(GD&TĐ) - Quá trình phát triển của đất nước ta trong xu thế đổi mới và hoà nhập hiện nay có những “căn bệnh” làm cho đất nước trì trệ, tụt hậu. Hai trong số đó là “bệnh thành tích” và “bệnh hình thức”. Có thể nói, đó là những căn bệnh rất dễ thấy ở mọi nơi, nhất là trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Nó thể hiện ở nhiều cấp độ, nhiều lĩnh vực, từ đơn gian đến tinh vi, biểu hiện ở một cá nhân hay một tập thể cụ thể…
Ảnh minh họa/internet |
Giữa “bệnh hình thức” và “bệnh thành tích” có những nét tương đồng. Đa phần những ai mắc căn bệnh này đều muốn khỏa lấp, che đậy cái yếu kém, tồn tại, bất cập của bản thân hay cơ quan, đơn vị mình bằng vỏ bọc bên ngoài hào nhoáng. Trong các báo cáo nhất là báo cáo tổng kết, trong mục tồn tại và khuyết điểm, thường ghi chung chung, nhiều khi dài dòng về câu chữ nhưng nghèo về nội dung, trong khi mục thành tích đạt được thì “huy động” mọi ngôn từ, đưa ra chi tiết mọi thành tích từ nhỏ đến lớn, nhiều khi cả những cái vụn vặt nhất cũng đưa vào để làm "phong phú" cho bảng thành tích của mình. v.v…
Một hiện tượng của căn bệnh thành tích nữa là, có những người có “thích sưu tầm” bằng khen, giấy khen, huân huy chương bằng mọi giá. Đáng buồn là họ tập trung cho công việc “hậu trường” mà không coi trọng thực chất sản xuất kinh doanh, lời giả lỗ thật. Đã có vị giám đốc một doanh nghiệp nọ, mỗi khi khách đến thăm đều dẫn ra phòng trưng bày để khoe những bằng khen, huân, huy chương mà đơn vị mình được thưởng, cả những tấm ảnh chụp với lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố, trung ương cũng được phóng to để treo lên ở nơi người ta dễ nhìn thấy nhất. Chưa hết, mỗi dịp tổng kết cuối năm, mừng năm mới, đón nhận danh hiệu nào đó, vị này đều mời những đại biểu có thể tác động được sự “đi lên” của mình, trong đó có cả các cơ quan báo chí. Ngoài ra, họ cũng đặc biệt o bế bộ phận làm công tác thi đua khen thưởng, thanh tra v.v… Họ cũng thường xuất hiện trên mặt báo với những bài tự viết về mình nhiều khi chiếm gần hết một trang báo.
Người ta thường nói “chỉ ở trong chăn mới biết có rận”, những người trong những cơ quan mà người lãnh đạo mắc 2 căn bệnh trên, hơn ai hết là người biết rõ thành tích của cơ quan đơn vị mình là thật hay ảo. Nhiều khi do an phận thủ thường, lo sợ bị trù dập, bị chậm nâng lương, bị điều chuyển công tác mà họ phải im lặng. Bên ngoài phạm vi lãnh đạo của họ có thể nhún nhường, ăn nói ngọt ngào, hào phóng nhưng trong nội bộ thì “hét ra lửa” quát nạt, la mắng cấp dưới không tiếc lời.
Căn bệnh thành tích còn thể hiện ở chỗ, nếu trong báo cáo của cấp trên có vấn đề gì nói hơi tiêu cực về mình (mặc dù là chính xác), cho dù đó chỉ là câu chữ nhưng họ phản ứng ngay, chẳng hạn đề nghị thay đổi câu chữ, hoặc cắt đi những đoạn mà theo họ có thể ảnh hưởng không lợi đến thành tích của đơn vị mình.
Một biểu hiện nữa của bệnh hình thức là những người mắc bệnh này thường có những đối sách để làm cho người ta tưởng rằng họ làm việc bài bản, đàng hoàng, chủ yếu là để đối phó với sự kiểm tra của cấp trên. Trong hội họp, “kính thưa, kính gửi” hết cả gần 10 phút, lẵng hoa thì càng qui định hạn chế càng “hoành tráng”, đi công tác, họp hành, mặc dù chặng đường không bao xa cũng không chịu đi bằng phương tiện xe máy mà phải có ôtô v.v và v.v…
Bệnh thành tích, bệnh hình thức xét cho cùng cũng là “bà con gần gũi” của tệ nạn lãng phí, tham nhũng, là "nhóm bệnh" cần phải kiên quyết loại bỏ, tránh làm theo kiểu “làm cho có”, “đầu voi đuôi chuột”, xuê xoa, đại khái, chiếu lệ. Phải xem việc dung dưỡng những căn bệnh trên là có tội với Đảng, với dân với nước. Muốn đất nước ta đi lên vững mạnh phải loại bỏ những căn bệnh đang trở thành rào cản của sự phát triển, không thể xem đó là những vấn đề nhỏ, vô hình trung làm cho đất nước trở nên tụt hậu hơn.
Dân Hùng