Cần nhưng phải đúng

GD&TĐ - “Cố vấn” là thuật ngữ không xa lạ bởi hầu như lĩnh vực nào cũng cần người làm ở vị trí này.

Cũng bởi vậy, chức danh này dễ bị “lạm dụng” và “gắn mác” với mục đích không trong sáng.

Gần đây, dư luận xôn xao khi có bài báo giới thiệu về một nhân vật được cho là “cố vấn Bộ GD&ĐT”. Tìm hiểu mới biết, nhân vật này không phải là cố vấn của Bộ GD&ĐT. Ngay cả người trong cuộc cũng lạ vì bỗng dưng được “gắn mác” chức danh “cố vấn” cho Bộ GD&ĐT. Vị này cho rằng, có thể phía đơn vị tổ chức sự kiện/ cơ quan báo chí nhầm lẫn hoặc dịch chưa chuẩn cụm từ tiếng Anh “Educational counselor - Tham tán giáo dục”.

Qua tìm hiểu được biết, thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT không có bất cứ quyết định chính thức nào về việc thành lập Ban Cố vấn hoặc bổ nhiệm nhân sự vào vị trí cố vấn. Không bàn đến nội hàm của từ khóa, nhưng nếu đúng như những gì “người trong cuộc” chia sẻ thì rõ ràng có sự tắc trách, cẩu thả trong sử dụng thuật ngữ liên quan đến chức danh cố vấn.

Vì thế, với đơn vị, tổ chức dù vô tình hay hữu ý “gắn mác” chức danh này vào người khác cần nghiêm túc rút kinh nghiệm; thậm chí phải có chế tài xử lý nếu phát hiện vì mục đích xấu, làm ảnh hưởng uy tín người được “gắn mác” hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác.

Còn nhớ, đầu tháng 4/2022, Tòa án Nhân dân TPHCM mở phiên xử sơ thẩm, tuyên phạt N.H (sinh năm 1978, làm nghề tự do) mức án 16 năm 6 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo trạng, N.H mạo nhận Giám đốc một công ty, phụ trách tài chính kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị và anh ta còn tự xưng là thuộc Ban Cố vấn các dự án an sinh xã hội của Chính phủ.

N.H “giăng bẫy” được nhiều người và nhận kết án hơn 16 năm tù. Tất nhiên, vụ việc không liên quan trực tiếp đến câu chuyện đang bàn nhưng ở đây từ khóa “cố vấn” và “giám đốc” được lạm dụng để thực hiện hành vi trái quy định. Vì thế, dẫn giải câu chuyện này như lời nhắc nhở để nếu ai có ý định mạo danh hoặc mượn danh cố vấn thì sớm từ bỏ suy nghĩ.

Thực tế cho thấy, lĩnh vực nào cũng cần người cố vấn, thậm chí ban hoặc hội đồng cố vấn nhằm hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển. Điều này hợp lý với lĩnh vực giáo dục. Nghĩa là chúng ta cần, nhưng phải đúng. Không đâu xa, nhiều cơ sở giáo dục đại học thành lập Hội đồng Cố vấn, nhất là trường ngoài công lập, quốc tế. Hội đồng này có vai trò xây dựng chiến lược trong việc liên kết các khối, ngành của trường với mạng lưới doanh nghiệp và cơ quan hữu quan.

Hội đồng cố vấn đồng thời thiết lập các ưu tiên phù hợp với chính sách và thực tiễn, cung cấp liên kết hợp tác trong nghiên cứu về mối quan tâm của các bên liên quan và thiết lập quan hệ đối tác trong tài trợ nghiên cứu/đào tạo… Ngay như sinh viên cũng cần sự trợ giúp đắc lực của cố vấn học tập. Thậm chí, mỗi cá nhân có thể tìm cho mình cố vấn khi gặp khó khăn về hướng đi để có lựa chọn đúng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ