(GD&TĐ) - Vừa qua, tại TP.HCM, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến cho kết quả báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục ĐH. Nhiều ý kiến của các đại biểu đã được đưa ra cho thấy, chất lượng giáo dục ĐH cần có nhiều thay đổi trong tương lai.
Đồng chí Nguyễn Thành Tài, phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM đóng góp ý kiến tại Hội nghị |
GDĐH còn những bất cập
Theo báo cáo của kết quả giám sát, việc thành lập, nâng cấp các trường ĐH, CĐ trong mười năm qua nói chung là phù hợp với định hướng quy hoạch, góp phần phát triển nhanh quy mô GDĐH.
Trong 10 năm qua, hệ thống GDĐH đã phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình đào tạo và góp phần cung cấp nguồn lao động có trình độ CĐ, ĐH, sau ĐH cho đất nước.Từ năm 1998 đến 2009 có 307 trường ĐH, CĐ được thành lập mới hoặc nâng cấp.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến năm 2009, cả nước có 376 trường ĐH, CĐ, trong đó có 81 trường ngoài công lập, với tổng quy mô đào tạo ĐH, CĐ lên tới gần 1,8 triệu SV, tăng 13 lần so với năm 1987, đạt tỉ lệ gần 200 SV/ 1 vạn dân.
Trong đó, đáng chú ý nhất là quá trình nâng cấp thành lập trường đã chú ý đến cơ cấu vùng miền rất cao, đáp ứng phần nào nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho các địa phương vùng sâu vùng xa. Phương thức thành lập trường đa dạng, cho phép đáp ứng nhanh những điều kiện cần thiết cho hoạt động đào tạo trước mắt của các cơ sở GDĐH.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng bên cạnh mặt tích cực mà công tác phát triển hệ thống trường lớp trên mang lại thì vẫn còn tồn tại khá nhiều bất cập khi việc triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới vẫn chưa đúng yêu cầu, công tác thành lập trường vẫn chưa thật sự chú trọng vào chất lượng vẫn còn tồn tại, hiệu quả đào tạo một số vùng miền chưa cao.
Trong đó, nổi bật nhất chính là công tác thanh kiểm tra, cùng những quy định về hậu kiểm đối với các cơ sở GDĐH mới được thành lập chưa được chú trọng.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân cho rằng: Xã hội không thể phủ nhận những tích cực từ công tác đầu tư, thành lập trường trong suốt 10 năm qua mang lại. Tuy nhiên, với những hạn chế và đặc thù đổi mới trong nhà trường còn nặng tính bao cấp, các chính sách tái đầu tư cho đội ngũ, cơ sở vật chất, công tác nghiên cứu khoa học còn mang nặng tính phân phát đã khiến cho chất lượng GDĐH chưa thật sự ổn định. Ông cho rằng cần phải tích cực đổi mới và đổi mới toàn diện, đổi mới một cách mạnh mẽ trên mọi mặt thì nền giáo dục, đặc biệt là GDĐH mới phát triển theo hướng vì sinh viên, vì xã hội.
Thực tế, qua báo cáo công tác giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội, cũng cho thấy sự còn có sự lỏng lẻo trong việc cấp phép hoạt động giáo dục, mở ngành đào tạo, tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo của một số trường…
Chính vì thế từ năm 1998 đến nay, đã có 347 lượt trường được phép mở ngành trong tổng số 355 lượt trường đăng ký ( chiếm 97,5%) mà không có sự kiểm tra thực tế các điều kiện mở ngành có đáp ứng và sát với yêu cầu thực tế hay không? Bởi vậy, hiện nay hầu hết các cơ sở GDĐH, đặc biệt là các cơ sở ngoài công lập sau khi có quyết định thành lập trường, tuy cơ sở vật chất còn yếu kém, đội ngũ chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tế đào tạo nhưng các trường đã được phép tuyển sinh và đào tạo, một số cơ sở còn có quy mô vượt quá năng lực của nhà trường, gây ra phản ứng và dư luận không tốt trong xã hội.
Nhận xét về những tồn tại trên, ông Nguyễn Hữu Chí, Vụ trưởng Vụ Giáo dục-Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: GDVN suốt những năm qua vẫn chỉ loay hoay ở công tác truyền thụ kiến thức mà quên đi rằng, bản chất của giáo dục là quá trình tự biến đổi ở bên trong chứ không phải đến từ bên ngoài. Vì vậy kiểu dạy và truyền đạt kiến thức kiểu một chiều, không coi trọng sự sáng tạo, tính khoa học trong hoạt động học tập là điều hết sức nguy hiểm.
Đồng tình với những ý kiến của đại biểu Chí, GS.TS Trần Hồng Quân- nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: Đã đến lúc chúng ta cần phải mạnh dạn nhìn thẳng vào những khuyết tật mà nền GDĐH đang mang trên mình để sửa chữa, để mà hướng đến sự phát triển.
Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cùng đoàn đại biểu Quốc hội tại hội nghị lấy ý kiến cho bản báo cáo giám sát chất lượng GDĐH |
Cần một cơ chế hữu hiệu để phát triển giáo dục
Đây không chỉ là một đòi hỏi mà còn là nhiệm vụ cấp bách được các đại biểu đặt ra tại Hội nghị. Nhiều ý kiến, nhiều luồng suy nghĩ khác nhau về định hướng phát triển và nâng chất lượng giáo dục ĐH. Nhưng tựu chung lại vẫn tập trung ở 3 vấn đề lớn: Chất lượng đội ngũ? Cơ chế quản lý như thế nào? Và tầm nhìn phát triển.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Tài, phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM thì cần phải tập trung làm rõ nguyên nhân dẫn đến thực trạng mà chúng ta không hài lòng về chất lượng GDĐH trong thời gian qua, để từ đó quyết tâm khắc phục, điều chỉnh một cách triệt để, quyết liệt và tuyệt đối tránh tư tưởng làm giáo dục kiểu mì ăn liền. Trong đó, việc quan trọng nhất theo ông Tài là phải trao quyền tự chủ cho các trường, để các trường có thể tự phát triển. Chất lượng đội ngũ phải đặc biệt được quan tâm, quan tâm bằng mọi chính sách.
Đồng tình với quan điểm đó, PGS.TS Phan Thanh Bình - Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho rằng: Bên cạnh việc giao quyền tự chủ cho các trường thì ngành giáo dục cũng cần phải xây dựng và có chiến lược phát triển giáo dục một cách dài hơi. Phân tầng quản lý và phân cấp hoạt động. Chấp nhận chịu chậm một bước, nhưng để bước 2 bước chắc chắn về chất lượng đào tạo. Đặc biệt là phải không ngừng đầu tư cho giáo dục, nhưng là đầu tư có trọng điểm, đầu tư tập trung theo quy tắc vùng miền.
Báo cáo của Bộ GD-ĐT cũng cho thấy, tỉ trọng chi cho giáo dục trong GDP tăng đều qua mỗi năm, từ 4,1% (bằng 15,5% tổng chi ngân sách nhà nước) trong năm 2001 lên 5,6% trong năm 2009 ( bằng 18,4% tổng chi ngân sách nhà nước).
Trong đó, năm 2001, ngân sách nhà nước chi cho GDĐH là 1.798 tỉ đồng, chiếm 9,11% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo (khoảng 0,37% GDP); năm 2009 chi 10.273 tỉ đồng, chiếm 11,7% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo ( khoảng 0,66% GDP). Tính bình quân mức chi từ ngân sách nhà nước cho một sinh viên công lập năm 2001 là 3,74 triệu đồng và năm 2009 là 7,14 triệu đồng, tăng 1,9 lần so với năm 2001.
Đưa ra những số liệu trên để thấy rằng, GDĐH trong suốt 10 năm qua luôn được ngành giáo dục xem là hạt nhân để tạo ra nguồn nhân lực cho xã hội. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Tươi, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa TP.HCM thì dù nhà nước đầu tư rất nhiều, nhưng vì thiếu một cơ chế hợp lý trong quản lý, một chiến lược phát triển giáo dục bài bản đã dẫn đến hiệu quả từ việc đầu tư ấy mang lại chưa cao. Theo bà Tươi, nguyên nhân của hạn chế trên chính là việc các trường ĐH chưa thật sự được “cởi trói” về cơ chế quản lý.
GS. Lương Ngọc Toản thì lại nhấn mạnh: Làm sao có được chất lượng khi mà khoản ngân sách chi thường xuyên hàng năm của các trường qúa ít ỏi so với nhu cầu thực tế, làm sao có chất lượng khi mà phần lớn những trường ĐH dân lập thành lập 10 năm trở lại đây đều đi theo hướng đào tạo nghề hơn là tập trung làm công tác khoa học. Chính do việc đầu tư qúa dàn trải, mải mê chạy theo số lượng (nâng cấp và mở hàng loạt trường CĐ, ĐH trong thời gian ngắn) đã để lại một lỗ hổng rất lớn trong quản lý. Và việc chúng ta phải trả giá cho sự dễ dãi ấy trong một khoảng thời gian-chất lượng đào tạo yếu kém (thời gian các trường lo củng cố cơ sở vật chất, kiện toàn đội ngũ GV) cũng là điều dễ hiểu.
Do đó, GS Toản đề nghị, Bộ GD-ĐT cần sớm tạo ra tính tự chủ cho các trường giống như mô hình trường ĐH Việt- Đức đang xây dựng. Như thế, chất lượng GDĐH chắc chắn sẽ thay đổi.
Phát biểu tại hội nghị, thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu nhằm nâng cao chất lượng GDĐH trong xu thế hội nhập và mở cửa. Thứ trưởng cho biết, sẽ tiếp thu mọi ý kiến đóng góp bên cạnh bản báo cáo giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội về GDĐH nhằm thẳng thắn nhìn ra những hạn chế còn tồn đọng, từ đó tìm giải pháp sửa đổi, khắc phục, hướng tới sự phát triển trong tương lai.
Anh Tú