Cần có cái nhìn khác về quan niệm "con ngoan, trò giỏi"

Cần có cái nhìn khác về quan niệm "con ngoan, trò giỏi"

Xã hội thay đổi, hoạt động giáo dục và học tập không thể chỉ giới hạn trong 4 bức tường của lớp học hay 8 tiếng mà cô trò tiếp xúc với nhau trên lớp. Hoạt động giáo dục hiện phải kết nối với cuộc sống, hình thành các năng lực để các em hoạt động có hiệu quả trong cuộc sống. Khẳng định điều này, PGS Trần Thành Nam cho rằng: những quan điểm truyền thống về "con ngoan, trò giỏi" có thể không còn phù hợp.

"Chúng ta sẽ không thể quan niệm một giáo viên dạy giỏi đồng nghĩa với việc giáo viên biết thiết lập một hệ thống kỷ luật lớp học chặt chẽ và nghiêm khắc để xử lý mọi hành vi không đúng với mong đợi của cô. Không thể cho rằng một lớp học tốt là một lớp học hoàn toàn trật tự và người học luôn chăm chú lắng nghe, thực hiện ngay theo hướng dẫn của giáo viên".

Chia sẻ điều này, theo PGS Trần Thành Nam, hoạt động giáo dục phải hướng tới thúc đẩy, kiến tạo một môi trường tích cực tạo thuận lợi cho việc học tập của học sinh.

Giáo dục không còn chỉ là truyền thụ kiến thức mà chủ yếu là làm thay đổi hoặc phát triển các quan niệm của người học, qua đó người học kiến tạo kiến thức mới đồng thời phát triển trí tuệ và nhân cách của mình nên sẽ không thể áp đặt quá nhiều kỷ luật khắc nghiệt được.

Một lớp học tích cực và hiệu quả theo quan điểm phát triển năng lực sẽ có nhiều tiếng ồn do các em phải hoạt động, trao đổi, đóng vai, làm việc nhóm, đặt câu hỏi hay tiến hành các thực nghiệm để khám phá kiến thức, luyện tập kỹ năng và rút ra các quy luật để áp dụng vào các tình huống cuộc sống.

Để thúc đẩy tư duy phản biện và tính sáng tạo của người học, không thể kỳ vọng mọi việc trong lớp đều diễn ra theo mong muốn của cô, làm theo ngay những hướng dẫn của giáo viên mà phải chờ đợi những ý kiến trái chiều, những phản biện gây tranh cãi từ người học.

Cần có cái nhìn khác về quan niệm "con ngoan, trò giỏi" ảnh 1
PGS Trần Thành Nam.

Trong tình hình đó, những bài học truyền cảm hứng của giáo viên vẫn là yếu tố quan trọng không thể thiếu nhưng người thầy sẽ phải đổi mới phương pháp giảng dạy. Dạy bằng cách kể phải chuyển sang dạy bằng cách hỏi. Dạy học phải dựa trên các hoạt động định hướng giải quyết vấn đề thực tế.

Việc dạy học phải dần chuyển giao cho cá nhân người học gánh nặng của việc tự học; vì vậy trong quá trình giáo dục người giáo viên cần tạo điều kiện và khuyến khích người học chủ động lựa chọn phong cách, nội dung học tập cũng như tự chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc học.

"Việc đánh giá hiệu quả học tập vì thế cũng cần thay đổi căn bản và toàn diện" - PGS Trần Thành Nam nhấn mạnh và làm rõ: Trước đây, chỉ đánh giá định lượng qua điểm số cuối mỗi kỳ học, người đánh giá duy nhất là giáo viên. Nhưng trong bối cảnh mới, phải kết hợp giữa đánh giá định lượng qua điểm số và đánh giá định tính qua việc quan sát hành vi, kết quả hoạt động.

Không chỉ tập trung vào đánh giá đầu ra cuối mỗi kỳ học mà coi trọng sự tiến bộ trong toàn quá trình (coi trọng đánh giá quá trình). Đối tượng đánh giá không chỉ từ một nguồn duy nhất (giáo viên) mà phải mở rộng ra thành đánh giá 360 bộ với sự tham gia của giáo viên, phụ huynh, bạn bè đồng trang lứa và tự đánh giá. Trong đó, tự đánh giá là một kỹ năng cốt yếu để giúp người học tự học và tự chịu trách nhiệm về việc học của mình.

"Để xây dựng được thói quen tự đánh giá ở học sinh, giáo viên nên áp dụng chủ trương "không qui trách nhiệm" đối với các sai sót, coi lỗi lầm là cái tất yếu và là một cơ hội để học hỏi.

Người học cần được phép tự trình bày sự đánh giá một khi họ đã sẵn sàng hơn là vào một thời điểm định sẵn (bởi giáo viên), và họ cần được sử dụng thời gian để cải tiến công việc của mình nếu họ chưa đạt tiêu chuẩn của việc đánh giá.

Khi thực hiện tự đánh giá, các em cần được giáo viên trao cơ hội để bày tỏ tính cách cá nhân và được các bạn khác tôn trọng khi trình bày những thu hoạch của mình" – PGS Trần Thành Nam nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ