Cần phân biệt rõ đào tạo đại học hệ chính quy với hệ tại chức

GD&TĐ - Vừa qua, Dự thảo Luật Giáo dục Đại học đang được lấy ý kiến rộng rãi của dư luận. Một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm đó là các trường đại học sẽ chỉ cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo hệ chính quy sẽ giống như hệ tại chức. Dự thảo Luật Giáo dục đại học mới đã đưa ra 2 hình thức là tập trung và không tập trung nhằm đề cập đến hình thức đào tạo như thế nào, đối tượng nào thì đào tạo theo hình thức tập trung; đối tượng nào thì đạo tạo theo hình thức không tập trung.

Ảnh minh họa, theo Báo điện tử Chính phủ
Ảnh minh họa, theo Báo điện tử Chính phủ

Bên cạnh đó, đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm hay đào tạo tại chức là đào tạo theo hình thức không tập trung. Tuy nhiên, tập trung hay không tập trung đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn. Do đó, hình thức đào tạo sẽ không được ghi trên văn bằng đại học.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định như vậy là không công bằng về giá trị của các hệ đào tạo. Bởi, ai cũng biết việc đào tạo hệ chính quy tại các trường đại học hiện nay theo một chương trình tập trung, chuyên nghiệp và chất lượng hơn. Việc tuyển sinh tại các trường đại học hệ chính quy thường chặt chẽ, kiểm soát tốt chất lượng đầu vào, khi ra trường các em có đầy đủ trình độ, kiến thức và kỹ năng để có thể làm việc.

Quá trình tham gia đào tạo đại học hệ chính quy, các sinh viên luôn tuân thủ quy chế giáo dục của các trường đại học, nếu không đáp ứng được chương trình đào tạo thì có thể bị đình chỉ học hoặc không thể ra trường. Chính vì thế, giá trị của tấm bằng đại học hệ chính quy luôn được xã hội coi trọng, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng luôn ưu tiên đối với các sinh viên có bằng đại học hệ chính quy.

Đối với cơ quan nhà nước hiện nay, một số địa phương đã có quy định trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại…cán bộ, công chức đều ưu tiên đối với người có bằng đại học chính quy, hạn chế đối với những người có bằng đại học hệ tại chức hoặc từ xa.

Bên cạnh đó, việc đào tạo đại học hệ tại chức hay từ xa hiện nay là hệ đào tạo vừa học vừa làm, nhiều trường đại học tuyển sinh cho các hệ này thường chú trọng số lượng, ít quan tâm đến chất lượng đầu vào, có trường hợp chỉ cần thí sinh ghi danh là có thể theo học; chương trình học tập thì ngắn, quy chế quản lý sinh viên thì lỏng lẻo; tình trạng học hộ, thi hộ diễn ra tràn lan, khó kiểm soát…

Do đó, hầu hết việc đào tạo đại học hệ từ xa hay tại chức chủ yếu là để hợp thức hóa hồ sơ tuyển dụng, trong đó có một bộ phận cán bộ, công chức nhà nước đang chạy theo hệ đào tạo này để đủ điều kiện trong việc đề bạt, luân chuyển, bố trí và sắp xếp cán bộ…trong hệ thống các cơ quan nhà nước.

Do đó, Dự thảo Luật Giáo dục Đại học sắp tới, chỉ cấp một loại văn bằng cho các hình thức đào tạo hệ chính quy sẽ giống như hệ tại chức là không công bằng với các sinh viên đang học tập hệ chính quy, không phân biệt rõ chất lượng đạo tạo… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu tìm việc làm của các sinh viên sau khi tốt nghiệp, đồng thời, ảnh hưởng không nhỏ đến các trường đại học đang tổ chức đào tạo sinh viên hệ chính quy trong việc đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc đào tạo.

Chính vì vậy, Dự thảo Luật Giáo dục Đại học sắp tới đề nghị nên tiếp tục kế thừa các quy định về đào tạo đại học hệ chính quy và hệ tại chức để phân biệt rõ về chất lượng của các hệ đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ