Cần có một cơ quan kiểm soát độc lập về giá bán điện

Cần có một cơ quan kiểm soát độc lập về giá bán điện

(GD&TĐ)-Hiện nay Bộ Công thương vừa là chủ sở hữu đại diện cho Tập đoàn điện lực Việt Nam, vừa là cơ quan có chức năng kiểm soát giá, lại vừa là cơ quan hoạch định các chính sách. Điều này rất dễ có khả năng dẫn tới các xung đột về lợi ích, thiếu khách quan, khó thực hiện chức năng kiểm soát với một thị trường điện chưa thực sự có tính cạnh tranh như hiện tại.

Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng nay (28/5) của Quốc hội, giá bán điện là một trong những lĩnh vực có nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu về dự thảo Luật giá.

Theo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật giá của Thường vụ Quốc hội, vấn đề giá điện dự kiến sẽ được quy định như Chính phủ đề nghị. Nhà nước sẽ chỉ định mức giá cụ thể đối với giá truyền tải, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện vì đây là những khâu đang thuộc độc quyền nhà nước. Trước mắt, Nhà nước sẽ vẫn quy định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện nhưng về lâu dài sẽ áp dụng cạnh tranh theo lộ trình.

Về giá bán lẻ điện, theo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nhà nước cũng sẽ quy định khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, Thủ tướng quy định cơ chế điều chỉnh giá và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, về nội dung này nhiều đại biểu vẫn tỏ ra băn khoăn, lo lắng. Đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) cho rằng: “Khi EVN còn độc quyền thì Nhà nước cần định giá bán cụ thể đối với giá bán lẻ điện. Không nên để doanh nghiệp tự định giá”.

Đ
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) phát biểu ý kiến về kiểm soát giá điện

Làm rõ hơn tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong điều hành giá điện hiện nay, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình) chỉ ra rằng: Hiện nay Bộ Công thương vừa là chủ sở hữu đại diện cho Tập đoàn điện lực Việt Nam, vừa là cơ quan có chức năng kiểm soát giá, lại vừa là cơ quan hoạch định các chính sách. Điều này rất dễ có khả năng dẫn tới các xung đột về lợi ích, thiếu khách quan, khó thực hiện chức năng kiểm soát với một thị trường điện chưa thực sự có tính cạnh tranh như hiện tại. Vì vậy, nếu giá bán lẻ điện không được Nhà nước định giá cụ thể sẽ có khả năng gây thiệt hại cho người sử dụng, nếu không có một cơ quan kiểm soát độc lập.

“Kể cả khi chức năng kiểm soát về giá giao cho Cục điều tiết điện lực như hiện nay thì cũng chưa đảm bảo tính công bằng vì đây vẫn là một cơ quan nằm trong Bộ Công thương. Vì thế, chức năng độc lập giám sát và bảo đảm quyền lợi cho các bên liên quan, đặc biệt là người tiêu dùng chưa được thể hiện rõ” – đại biểu Thanh Hải nói.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, cần xem xét kỹ thêm các quy định về các loại giá điện như giá truyền tải điện, giá dịch vụ, phụ trợ hệ thống điện. Sắp tới, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, nên những nội dung quy định đối với các giá điện trong dự thảo Luật giá sẽ liên quan trực tiếp đến Luật điện lực nên cần phải cân nhắc kỹ. Vì nếu chúng ta thống nhất ở đây thì đương nhiên chúng ta chấp nhận rất nhiều giá đối với các khâu truyền tải, phân phối và phát điện và như vậy thì nguy cơ đẩy giá bán lẻ điện đối với người tiêu dùng sẽ nâng cao.

Theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nhà nước sẽ định giá ở một số khâu:

Nhà nước định mức giá cụ thể đối với: giá truyền tải, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện vì đây là những khâu hiện đang thuộc độc quyền nhà nước.

Đối với các khâu: phát điện, bán buôn điện về lâu dài sẽ áp dụng cạnh tranh theo lộ trình, phù hợp với cơ chế thị trường. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, Nhà nước vẫn quy định khung giá đối với giá phát điện, giá bán buôn điện. Như vậy, các doanh nghiệp được quyền chủ động định giá trong khung, cạnh tranh về giá theo khung đó; bảo đảm có lợi cho người tiêu dùng; tạo chủ động cho doanh nghiệp song Nhà nước vẫn kiểm soát được giá điện.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo, Thừa Thiên - Huế đồng ý với chuyện Nhà nước phải định giá bán lẻ điện, bởi vì chừng nào chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì Nhà nước không thể không có định giá.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo dẫn chứng: Thời gian qua, ngành điện liên tục kiến nghị Chính phủ tăng giá điện và Chính phủ đã có lộ trình tăng giá. Giả sử quy định giá bán lẻ để cho ngành điện thì chắc chắn sẽ có một giá hoàn toàn không có lợi cho người tiêu dùng, rất phức tạp.

Đồng tình với ý kiến của các đại biểu khác, trong điều kiện ngành điện còn do Tập đoàn Điện lực Việt Nam độc quyền hoàn toàn, đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) khẳng định: “Phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, khai thác điện, bán lẻ… Nhà nước phải định giá cụ thể, không để doanh nghiệp tự định giá”.

Trước đó, một số ý kiến cho rằng, để kiểm soát được giá điện, góp phần ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh thì Nhà nước nên định giá cụ thể đối với giá truyền tải điện; giá bán buôn điện; giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện vì đây là những khâu độc quyền nhà nước.

Bên cạnh việc thảo luận về quy định đối với giá điện, nhiều ý kiến tập trung vào các quy định về danh mục hàng bình ổn giá và danh mục hàng hóa do Nhà nước định gián trong dự thảo Luật giá.

Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn gồm xăng, dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng (thay cho khí LPG như dự thảo trước); phân đạm (thay cho phân đạm u-rê như dự thảo trước); vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế quy định.

Như vậy, dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến đại biểu từ kỳ họp trước đã loại khỏi danh mục trên một số mặt hàng như sắt, thép, xi măng; thức ăn hỗn hợp dùng cho chăn nuôi, ghế ngồi cứng đường sắt... Đây là những mặt hàng đều đã có thị trường cạnh tranh hoặc việc loại khỏi danh mục sẽ hạn chế việc doanh nghiệp lách luật để được hưởng bình ổn giá khi thị trường gặp khó (phân u-rê, khí LPG…).

Tuy nhiên, không phải mọi thời điểm đều áp dụng bình ổn đối với mọi mặt hàng có trong danh mục mà "căn cứ vào danh mục, cơ quan có thẩm quyền (được quy định tại Điều 18) chủ động và chỉ lựa chọn hàng hóa, dịch vụ cần thiết phải bình ổn tại những thời điểm có biến động bất thường về giá. Nếu thị trường ổn định thì có thể không áp dụng bình ổn với bất kỳ hàng hóa nào.

Góp ý vào từng mục hàng hóa bình ổn, đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) và Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng cần thay tên mặt hàng “phân đạm” thành “phân bón” để mở rộng đến các loại phân NPK, đạm, lân, kali. Các đại biểu cho rằng nếu giá phân bón tăng cao sẽ tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp.

Nguyễn Sơn
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.