Mỹ thuật mới có vừa sức với HS không? Có gì cần phải điều chỉnh không (Những nội dung nào cần phải chỉnh sửa cho phù hợp thưa thầy?

TS. Nguyễn Đức Sơn – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai.

- Nhìn chung, chương trình môn Mỹ thuật mới là phù hợp và vừa sức với HS phổ thông. Chương trình xây dựng trên kết cấu logic từ các yếu tố cơ bản (các yếu tố thị giác) đến tổng hợp nâng cao (nguyên lý thị giác), từ nguyên lý, lý luận đến thực tiễn, từ loại hình nghệ thuật cơ bản đến các loại hình nghệ thuật tổng hợp… Trong đó, có kết hợp tỷ lệ giữa lý thuyết với thực hành tương đối hợp lý cho từng cấp học (theo quy định chung của Bộ GD và ĐT).

Tuy nhiên, cần phải quan tâm nhiều hơn đến tính chất vùng miền (sự chênh lệch giữa các vùng, miền, tỉnh thành… về điều kiện học và triển khai chương trình Mỹ thuật…); cần tập trung vào yếu tố thị giác, mỹ thuật trong các chuyên đề về nghệ thuật tổng hợp (kiến trúc, mỹ thuật đa phương tiện…), hay nói một cách chính xác là khi giới thiệu cho người học về các loại hình nghệ thuật tổng hợp thì cần tiếp cận dưới góc độ của mỹ thuật (mỹ thuật học).

- Kết cấu chương trình ở từng cấp học, mạch kiến thức xuyên suốt ba cấp học của môn Mỹ thuật như thế có hợp lý hay chưa (nặng, hay nhẹ hay vừa sức) với HS? Tại sao thưa thầy?

- Tôi đồng quan điểm với cách kết cấu chương trình môn Mỹ thuật (lấy trục phát triển chính là những đơn vị kiến thức cốt lõi...). Cấu trúc chương trình khá phù hợp với sự phát triển năng lực của HS: kết hợp giữa kiến thức nền tảng về nghệ thuật thị giác với thực hành, trải nghiệm; phát triển từ hoạt động sáng tác theo bản năng (tạo hình) đến thiết kế theo nhu cầu người dùng (MTUD); từ nhận thức thế giới đến lý luận và phê bình nghệ thuật…; môn học bắt buộc và tự chọn (định hướng nghề nghiệp) một cách linh hoạt.

Ở cấp Tiểu học: Tập trung vào giới thiệu những yếu tố/ tín hiệu thị giác cơ bản của nghệ thuật thị giác (cũng giống như học bảng chữ cái và các hình thức kết hợp đơn giản các “chữ cái” này để thành “từ”, thành “câu”, thành “đoạn” của “văn bản thẩm mỹ” trong nghệ thuật thị giác). Các kiến thức này tập trung vào phát triển khả năng cảm nhận thị giác của người học, đồng thời kết hợp với thực hành thủ công đơn giản để phát triển kỹ năng (khéo tay) của HS.

Ở cấp THCS: Người học tiếp tục được bổ sung nâng cao và thực hành mỹ thuật. Cũng trên cơ sở của các yếu tố thị giác và những nguyên lý thị giác, HS được thực hành, vẽ, sáng tạo… phối hợp chất liệu (chất liệu tổng hợp), bồi dưỡng thị hiếu thẩm mỹ, nâng cao tư duy 3 chiều…

Ở cấp THPT: Các chuyên đề tự chọn (được cấu trúc khá toàn diện và linh hoạt) có thể áp dụng cho nhiều loại hình giáo dục phổ thông và định hướng nghề nghiệp cho HS.

Xét về mặt nội dung kiến thức, kỹ năng của môn học và thời lượng dành cho môn Mỹ thuật trong chương trình phổ thông là khá ổn và khá toàn diện. Tuy nhiên, để đánh giá được có phù hợp với năng lực của đối tượng học hay không (nặng hay nhẹ) còn phụ thuộc vào phần hướng dẫn thực hiện chương trình Mỹ thuật.

Thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT cần chuẩn bị kỹ lưỡng về yếu tố con người để thực hiện việc giảng dạy và truyền đạt những nội dung, kiến thức, kỹ năng mang tính chất đặc thù của môn Mỹ thuật. Bên cạnh đó, hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình (mặc dù mang tính gợi mở và linh hoạt) cũng cần phải đặc biệt chú ý.

- Việc đổi mới phương pháp dạy học Mỹ thuật theo hướng tiếp cận năng lực là trọng tâm của chương trình, vậy theo thầy như thế đã phù hợp chưa? Có cần bổ sung gì không?

- Lấy người học làm trung tâm và nâng cao năng lực của người học chính là xu thế chung của phương pháp giảng dạy hiện đại. Do đó, định hướng dạy học phát triển năng lực thẩm mỹ (năng lực quan sát, nhận thức thẩm mỹ; năng lực sáng tạo, ứng dụng thẩm mỹ; năng lực phân tích, đánh giá thẩm mỹ) là phù hợp và cần cấu trúc chương trình (nội dung, kiến thức, kỹ năng, thái độ…) để phù hợp với từng cấp học.

- Thầy có đề xuất gì cho nội dung chương trình môn Mỹ thuật không?

- Căn cứ tình hình thực tiễn giáo dục VN hiện nay: tính không đồng đều giữa các vùng miền; tính đa dạng văn hóa…, Chương trình môn Mỹ thuật cần nêu được mục tiêu cụ thể của môn Mỹ thuật: phẩm chất hình thành dựa trên nhận thức về thẩm mỹ (cái đẹp) ở từng cấp học; năng lực tự chủ và trách nhiệm; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; năng lực thẩm mỹ…; Cần đưa ra sơ đồ năng lực thẩm mỹ gồm những năng lực thành phần nào? Giúp cho các nhà viết SGK thấy rõ và thống nhất trong toàn bộ chương trình, và gợi ý những giải pháp để tùy từng vùng miền có thể triển khai được chương trình theo mỗi cách đặc trưng của vùng miền đó mà vẫn đảm bảo được mục tiêu của chương trình.

- Giai đoạn giáo dục môn Mỹ thuật quan trọng nhất là giai đoạn từ lớp 1 đến lớp 5: học và thực hành Mỹ thuật tạo hình và Mỹ thuật ứng dụng (Thủ công). Mỹ thuật tạo hình thường dùng cho hoạt động sáng tạo chuyên nghiệp của các nghệ sĩ tạo hình bậc thầy với những kỹ thuật tạo hình nâng cao.

Do đó ở cấp độ tiểu học, chỉ nên giới thiệu cơ bản (ABC) cho trẻ (học sinh) về Nghệ thuật thị giác (Visual art). Trong đó, “bảng chữ cái” của nghệ thuật thị giác chính là các yếu tố thị giác (visual elements) như điểm chấm, đường nét, không gian (2D, 3D), hình, khối, ánh sáng, màu sắc… Để thực hành những bài tập cơ bản của nghệ thuật thị giác, đồng thời dạy trẻ cách phối hợp (bố cục) các yếu tố thị giác (tín hiệu thị giác) trên các chất liệu đơn giản (vật dụng trong cuộc sống hàng ngày) nhằm phát triển năng lực thẩm mỹ và sự khéo léo (nghệ thuật thủ công - craft art) giống như ở các nước phương Tây đang áp dụng.

Cần có sự kết nối nội dung chương trình từ cấp 1 đến cấp 2 và cuối cùng là cấp 3 để đảm bảo chương trình mang tính liên tục, xuyên suốt, thống nhất theo hướng từ cơ bản đến nâng cao (theo lĩnh vực: MTUD, MTTH)... hoặc theo phương thức thể hiện (từ thủ công/ bằng tay đến công nghiệp rồi đến công nghệ kỹ thuật số/ computer)…

Cuối cùng, vấn đề về con người để thực hiện chương trình cũng là một vấn đề lớn cần phải được quan tâm. Chương trình cũng nên đề xuất những phẩm chất, năng lực chuyên môn của người thầy khi tham gia giảng dạy môn Mỹ thuật nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

- Trân trọng cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện này!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ