Cần cụ thể và minh bạch

Cần cụ thể và minh bạch

(GD&TĐ) - Bên cạnh những kết quả tích cực, việc vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất tại nhiều trường học ở Nghệ An vẫn còn nhiều bất cập: Nhiều trường chưa thực hiện đúng quy trình vận động, hiện tượng lạm thu không được khắc phục; số tiền vận động chưa được chi một cách hợp lý và chưa được công khai minh bạch.

Chúng tôi đến Trường THCS Cao Sơn, một trường học thuộc huyện miền núi Anh Sơn, được ông Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm học 2012-2013, các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm và cha mẹ học sinh đã đóng góp được 300.000.000 đồng để xây dựng nhà trường. Trong số đó, cha mẹ học sinh đóng góp không nhiều, vì cả trường chỉ có 200 học sinh, đời sống của gia đình các em, hầu hết đang hết sức khó khăn; số tiền thu được chủ yếu là từ các cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm: Công ty Bia Sài Gòn-Nghệ Tĩnh 20.000.000 đồng; Ngân hàng Nông nghiệp Nghệ An 10.000.000 đồng; nhóm học sinh cũ ở Hà Nội 40.000.000 đồng;…

Khác với Trường THCS Cao Sơn, theo bà Nguyễn Thị Tâm, Hiệu trưởng Trường THCS Hưng Bình (Vinh): Mấy năm nay, việc đóng góp xây dựng cơ sở vật chất nhà trường chủ yếu là do cha mẹ học sinh, còn các lực lượng khác gần như không có gì. Như năm học này, đến thời điểm cuối tháng 12/2012, cha mẹ học sinh đã đóng góp được 180.000.000 đồng. Có một điều đặc biệt là lãnh đạo phường Hưng Bình rất quan tâm đến nhà trường. Phường giao, những khoản Trường vận động được, Trường tập trung vào việc sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung sách, thiết bị dạy học, còn xây dựng lớn, Phường sẽ lo. Điều này không phải chỉ nói miệng mà đã trở thành nghị quyết của HĐND phường…

Năm 2008, sau khi Nhà nước quyết định ngừng thu tiền xây dựng trường, việc củng cố, nâng cấp cơ sở vật chất trường học không có giải pháp nào hữu hiệu hơn là vận động sự đóng góp của nhân dân. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Nghệ An, số tiền mà các trường thu được từ sự đóng góp của nhân dân qua các năm cụ thể là: năm học 2008-2009 thu 36,206 tỷ đồng; năm học 2009-2010 thu 76,492 tỷ đồng (hai năm học này chưa tính số tiền thu được của các trường THPT và trung tâm GDTX); năm học 2010-2011 thu 82,897 tỷ đồng và năm học 2011-2013 thu 105,423 tỷ đồng. Chính bằng số tiền này cộng với sự đầu tư của Nhà nước, tính đến hết năm học 2011-2012, Nghệ An đã có 416 trường TH, 218 trường THCS, 21 trường THPT có thư viện đạt chuẩn; 534 trường TH, 399 trường THCS có phòng đồ dùng dạy học và 91 trường THPT có 287 phòng thực hành, toàn ngành có 20.521 máy vi tính phục vụ cho dạy và học và các hoạt động giáo dục khác.

Khu vực rửa tay bằng xà phòng của Trường TH Diễn Kỷ (Diễn Châu) được xây dựng từ nguồn đóng góp
Khu vực rửa tay bằng xà phòng của Trường TH Diễn Kỷ (Diễn Châu) được xây dựng từ nguồn đóng góp

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả nêu trên, việc vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất vẫn còn nhiều bất cập: nhiều trường chưa thực hiện đúng quy trình vận động, hiện tượng lạm thu không được khắc phục; số tiền vận động được chưa được chi một cách hợp lý và chưa được công khai minh bạch.

Theo quy định, để tiến hành vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học, các trường phải tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, phải làm kế hoạch trình cấp trên quản lý trực tiếp và chỉ được triển khai thực hiện khi cấp trên phê duyệt. Thế nhưng tại Nam Đàn, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết, tính đến ngày 18/12/2012, mới chỉ có khoảng 50% số trường gửi kế hoạch về Phòng và Phòng cũng chỉ mới xem xét, phê duyệt kế hoạch cho số trường này. Ông Nguyễn Trọng Hoàn, người phát ngôn của Sở GD&ĐT Nghệ An cũng cho biết, trong số 91 trường THPT và 21 trung tâm GDTX mà Sở trực tiếp quản lý, tính đến ngày 19/12/2012, Sở mới nhận và phê duyệt kế hoạch vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học cho 36 đơn vị. Như vậy, thực tế nhiều trường đã thực hiện vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học không đúng quy trình - một tồn tại không thể chấp nhận trong công tác quản lý nhà nước.     

Theo Bộ GD&ĐT, “Bất kỳ hình thức ép buộc nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật“. Nhưng thực tế tại Nghệ An, đã nhiều năm nay, nói là vận động, nhưng nhiều trường đã quy định mức đóng góp cho cha mẹ học sinh. Điều này thể hiện rõ trong Kết luận số 2429/KL-SGD&ĐT của Sở GD&ĐT về kết luận thanh tra tuyển sinh và thực hiện các khoản thu đầu năm học 2011-2012. Ngay như đầu năm học 2012-2013 này, tại thành phố Vinh, có trường ghi trong bản kế hoạch là vận động mỗi cha mẹ học sinh lớp 7, 8, 9 đóng góp 300.000 đồng và mỗi cha mẹ học sinh lớp 6 đóng góp 350.000 đồng – rõ ràng là đã bình quân hoá mức đóng góp, thế  nhưng Phòng GD&ĐT Vinh vẫn phê duyệt.

Còn tồn tại trong việc chi số tiền thu được từ cuộc vận động xã hội hoá giáo dục thì biểu hiện muôn hình, muôn vẻ. Chi không đúng mục đích, biết là sai mà vẫn phải chi. Năm học 2010-2011, Trường THPT Thái Lão đưa vào sử dụng công trình nhà học 3 tầng với tổng kinh phí đầu tư 6 tỷ đồng (tính số tròn), trong đó ngân sách nhà nước cấp theo Chương trình Kiên cố hóa trường lớp học là 4,2 tỷ đồng, còn tiền đối ứng là 1,8 tỷ đồng. Số tiền đối ứng này, huyện Hưng Nguyên không hỗ trợ được đồng nào mà tất cả nhà trường phải lo. Ông Trần Văn Đông, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2011-2012, nhà trường vận động cha mẹ học sinh đóng góp được 530 triệu đồng, Trường phải dành 400 triệu trả nợ cho nhà thầu. Năm nay cũng phải dành chừng ấy. Tuy thư viện, thiết bị dạy học, các phòng thực hành chưa đạt chuẩn, thiếu thốn nhiều, nhưng nhà trường không thể không trả nợ”.

Ở Trường tiểu học Nam Nghĩa (Nam Đàn) lại khác. Mỗi năm nhà trường vận động cha mẹ học sinh đóng góp được từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đáng ra số tiền này phải ưu tiên chi cho việc mua sách, thiết bị dạy học thì Trường lại dùng vào việc đóng bàn ghế mới thay thế cho số bàn ghế cũ chưa thật đúng qui cách. Năm học 2011-2012 thu được 42,8 triệu đồng, Trường dùng đóng mới 50 bộ bàn ghế; năm học 2012-2013, thu được 43 triệu đồng, Trường lại dùng số tiền này đóng mới 40 bộ bàn ghế. Trong khi đó, xem sổ sách của thư viện và phòng đồ dạy học, từ nhiều năm nay, số lượng sách và thiết bị được bổ sung chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều bộ môn, cả khối (2 đến 3 lớp học) phải dùng chung 1 bộ thiết bị, có nhiều môn phải dạy chay. Cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 3B cho biết: “Đồ dùng dạy học chủ yếu do giáo viên tự làm, có nhiều môn thiếu như môn Tự nhiên-Xã hội, môn Tiếng Việt, cả khối chỉ có 1 bộ dùng, lại rách nát”. Sách, thiết bị thiếu trầm trọng không mua, lại đi đóng bàn ghế mới trong khi bàn ghế cũ còn dùng được là một việc làm không hợp lý, không phát huy được tác dụng đồng tiền mà cha mẹ học sinh chắt bóp đóng góp cho trường.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, tỷ lệ số tiền thu được từ xã hội hoá giáo dục được dùng mua sách, thiết bị dạy và học của năm học 2008-2009 là 59,47%; năm học 2009-2010 là 43.36%; năm học 2010-2011 là 54,32% và năm học 2011-2012 là 51,85%. Đó là chung cả tỉnh, nhưng có một số huyện, tỷ lệ này quá thấp. Đơn cử năm học 2011-2012, kinh phí thu được dành mua sách, thiết bị dạy và học của Diễn Châu chỉ có 7,24%; Tân Kỳ 15,18%, Thanh Chương 16,47%; Đô Lương 17,03%.

Một tồn tại khác là nhiều nhà trường không công khai, không minh bạch trong việc chi số tiền thu được từ vận động xã hội hoá giáo dục. Trong quá trình tìm hiểu, thu thập thông tin để thực hiện bài viết này, chúng tôi đã nhận được không ít ý kiến của các vị trong các Ban Đại diện cha mẹ học sinh là họ không hề biết số tiền thu được do họ đóng góp, nhà trường đã chi vào những khoản gì, ....

Tuy còn nhiều tồn tại, nhưng công tác giám sát, kiểm tra việc thu chi từ nguồn vận động xã hội hoá giáo dục lại không được các cấp quản lý giáo dục quan tâm thực hiện đồng bộ. Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn, người phát ngôn của Sở GD&ĐT Nghệ An: “Hàng năm, Sở đều tổ chức thanh tra việc thực hiện các khoản thu đầu năm học. Riêng năm học 2012-2013 này thì chưa làm được. Thực tế, việc thanh tra, kiểm tra của các cấp quản lý giáo dục chưa thường xuyên, không cụ thể; viêc xử lý sau thanh tra, kiểm tra chưa được chỉ đạo thực hiện triệt để”. Phải chăng, việc thanh tra, kiểm tra chưa tốt là một trong những nguyên nhân cơ bản làm kéo dài các tồn tại trong việc vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học?.

Còn ông Thái Khắc Tân, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Vinh thì cho rằng: “Tốt nhất là quay trở lại quy định nghĩa vụ đóng góp quỹ xây dựng trường đối với học sinh từng cấp học như trước đây. Nếu không được như thế mà vẫn phải tiếp tục thực hiện vận động theo phương thức xã hội hoá giáo dục thì nên đi theo hai hướng: với cha mẹ học sinh, cần đưa ra một mức sàn đóng góp cho từng cấp học; mặt khác mỗi trường có cách làm riêng của mình để vận động, thu hút nguồn lực đầu tư cho nhà trường từ các nhà hảo tâm, từ các lực lượng ngoài cha mẹ học sinh”.

Được biết, HĐND tỉnh Nghệ An vừa có Nghị quyết số 76/NQ-HĐND về xây dựng chương trình hoạt động giám sát năm 2013, trong đó có nội dung giám sát công tác xã hội hóa trong các trường công lập. Bà Tôn Thị Cẩm Hà, Phó Trưởng ban Ban VH-XH, HĐND tỉnh cho biết: “Có thể hoạt động giám sát công tác xã hội hoá giáo dục sẽ được thực hiện trong quý I năm 2013....”. Hy vọng sau cuộc giám sát của HĐND tỉnh, bắt đầu từ năm học 2013-2014, công tác vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở vật chất trường học ở Nghệ An sẽ có sự đổi mới; các tồn tại của 5 năm qua sẽ được chấn chỉnh.

Minh Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ