Cần đổi mới công tác thi đua khen thưởng

GD&TĐ - Công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) ở nước ta trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, cũng đều giữ vai trò quan trọng, nó thúc đẩy và góp phần vào thắng lợi của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Cần đổi mới công tác thi đua khen thưởng

Trong giai đoạn đất nước đi lên công nghiệp hóa hiện đại hóa trong mọi lĩnh vực, công tác TĐKT vẫn tiếp tục được triển khai rộng khắp ở mọi ngành mọi cấp trên khắp miền đất nước.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chủ trương, luật định để nâng cao chất lượng TĐKT, mục tiêu là công tác này đi vào chiều sâu, hạn chế và tiến tới xóa bỏ những biểu hiện của căn bệnh hình thức, đảm bảo công bằng, khuyến khích mọi người mọi giới hăng say lao động sản xuất thông qua các phong trào thi đua sôi nổi, đều khắp, đem lại luồng sinh khí mới cho đất nước. 

Bên cạnh những thành tích rõ nét, thiết thực và hiệu quả do TĐKT đem lại trong những năm qua, vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong việc thực hiện công tác này, ở nhiều địa phương, nhiều ngành và nhiều cấp.

Nếu xem nhẹ, vô hình trung sẽ làm cho TĐKT thành chỗ dựa cho những người ưa “bệnh thành tích”, những người lấy các danh hiệu thi đua để khỏa lấp đi những yếu kém, khuyết nhược điểm của cá nhân hay đơn vị, địa phương mình. Biểu hiện rõ nét nhất là tình trạng “chạy” các danh hiệu thi đua.

Bằng nhiều cách, người ta có thể tác động đến cơ quan cấp trên liên quan đến việc đề xuất, xét duyệt các danh hiệu thi đua. Thấp nhất là các hội đồng thi đua tại mỗi cơ quan đơn vị, sau đó là cấp quận huyện, tỉnh thành và cao hơn là cấp Trung ương. Không loại trừ trường hợp “đi tắt”, “đi cửa sau” để mong đạt được các danh hiệu một cách nhanh chóng. 

Trong các trường hợp này, những người làm công tác TĐKT cần phải tỉnh táo và thận trọng trong việc xét duyệt, nhận xét đánh giá trên tinh thần khách quan, có tham khảo ý kiến của tập thể nơi có cơ quan, cá nhân được đề xuất. Ông bà ta xưa đã có câu “Hữu xạ tự nhiên hương”, thông thường những cá nhân, những đơn vị làm được, làm tốt, làm có hiệu quả ít khi muốn khoa trương hình thức. Không loại trừ trường hợp người giỏi “chạy”, “biết điều”, lại được danh hiệu thi đua cao hơn những cá nhân, đơn vị tuy làm giỏi, có thành tích nổi bật nhưng “không biết cách” hoặc không mặn mà với các danh hiệu thi đua. 

Việc trao tặng các danh hiệu thi đua cũng không nên làm theo kiểu phong trào, làm theo “cơ cấu”, theo “mặt trận”. Cũng không nên quá chú trọng khen thưởng cho các đối tượng có chức, có quyền mà quên đi nhưng nhân tố cơ sở những công nhân, nông dân, viên chức thật sự có những thành tích xứng đáng để được tôn vinh.

Cần đi đến chấm dứt tình trạng tập thể thì cố gắng thi đua, làm hết mình để cuối cùng toàn là cá nhân, lãnh đạo được khen thưởng. Vấn đề cuối cùng là không thể xem nhẹ công tác TĐKT kháng chiến. 40 năm sau giải phóng rồi mà hiện nay, công tác này vẫn chưa đi đến hồi kết.

Phải thẳng thắn nhìn nhận là công tác này đã có lúc, có nơi bị xem nhẹ, bị sao nhãng, tập trung cho các danh hiệu khen cao, khen ở các đối tượng là doanh nghiệp mà ít quan tâm đến các đối tượng có thành tích trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc. Thiếu quan tâm đến công tác này cũng là biểu hiện chưa quan tâm đến công tác “đền ơn đáp nghĩa”, để lại những điều tiếng không hay, không có lợi cho cơ quan thi đua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.