Cần lãm rõ hơn cơ chế phân hoá, phân tầng trong GD đại học

Cần lãm rõ hơn cơ chế phân hoá, phân tầng trong GD đại học

(GD&TĐ) - Ngày 28/4/2011 tại TP.HCM, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (UBVN, GD, TN, TN & NĐ) của Quốc hội tiếp tục tổ chức “Hội nghị lấy ý kiến về việc xây dựng Luật giáo dục Đại học” với gần 50 đại biểu tham dự.

>>>Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục Đại học

Đây là Hội nghị lần thứ 2, (Hội nghị lần thứ 1 tại Hà Nội ngày 19 - 20/04/2011). Nhiều vấn đề “nóng” và khá mới của Giáo dục Đại học (GDĐH) đã được nhiều đại biểu thảo luận sôi nổi, sâu sắc.

GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm UBVH, GD, TN & NĐ của Quốc hội chủ trì Hội nghị - đã gợi ý các đại biểu tập trung thảo luận một số nội sung sau. Thứ nhất: Góp ý về mục tiêu nâng cao chất lượng GDĐH. Thứ hai: Vấn đề đảm bảo công bằng xã hội. Thứ ba: Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH. Phân hoá tiêu chuẩn chất lượng GDĐH. Thứ tư: Vấn đề xã hội hoá GD. Các chính sách ưu tiên, hỗ trợ của nhà nước, đối với các trường ĐH tư thục hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận hoặc vì lợi nhuận hợp lí. Thứ năm: Việc phân loại, phân tầng các cơ sở GDĐH theo sở hữu (vốn đầu tư) và theo vị trí, năng lực đào tạo , để làm cơ sở giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thứ sáu: Vấn đề đào tạo quốc tế. Thứ bảy: Việc quản lý tài chính, tài sản...

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trình bày Dự thảo Luật GDĐH tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga trình bày Dự thảo Luật GDĐH tại Hội nghị

Đại diện Ban soạn thảo Dự án Luật GDĐH, GS Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã trình bày tóm tắt Dự thảo lần thứ 4 Dự án Luật GDĐH (tạm hoàn thành ngày 27/4/2011).

Dự thảo lần này đã bổ sung thêm 2 điều luật là “Điều 13” : “Cơ cấu tổ chức của cơ sở GDĐH” và “Điều 19” : “Quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH”. Tại “Điều 14”, Ban soạn thảo Luật GDĐH lần thứ 4 cũng bổ sung quy định: “Bộ trưởng Bộ GD & ĐT quy định điều kiện thành lập, cho phép thành lập đối với trường ĐH, học viện...”.

Trong Luật GD năm 2005, quyết định thành lập trường ĐH do Thủ tướng ban hành. Dự thảo luật GDĐH lần này tại “Điều 26”: “Văn bằng GDĐH đưa vào thêm vấn đề “tích luỹ tín chỉ” đối với sinh viên, học viên học cả 3 bậc đào tạo : CĐ, ĐH và cao học.

Tại “Điều 37: “Giảng viên”, Dự thảo Luật GDĐH lần 4 cũng bổ sung quy định mới. Đó là trong quy định về chức danh giảng viên có cả “phó giáo sư và giáo sư” (thang bảng lương của Nhà nước hiện tại không có ngạch lương “giáo sư và phó giáo sư”). Một quy định mới bổ sung tại “Điều 39” : “Giảng viên thỉnh giảng và báo cáo viên” cho phép “Cơ sở GDĐH được mời báo cáo viên là các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ nhân, doanh nhân ở trong nước và nước ngoài để báo cáo chuyên đề, hướng dẫn thực hành, thực tập”.

Đặc biệt tại “Điều 16”: “Quản lý và sử dụng tài chính của cơ sở GDĐH”, Dự thảo Luật GDĐH lần thứ 4 đã bổ sung vấn đề cực “nóng”. Đó là quy định ở điểm 7: “Giá trị GDĐH quyền sử dụng đất và tài sản mà Nhà nước giao cho cơ sở GDĐH tư thục, được tính vào nguồn tài chính đàu tư xây dựng cơ sở GDĐH trên nguyên tắc: đảm bảo quyền sở hữu của Nhà nước và sử dụng đúng mục đích. Phần tài chính thu được hoặc quy từ giá trị quyền sử dụng đất và tài sản do Nhà nước giao cho cơ sở GDĐH tư thục thực hiện theo quy định tại điểm a và b khoản 6 Điều này”...

GS TS Trần Ngọc Đường (Viện Ngiên cứu Lập pháp) đề nghị: Cần làm rõ hơn phạm vi điều chỉnh Luật GDĐH đến đấu? Quy định rõ hơn: cơ sở GDĐH nào được giao quyền tự chủ đến mức độ nào? Đồng quan điểm, GS TS Phạm Phụ (ĐHQG TP.HCM) nhấn mạnh: Phải làm rõ hơn việc phân tầng cơ sở GDĐH. Dự thảo Luật GDDH cần làm sáng tỏ trường ĐH vì lợi nhuận và phi lợi nhuận, nếu không làm rõ sẽ hạn chế sự phát triển của các trường ĐH tư thục và hạn chế hợp tác đầu tư quốc tế GDĐH. Đặc biệt, vấn đề Hội đồng trường chưa được Luật đề cập tới?

Nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng, GS TS Phan Kỳ Phùng cũng rất băn khoăn việc Dự thảo Luật đề cập vấn đề quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH quá chung chung. Luật phải đảm bảo sự công bằng, trong việc chế tài tất cả các lĩnh vực hoạt động của các mô hình cơ sở GDĐH khác nhau.

Cũng bàn về vấn đề công bằng trong GDĐH, đại diện trường ĐH Dân lập Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM đề nghị: Dự thảo Luật cần quy định làm sao để đảm bảo hài hoà các quyền lợi trong vấn đề trường vì lợi nhuận và trường phi lợi nhuận, quan trọng nhất là đảm bảo tốt lợi ích của người học. Cần lãm rõ hơn các quy định về kiểm định chất lượng GDĐH.

Vấn đề kiểm định chất lượng GD được nhiều đại biểu đề nghị có thể cho phép thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng GD độc lập với Bộ GD&ĐT để đảm bảo tính khách quan. Kết quả kiểm định phải được công khai và sử dụng có hiệu quả, mục đích lớn nhất là giúp các trường ĐH biết được thực chất thương hiệu của trường mình để tự sửa mình và vươn lên. Vấn đề phân tầng, phân hoá trong GDĐH, cũng được hầu hết đại biểu thống nhất với quan điểm của Ban soạn thảo Dự án Luật GDĐH, là cần quy định rõ hơn. Chúng ta đã và đang tồn tại các trường ĐH đào tạo bình thường cung cấp nhân lực đa dạng cho xã hội. Có một số trường ĐH đào tạo “tinh hoa”, một số trường ĐH mạnh về nghiên cứu khoa học cơ bản. Lại cũng có một số trường ưu thế về rèn luyện các kỹ năng thực hành nghề nghiệp.

Đồng ý phải quy định rõ phân tầng, phân hoá GDĐH, GS TSKH Nguyễn Ngọc Trân (Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội) đề nghị cần cấp bách phân cấp và quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH, chấn chỉnh cơ cấu tổ chức lộn xộn, chồng chéo của hệ thống GDĐH hiện nay. Tránh kéo dài cơ chế xin - cho, khe hở cho tiêu cực và tham nhũng. Cần cải tiến cách tuyển sinh (đưa vào Luật), việc giao chỉ tiêu tuyển sinh ĐH hiện nay cộng với việc thả lỏng ở đầu ra, tác động tiêu cực đến chất lượng đào tạo ĐH. Đặc biệt Dự thảo Luật GDĐH cần nói rõ sự khác nhau giữa quyết định thành lập cơ sở GDĐH và quyết định cho phép thành lập cơ sở GDĐH. Như vậy mới tránh được hiện tượng hiện nay một số người lợi dụng giấy phép thành lập trường ĐH để kinh doanh bất động sản trái phép. Vấn đề nữa, nên bỏ “ĐH 2 cấp”. Trên cơ sở 2 ĐHQG và các ĐH hiện nay có thể đổi thành mô hình Viện ĐH v.v...

Tiếp thu nghiêm túc tất cả ý kiến đóng góp xây dựng Dự thảo Luật GDĐH, GS. Bùi Văn Ga - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Một số vấn đề như giao quyền tự chủ (trong đó có cách thức và chỉ tiêu tuyển sinh), vấn đề Hội đồng trường; vấn đề cơ sở GDĐH quốc tế; vấn đề lợi nhuận - nửa lợi nhuận và phi lợi nhuận trong GDĐH; vấn đề kiểm định và sử dụng kết quả kiểm định chất lượng GD..., sẽ được Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn để chọn lọc, đưa vào Dự thảo Luật. Một số vấn đề cần có thêm thời gian để kiểm chứng trong thực tế, vì còn khá mới mẻ nên chưa thể đưa ngay vào Dự thảo Luật GDĐH. Vấn đề Hội đồng trường đã có quy định khá rõ trong luật GD năm 2005 và trong Điều lệ trường ĐH, thì cứ thế mà thực hiện, vì cần nghiên cứu thêm.

Những vấn đề còn nhiều tranh luận, đang được thực tế kiểm chứng, nếu chưa đề cập rõ trong Dự thảo Luật GDDH, trước mắt sẽ có trong quy định các văn bản pháp lý dưới Luật...

Kết luận Hội nghị, GS Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm UBVH, GD, TN, TN & NĐ của Quốc hội nhấn mạnh: Ban soạn thảo đã rất tích cực để đưa ra Dự thảo Luật GDĐH lần thứ 4 này. Tuy nhiên một số vấn đề cấp bách của GDĐH đề cập trong Dự thảo Luật còn mờ nhạt. Đồng ý quan điểm của các đại biểu: Luật GDĐH muốn chế tài bài toán quy mô phát triển GDĐH và chất lượng đào tạo, phải căn cứ vào điều kiện, năng lực thực tế của các trường ĐH.

Như vậy Dự thảo Luật cần lãm rõ hơn cơ chế phân hoá, phân tầng trong GDĐH. Việc làm rõ hơn quyền tự chủ - tự chịu trách hiệm đối với các cơ sở GDĐH, cũng phải dựa vào cơ chế phân hoá, phân tầng này, vấn đề Hội đồng trường cũng thế. Việc giao quyền tự chủ về chuyên môn cho các trường, chỉ nên thực hiện sau khi các trường được kiểm định chất lượng đào tạo chính xác.

GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh, dự thảo Luật cần tiếp tục làm rõ mô hình trường ĐH vì lợi nhuận - nửa lợi nhuận - phi lợi nhuận (Nghị quyết mới đây của Quốc hội cũng đã đề cập sơ qua vấn đề này). Quan trọng là phải đảm bảo hài hoà lợi ích của: Nhà nước - nhà đầu tư - giảng viên và người học trong vấn đề lợi nhuận - phi lợi nhuận... Chúng ta còn nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận và hoàn thiện Dự thảo Luật GDĐH.

                                                                                              Đinh Lê Yên

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ