Cần phát huy trách nhiệm cộng đồng và sức mạnh tổng hợp của nhân dân

Cần phát huy trách nhiệm cộng đồng và sức mạnh tổng hợp của nhân dân

(GD&TĐ)-Năm 2012, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế nhưng phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã có bước phát triển mạnh, tạo ra khí thế cách mạng sôi nổi ở các địa phương.

Ngay từ đầu năm, tại lễ phát động "toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", các đơn vị đã đăng ký ủng hộ trên 55 tỷ đồng, 6.400 ngày công, 500 km vận chuyển để ủng hộ chương trình xây dựng nông thôn mới. Kết quả bước đầu cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ của chương trình đã cổ vũ, tạo ra động lực để các địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, toàn huyện đã hoàn thành việc rà soát thực trạng nông thôn theo 19 tiêu chí quốc quốc gia để xây dựng đề án, đồ án qui hoạch nông thôn mới. Trong đó, đồ án qui hoạch nông thôn mới đã xác định rõ các nội dung: qui hoạch hạ tầng, qui hoạch đất đai và qui hoạch vùng sản xuất. Đến tháng 9/2012, tất cả các xã trên địa bàn huyện đã được phê duyệt đề án và đồ án qui hoạch  nông thôn mới.

Buổi ra quân làm đường giao thông thủy lợi nội đồng của xã Đức Hòa phục vụ cho công tác dồn điền đổi thửa đã huy động được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia
Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Sóc Sơn đã huy động được sức mạnh tổng hợp từ quần chúng nhân dân và tạo khí thế thi đua sôi nổi ở các địa phương (Ảnh: gdtd.vn)

Đối với mô hình điểm về xây dựng nông thôn mới xã Mai Đình, trước khi triển khai xã mới có 1/19 tiêu chí đạt chuẩn quốc gia, đến nay xã đã có 18/19 tiêu chí đạt và cơ bản đạt, đó là các tiêu chí: qui hoạch, giao thông, điện, thủy lợi, hình thức tổ chức sản xuất, cơ sở vật chất văn hóa, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, giáo dục, y tế, môi trường, cơ cấu lao động, chợ nông thôn, văn hóa, hệ thống chính trị xã hội, an ninh trật tự. Mai Đình còn 01 tiêu chí chưa đạt là trường học do trường trung học cơ sở của xã đã xuống cấp chưa bố trí được kinh phí đầu tư nâng cấp năm 2012.

Các địa phương trong huyện đã có nhiều cách làm sáng tạo, tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân do đó đã đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn và thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, đã có nhiều hộ dân tự nguyện tháo dỡ tường rào, công trình phụ trợ để ủng hộ địa phương mở rộng đường làng, đường trục ngõ xóm. Trong đó, nhân dân xã Mai Đình đóng góp 7.000m2 đất, nhân dân thôn Tân Trung Chùa (xã Trung Giã) đóng góp 500m2 đất, nhân dân thôn Trung Kiên (xã Trung Giã) đóng góp 500m2 đất cho địa phương mở rộng đường giao thông.  

Công tác dồn điền, đổi thửa đạt được nhiều kết quả. Năm 2012 đã có 56 thôn thuộc 21 xã triển khai làm giao thông, thủy lợi nội đồng với diện tích trên 5.100 ha và đã được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt qui hoạch giao thông, thủy lợi nội đồng. Dự kiến diện tích đất dư thừa so với sổ sách khoảng 350 ha đang được các xã thống kê, đưa vào quản lý phục vụ cho việc qui hoạch công trình công cộng. Đến nay đã có 14 xã cơ bản hoàn thành dồn điền, đổi thửa là: Tân Hưng, Bắc Phú, Bắc Sơn, Hiền Ninh, Tiên Dược, Xuân Giang, Trung Giã, Tân Dân, Đức Hòa, Nam Sơn, Việt Long, Kim Lũ, Minh Trí, Quang Tiến.

Chương trình xây dựng nông thôn mới triển khai trên địa bàn huyện có tác động tích cực đến phát triển nông nghiệp. Cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng vật nuôi có chuyển biến rõ nét, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được đẩy mạnh.

So sánh với thời điểm trước khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (năm 2009): diện tích trồng lúa giảm từ 18.000 ha xuống còn 16.500 ha; diện tích lúa xuân muộn tăng từ 85% lên 100%; diện tích lúa mùa sớm tăng từ 80% lên 94%; diện tích lúa gieo sạ tăng từ 180 ha lên 690 ha; diện tích lúa chất lượng tăng từ 1.300 ha lên 3.000 ha; xây dựng mới mô hình sản xuất lúa tập trung theo hướng hàng hóa (1.360 ha); diện tích rau an toàn từ 50 ha tăng lên 250 ha (trong đó có 20 ha rau hữu cơ); diện tích chè an toàn từ 50 ha tăng lên 250 ha; năng suất lúa một vụ từ 4,3 tấn/ha tăng lên 5,1 tấn/ha…năm 2012. Số phương tiện máy móc phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp tăng từ 900 máy lên 3.000 máy các loại. Hiện nay, 90% diện tích đất nông nghiệp đã sử dụng cày máy; 40% diện tích lúa sử dụng máy gặt đập liên hợp.

Quan tâm đến phát triển nông nghiệp, Huyện đã triển khai xây dựng một số vùng sản xuất qui mô lớn: vùng tròng lúa giống, vùng tròng lúa chất lượng cao; vùng trồng rau an toàn, vùng phát triển cây ăn quả; vùng nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, đã ban hành cơ chế chính sách cụ thể khuyến khích dồn điền, đổi thửa, hỗ trợ giống, hỗ trợ hạ tầng cho vùng trồng rau… đồng thời hỗ trợ việc tiếp cận thị trường của nông dân. Hiện Sóc Sơn đã xây dựng thương hiệu cho sản phẩm rau hữu cơ Sóc Sơn, chè an toàn Bắc Sơn và bưởi Sóc Sơn gốc Diễn.

Những thành công trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển kinh tế của huyện trước những diễn biến phức tạp khó lường của tình hình kinh tế chung, đồng thời góp phần tăng cường lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh đó việc thực hiện chương trình nông thôn mới ở các địa phương trong huyện cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về chương trình chưa đầy đủ, chưa thấy rõ trách nhiệm của mình nên còn thụ động, ỷ lại trông trờ sự hỗ trợ của Nhà nước. Một số cán bộ hạn chế về năng lực, do đó đứng trước yêu cầu cao của công việc còn lúng túng, bị động. Vai trò của một số thành viên ban chỉ đạo từ huyện đến xã chưa được phát huy. Công tác  phối hợp có mặt còn hạn chế, cơ chế về khai thác nguồn lực còn gặp nhiều khó khăn…là những nội dung cần rút kinh nghiệm trong thời gian tới.

Qua thực hiện chương trình nông thôn mới đã giúp cho huyện Sóc Sơn, Hà Nội nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào. Trong thời gian tới, cùng với những giải pháp đồng bộ đã được triển khai, việc kết hợp giữa phát huy vai trò tiền phong gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên với phát huy trách nhiệm cộng đồng của nhân dân các địa phương để xác định bước đi phù hợp là yếu tố có tính chất quyết định đối với chương trình. Với kết quả và bước đi hiện nay, chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đã và đang khẳng định tính hiệu quả trong thực tế.

Minh Hằng - Quốc Ân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ