Cần coi trọng hơn nữa vai trò của ứng dụng CNTT trong đổi mới thi cử

GD&TĐ - Là năm đầu tiên thực hiện Kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ cho học sinh nên tỉnh Quảng Ninh - địa phương đa dạng về kinh tế - xã hội, địa hình và dân tộc còn có những khó khăn nhất định. 

Thành công của Kỳ thi THPT quốc gia 2015 tạo đà đổi mới dạy – học trong toàn ngành.Trong ảnh: Giờ học tại Trường THPT Tiên Yên (Quảng Ninh)
Thành công của Kỳ thi THPT quốc gia 2015 tạo đà đổi mới dạy – học trong toàn ngành.Trong ảnh: Giờ học tại Trường THPT Tiên Yên (Quảng Ninh)

Tuy nhiên, với quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần trách nhiệm cao của ngành Giáo dục, kỳ thi đã thành công và được xã hội đánh giá cao.

Thể hiện tinh thần trách nhiệm

Ngay sau khi Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia được ban hành, Sở GD&ĐT đã tham mưu để UBND tỉnh kịp thời ban hành các chỉ thị, thành lập Ban chỉ đạo thi phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo và phối hợp với các địa phương thực hiện với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh tham dự kỳ thi, nhất là đối với học sinh dự thi tại Hải Phòng và những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 

Cùng với đó, Sở GD&ĐT tham mưu và UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, các trường chủ động nắm bắt cụ thể những đối tượng này để có phương án hỗ trợ các em, đảm bảo không để bất cứ học sinh nào không dự thi vì khó khăn.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh - Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh, các thành viên Ban chỉ đạo là Lãnh đạo các Sở ngành phối hợp tốt với ngành GD, chuẩn bị ứng phó với các tình huống cụ thể cho kỳ thi, ở tất cả các điểm thi, từ điện lực đến y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Ở cấp huyện, công tác tổ chức thi tại các điểm thi ở những vùng dân tộc được đặc biệt quan tâm, trong đó có các điều kiện về cơ sở vật chất và công tác hỗ trợ nhân lực cho kỳ thi. Công an tỉnh thực hiện tốt công tác bảo mật đề thi, tư vấn về công tác an ninh trong công tác tổ chức thi. 

Tỉnh Đoàn xây dựng chương trình tiếp sức mùa thi, phối hợp với các lực lượng xã hội giúp đỡ học sinh trong việc đi lại, liên hệ nơi ăn nghỉ cho học sinh với giá cả hợp lý, tin cậy. Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường thống kê số lượng học sinh cần giúp đỡ. Trên cơ sở đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh các trường học có kế hoạch giúp đỡ học sinh gặp khó khăn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã diễn ra an toàn, nghiêm túc đúng quy chế ở tất cả các khâu. Tỷ lệ học sinh dự so với số lượng đăng kí cao: Luôn đạt trên 99%, tỷ lệ tốt nghiệp là 94,46%. 

Theo ghi nhận của các nhà trường và thầy cô giáo, việc tổ chức một kỳ thi thay cho hai kỳ thi trước đây đã giảm bớt tốn kém cho học sinh và toàn xã hội trong việc đi lại, ăn ở cũng như các chi phí khác liên quan đến tổ chức thi được xã hội đánh giá cao. Đặc biệt, việc xét tuyển sinh ĐH, CĐ chỉ sau khi có kết quả thi đã giúp các em học sinh được lựa chọn những ngành, trường học phù hợp với năng lực học tập của mình hơn.

Đem đến công bằng cho giáo dục

Kỳ thi được tổ chức ở cụm liên tỉnh dành cho những học sinh có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ, đồng thời tổ chức tại cụm tỉnh dành cho những học sinh chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT ngoài việc tiết kiệm kinh phí cho học sinh còn tạo điều kiện cho học sinh có quyền lựa chọn địa điểm thi tuỳ thuộc vào nhu cầu và khả năng của mình. 

Với tỉnh Quảng Ninh đa dạng về địa hình và dân tộc thì điều này càng có ý nghĩa về mặt công bằng xã hội. Kết quả kỳ thi của tỉnh, đặc biệt là ở các vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không có biến động lớn so với các năm học trước đã khẳng định được chất lượng giáo dục, sự nghiêm túc trong tổ chức kỳ thi tại Quảng Ninh.

Việc tổ chức thi trước, xét tuyển sau là một việc làm mới, thể hiện quyết tâm, trách nhiệm của ngành Giáo dục với sự nghiệp chung, tuy nhiên không khỏi có những khúc mắc đó là việc xét tuyển đợt 1, chủ quan và khách quan nguyên do có cả cách thức thực hiện và nhận thức của thí sinh, nhưng cuối cùng, người dân, xã hội đã ghi nhận Kỳ thi THPT quốc gia với việc dùng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ đã tạo cơ hội trúng tuyển cho những học sinh có điểm thi cao và các trường ĐH, CĐ tuyển được những học sinh giỏi vào trường, khắc phục tình trạng học sinh thi đạt điểm cao nhưng vẫn không đỗ ĐH như một số trường hợp những năm học trước.

Kế thừa thành công của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu để Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 hợp lý hơn về thời gian và một số yếu tố kỹ thuật. Theo tôi, thời gian nên tổ chức từ ngày 1/6 đến ngày 4/6/2016; Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ của học sinh nên theo hướng: 

Mỗi học sinh được xét tuyển nhiều nguyện vọng nhưng phải cùng một ngành nghề để tránh việc học sinh tuy đỗ vào trường ĐH nhưng lại không được học đúng sở trường của mình, điều này không phát huy được năng lực của học sinh khi học cũng như khi ra trường. 

Đặc biệt đối với ngành Sư phạm, chỉ tuyển những học sinh ngay từ ban đầu đăng ký xét tuyển vào trường vì đây là ngành đặc thù rất cần sự tâm huyết, yêu nghề; Cần nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tổ chức thi, nhất là việc thông báo kết quả thi cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ