Cân nhắc bổ sung một số nhiệm vụ của Thủ tướng

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 31, sáng 30/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).

Cân nhắc bổ sung một số nhiệm vụ của Thủ tướng

Theo Tờ trình của Chính phủ, thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001, Chính phủ đã tập trung quản lý, điều hành vĩ mô trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội; từng bước xóa bỏ cơ chế chủ quản của các bộ đối với doanh nghiệp; tách chức năng quản lý nhà nước với chức năng cung cấp dịch vụ công của các bộ, cơ quan ngang bộ; triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp phù hợp với sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Đặc biệt, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng trong hoạt động điều hành, quản lý nhà nước được đề cao. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 đã có một số hạn chế bất cập như địa vị pháp lý của Chính phủ trong thực hiện quyền lực nhà nước chưa được xác định một cách đầy đủ, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ còn bị hạn chế. Mối quan hệ giữa Chính phủ với chính quyền địa phương chưa được xác định cụ thể, chưa có sự gắn bó chặt chẽ…

Theo Tờ trình của Chính phủ, trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), một số nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ được bổ sung để phù hợp với yêu cầu về quản lý, lãnh đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo đó, Thủ tướng quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ. 

Trường hợp khuyết bộ trưởng hoặc thủ trưởng cơ quan ngang bộ, giao quyền bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong khi chờ Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm; tạm thời giao quyền chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong trường hợp chưa bầu được chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 

Yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đình chỉ, cách chức chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp dưới khi không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm pháp luật; quyết định và chỉ đạo thực hiện các biện pháp cụ thể cần thiết để thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân…

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều nhất trí cho rằng, sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa quy định và tinh thần của Hiến pháp mới, bảo đảm tính đồng bộ của việc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế trong bộ máy nhà nước nói chung và Chính phủ nói riêng; đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ hiện nay.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Chính phủ, với tư cách cơ quan thực hiện quyền hành pháp cần phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển, hoạch định chính sách nhằm xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để phát huy năng lực và sức sáng tạo của nhân dân; xây dựng bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. 

Do đó, cần bổ sung quan điểm xây dựng một Chính phủ năng động, chủ động, kiến tạo phát triển, gọn về tổ chức, hiệu quả về hoạt động, đủ tầm giải quyết các nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập và hợp tác quốc tế.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị cân nhắc việc tăng thêm thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phải phù hợp quy định của Hiến pháp. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cũng đề nghị cần cân nhắc về thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ đối với lực lượng vũ trang cho phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013.

Qua thảo luận, một số đại biểu cho rằng, quy định quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực trong dự thảo luật vẫn còn phân tán, chồng chéo. Do đó, các đại biểu đề nghị, dự thảo cần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, đặc biệt cần tạo sự gắn kết giữa lập pháp và hành pháp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị làm rõ vai trò của Chính phủ trong việc bảo hiến và trách nhiệm thực hiện Hiến pháp cũng như quan hệ hai chiều với Chủ tịch nước.

Chiều 30-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương để tổ chức hợp lý chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp năm 2013; bảo đảm chính quyền địa phương các cấp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng và giám sát hoạt động của chính quyền địa phương.
Theo qdnd

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ