Cận kề thời điểm Hà Nội thu phí sử dụng đường bộ: Cần làm rõ phương án thu

Cận kề thời điểm Hà Nội thu phí sử dụng đường bộ: Cần làm rõ phương án thu

(GD&TĐ) - Theo quyết định mới nhất của UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành, kể từ ngày 21/7 tới sẽ chính thức tiến hành thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND cấp xã, phường, thị trấn trở thành cơ quan trực tiếp làm nhiệm vụ đứng ra thu loại quỹ này. Tuy nhiên, phương án thu tại nhiều địa phương đến thời điểm này vẫn rất mơ hồ.

Hà Nội có khoảng 5 triệu xe phải đóng phí

Thu phí bảo trì đường bộ trên đầu mô tô sẽ gặp không ít khó khăn Ảnh: Minh Tân
Thu phí bảo trì đường bộ trên đầu mô tô sẽ gặp không ít khó khăn   Ảnh: Minh Tân
 

Do tình trạng dân nhập cư ngày càng đông, lưu lượng và tần suất xe lưu thông trên đường lớn khiến cho việc giải quyết bài toán ùn tắc, duy tu và bảo dưỡng đường bộ ngày càng khó khăn và tốn kém. Mặc dù những năm gần đây cơ sở hạ tầng của thành phố, trong đó đặc biệt là đường giao thông đã được mở rộng, thêm mới nhiều tuyến.

Vì thế, Hà Nội đề xuất áp dụng mức thu tối đa phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện với xe mô tô. Đề xuất này đã được thông qua và kể từ ngày 21/7 này, Hà Nội chính thức tiến hành thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy.

Hiện có hơn 4,5 triệu xe mô tô tham gia lưu thông, nếu áp dụng thu phí sử dụng đường bộ, ước tính mỗi năm Hà Nội thu về được hơn 605 tỷ đồng. Trong khi đó, để có đủ kinh phí bảo trì đường bộ hằng năm cho giao thông Thủ đô, theo Sở Giao thông - Vận tải ước cần khoảng 844 tỷ đồng. Tuy con số này chưa đủ chi nhưng phần nào đáp ứng khả năng kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng đường, đáp ứng nhu cầu tham gia giao thông của các phương tiện.

Trong qui định của UBND thành phố cũng nêu rõ đối tượng chịu phí bao gồm: Xe mô tô 2 bánh, xe mô tô 3 bánh, xe gắn máy (không bao gồm xe máy điện). Mức thu phí đối với loại xe có dung tích xy lanh đến 100cm3 là 50.000 đồng/năm; Loại xe có dung tích xy lanh trên 100cm3 là 100.000 đồng/năm. Riêng đối với xe mô tô của lực lượng công an, quốc phòng, hộ nghèo được miễn phí.

Theo quy định, đối với xe mô tô phát sinh trước ngày 1/1/2013 thì tháng 8/2013 thực hiện khai, nộp phí cả năm 2013, mức thu phí 12 tháng. Đối với xe mô tô phát sinh từ ngày 1/1/2013 -30/6/2013, chủ phương tiện phải khai, nộp phí với mức bằng 1/2 mức thu năm. Thời điểm khai, nộp chậm nhất là ngày 30/8/2013.

Với phương tiện phát sinh từ 1/7/2013 - 31/12/2013, chủ phương tiện thực hiện khai, nộp phí vào tháng 1/2014 cho phí phải nộp năm 2014 và không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm 2013.

Kể từ ngày 1/1/2014 trở đi, với những phương tiện phát sinh từ ngày 1/1 - 30/6 hàng năm, chủ phương tiện phải khai, nộp phí với mức thu phí bằng 1/2 mức thu năm. Thời điểm khai, nộp chậm nhất là ngày 31/7 hàng năm. Thời điểm phát sinh còn lại trong năm thì chủ phương tiện thực hiện khai, nộp phí vào tháng 1 năm sau và không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm phát sinh.

Băn khoăn từ cơ sở

UBND cấp xã, phường, thị trấn là cơ quan thu phí đối với xe mô tô của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn. Song trước thời điểm gần một tuần Hà Nội sẽ chính thức tiến hành thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe máy trên địa bàn thành phố, vẫn còn nhiều băn khoăn từ cơ sở thực thi.

Phó Chủ tịch HĐND phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Theo cá nhân tôi, việc triển khai thu phí giao cho cấp phường, xã, thị trấn sẽ dễ thu hơn rất nhiều so với việc giao cho Chi cục thuế tổ chức thu phí. Địa bàn quận có khoảng 2,6 vạn dân với 66 tổ dân phố. Mỗi năm dân số tăng khoảng gần 3.000 nhân khẩu. Khi triển khai, chúng tôi sẽ tổ chức đến từng tổ dân phố, giao cho tổ dân phố lập danh sách và thu phí.

Hà Nội nên tổ chức triển khai thí điểm ở một địa bàn phường nào đó, để từ đó rút kinh nghiệm, cách làm như thế nào hiệu quả, dân đồng tình ra sao, dựa vào đó để nhân rộng điển hình, bởi nếu triển khai đại trà ngay sẽ có những bất cập, ông Hùng chia sẻ thêm.

Là tổ trưởng tổ dân phố số 11 (phường Dịch Vọng), ông Nguyễn Đức Dậu cho biết: Đến thời điểm này phường chưa thông báo kế hoạch triển khai như thế nào cho các tổ dân phố. Song, với mức cắt cho cấp phường, thị trấn chỉ có 10% mức thu để tái tạo lại là quá ít. Thậm chí cũng phải có phương án chi trả cho cán bộ tham gia thu phí cụ thể là bao nhiêu.

Với bác Nguyễn Vân Anh, nhà ở phố Tôn Đức Thắng – Đống Đa lại chia sẻ: Việc giao cho các phường xã tổ chức thu phí sẽ tận thu thuế nhưng tôi băn khoăn, số tiền thu được sẽ không hề nhỏ trên địa bàn từng tổ, từng phường. Việc quản lý số tiền này như thế nào để tránh rủi ro lại là vấn đề cốt lõi. Cho dù giao cho tổ trưởng tổ dân phố thu, với một khu phố toàn nhà cao tầng gần một nghìn nhân khẩu, việc thu phí sẽ là số tiền không hề nhỏ nếu như phường đó có 300 - 500 xe máy, nếu chỉ cần vận chuyển nộp cho phường bị thất thoát trên đường, mức gánh chịu sẽ như thế nào?

- Mức thu phí bảo trì đường bộ mỗi năm đối với xe máy có dung tích dưới 100 cm3 là 50.000 đồng và xe dung tích trên 100 cm3 là 100.000 đồng.

- Qui định quản lý, sử dụng nguồn phí thu: Các phường, thị trấn được để lại 10%; các xã được để lại 20% số phí thu được. Số tiền còn lại, nếu có Quỹ bảo trì đường bộ địa phương thì hằng tuần, cơ quan thu phí phải nộp vào tài khoản của Quỹ tại Kho bạc Nhà nước.

Vũ Kiệt

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ