Cần có chuyển động đồng bộ để đổi mới căn bản, toàn diện GD ĐH

Cần có chuyển động đồng bộ để đổi mới căn bản, toàn diện GD ĐH

(GD&TĐ) - Ngày 13/4, tại ĐH Quốc gia TP. HCM đã diễn ra Hội thảo Đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục Đại học (GDĐH). Hội thảo đã tập hợp được nhiều ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà giáo có kinh nghiệm và tâm huyết với GD để góp phần xác định những nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho đổi mới GD, cũng như những vấn đề phải giải quyết và phương hướng giải quyết trong chính sách đối với GDĐH…

Dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, các đơn vị trực thuộc Bộ cùng các nhà khoa học, các nhà giáo nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy, quản lý GDĐH.

Quang cảnh hội thảo
Các đại biểu dự hội thảo

Tìm hướng tạo bước ngoặt cho GDĐH

Tại hội thảo, nhiều ý kiến tâm huyết được các nhà khoa học, nhà giáo đóng góp với mong muốn chung là đề ra những chính sách phù hợp, tạo ra những thay đổi có tính bước ngoặt cho GDĐH phát triển.
Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt- Phó GĐ ĐHQG TP. HCM thì việc đổi mới căn bản và toàn diện GD phải trên quan điểm bối cảnh của GD quốc tế và trên cơ sở nhận thức đúng về hiện trạng trong nước, để có một cái nhìn hệ thống và từ đó giải quyết vấn đề một cách căn bản. Từ một nền kinh tế kế tập trung bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, GD đã không theo kịp nhịp điệu biến chuyển của xã hội và của nền kinh tế và do vậy những bất cập của GD mà chúng ta đang thấy hầu như là không thể tránh khỏi…
GS Huỳnh Như Phương- Trường ĐH KHXH- NV phát biểu ý kiến
GS Huỳnh Như Phương- Trường ĐH KHXH- NV phát biểu ý kiến
Có rất nhiều vấn đề cần quan tâm và chung tay thực hiện mang tính bức thiết như chất lượng đào tạo, quyền tự chủ và tài chính đã được đề cập. Nhiều đại biểu đã đưa ra quan điểm đổi mới GDĐH trước hết là đổi mới cách nhìn nhận, cách suy nghĩ về những vấn đề mang tính bản chất của GDĐH. Từ mục tiêu GD, chiến lược phát triển GD quốc gia đến thực tiễn GD là một chặng đường dài và chính sách GD có vai trò trọng yếu để biến những mục tiêu thành hiện thực. 
Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh - Viện trưởng Viện NCGD, Trường ĐHSP TP. HCM, trong tình hình cụ thể của GDĐH của chúng ta hiện nay, để có chuyển biến thực sự phải bắt đầu từ cấp lãnh đạo, quản lý cao nhất trong nhận thức và các chính sách cụ thể tạo động lực và thông thoáng trong hoạt động đào tạo để phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở đào tạo ĐH. Cần đầu tư cho GDĐH; giao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho những trường có đủ điều kiện; chế độ lương và điều kiện làm việc của giảng viên; tạo một môi trường tự do, sáng tạo cho giảng viên viên trong giảng dạy và nghiên cứu...
“Đổi mới căn bản, toàn diện và triệt để GDĐH là một vấn đề lớn cần nhiều chính sách và biện pháp ở tầm vĩ mô và sự chuyển động thực sự ở tầm vi mô, tạo ra sự chuyển động đồng bộ trong toàn bộ guồng máy đào tạo ĐH nước ta. Sự nghiệp đổi mới rất cần sự quyết tâm cao, kiên trì thực hiện và sự chủ động linh hoạt trong quá trình đổi mới thì mới hy vọng đạt kết quả tốt đẹp...”- PGS. Oanh nhấn mạnh.
Cần những giải pháp cụ thể, dài hơi
Theo PGS.TS Huỳnh Tấn Phát- Nguyên Giám đốc ĐHQG TP. HCM, trong thời kỳ nguồn nhân lực ngày càng có xu hướng dịch chuyển mạnh trong phạm vi toàn cầu. Cần thấy sứ mệnh của GDĐH gắn liền với sự phát sinh những tư tưởng đổi mới, những trào lưu đổi mới, là nơi làm bật lên những ý tưởng đổi mới và góp phần đắc lực vừa dẫn dắt, vừa nuôi dưỡng tư tưởng đổi mới, khát vọng đổi mới theo quy luật vận động của tự nhiên và xã hội. “Nếu xác định như vậy, chúng ta sẽ đổi mới GDĐH gắn chặt với nghiên cứu phát minh, với nhiệm vụ bồi dưỡng nhân tài. Chúng ta cần quan tâm bổ sung một trọng điểm chưa được nhấn mạnh đầy đủ đó là việc nhận rõ vai trò, sứ mệnh, vị trí GDĐH trong thời kỳ nguồn nhân lực dịch chuyển toàn cầu và GD không ngừng đổi mới trong phạm vi quốc tế...”.  
Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Giao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. HCM, phải nghiên cứu một cách khoa học thực trạng GDĐH hiện nay, thực trạng các trường hiện nay, thực trạng quản lý của Bộ GD-ĐT hiện nay, thông qua điều tra cụ thể. Không nói định tính mà phải cụ thể, định lượng,… So sánh với các nước cùng hoàn cảnh, khảo sát khách quan kết hợp lắng nghe ý kiến các bậc lão thành trong nghề. Đây là giai đoạn “chẩn bệnh” trước khi bước vào “trị bệnh”.
Bên cạnh đó xây dựng hệ thống ĐH nghiên cứu, lâu nay hai hệ thống ĐH và Viện nghiên cứu tách rời nhau, làm cho cả hai cùng không phát huy hết tác dụng. Có như thế hệ thống ĐH nghiên cứu mới đủ sức sản sinh một xã hội trí thức, một môi trường khoa học, từ đây tạo ra được tầng lớp tinh hoa. “Ngoài ra còn chính sách đối với người làm công tác GD (phổ thông hay ĐH). Chừng nào thầy cô giáo còn phải bươn chải kiếm sống thì GD khó mà cất cánh được…” - GS.TS Nguyễn Ngọc Giao nhận định.
Theo GS Huỳnh Như Phương - Trường ĐHKHXH&NV TP. HCM, muốn đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH, cần phải có một kế hoạch tổng thể, được chuẩn bị lâu dài, từ đường hướng GD, sứ mệnh của nhà trường, hệ thống nhân sự, chiến lược xây dựng đội ngũ nhà giáo, cơ chế tài chính…
GS Phương đề xuất cần đổi mới trong việc tuyển chọn và bổ nhiệm nhân sự vào hệ thống GDĐH, bao gồm cả những người giảng dạy lẫn những người làm công tác quản trị ĐH. Tiếp theo là khuyến khích việc thành lập các trường CĐ và trung cấp dạy nghề. Trước mắt tạm ngưng cho thành lập các trường ĐH, cả công lập lẫn dân lập và tư thục. Cuối cùng là kiểm định chất lượng và thanh tra GD phải là công cụ thực chất để tác động đến các mặt hoạt động của GDĐH…
Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng Bộ GD& ĐT Bùi Văn Ga phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Thứ trưởng cho biết, thời gian qua Bộ GD&ĐT kết hợp cùng các trường đã tổ chức nhiều hội thảo để lấy ý kiến, góp ý về đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH. Từ các ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, nhà giáo sẽ được ghi nhận để tập hợp, nghiên cứu và đưa vào chương trình hành động…

Thứ trưởng Bùi Văn Ga bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự đóng góp của các nhà khoa học, nhà giáo cho dự thảo Luật GDĐH, đóng góp cho chương trình đổi mới căn bản, toàn diện GD của Bộ GD&ĐT và chiến lược phát triển GD của nước nhà…

Nguyễn Quốc Ngữ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ