Muốn hình thành kiến thức cụ thể cho học sinh, giáo viên phải có một phương pháp cụ thể hay con đường riêng phù hợp. Với quan điểm trên, thạc sĩ Trịnh Thị Bạch Tuyết - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã đưa ra thủ pháp đồ thị hàm số với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin trong việc giúp học sinh phát hiện và hình thành cách giải các bài toán cụ thể.
4 bước tiến hành thủ pháp đồ thị hàm số
Thạc sĩ Trịnh Thị Bạch Tuyết cho biết: Thủ pháp sử dụng đồ thị hàm số là quá trình suy nghĩ phân tích và giải thích thông tin, hướng đến việc làm rõ mối quan hệ của các thông tin thông qua đồ thị hàm số hoặc hoạt động cụ thể dẫn đến việc thiết lập mối quan hệ giữa các thông tin dựa vào đồ thị hàm số.
Thủ pháp này gồm 4 bước: Tìm hiểu vấn đề và trình bày vấn đề dưới dạng hoàn chỉnh nhất; lựa chọn các yếu tố cần thiết để minh họa bằng đồ thị; quan sát đồ thị, nhận xét mối quan hệ giữa các yếu tố trên đồ thị; tìm ra hướng giải quyết vấn đề.
Trong dạy học, điều kiện để thủ pháp này có thể phát huy tốt tác dụng là giáo viên cần đặc biệt chú ý việc rèn luyện học sinh năng lực quan sát - đó là khả năng tri giác nhanh chóng và chính xác những điểm quan trọng, chủ yếu và đặc sắc của sự vật, hiện tượng, cho dù những đặc điểm đó khó nhận thấy hoặc có vẻ là thứ yếu.
Quan sát đồ thị hàm số là một điều kiện quan trọng định hướng các hoạt động giải quyết vấn đề. Những hình ảnh của đồ thị mà học sinh tri giác thực hiện chức năng tìm ra các yếu tố mấu chốt, cơ bản. “Nghiên cứu thủ pháp này có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn dạy học giải tích” - Thạc sĩ Trịnh Thị Bạch Tuyết nhấn mạnh.
Để học sinh có thể vận dụng tốt thủ pháp này trong giải toán, theo Thạc sĩ Trịnh Thị Bạch Tuyết, các em phải nắm được quy trình tìm lời giải cho một bài toán mà trong đó thủ pháp đồ thị hàm số được vận dụng. Quy trình này gồm các bước:
Bước 1 - Tìm hiểu nội dung bài toán: Xác định, giải thích các thông tin chung trong bài toán và biểu thị các thông tin chứa đựng yếu tố đồ thị thông qua đồ thị; phát triển mô hình của bài toán.
Bước 2 - Tìm cách giải bài toán: Đưa ra yếu tố giả định cho bài toán; kết nối thông tin, quan sát, phân tích đồ thị để tìm chiến lược giải toán phù hợp.
Bước 3 - Thực hiện giải toán: Lập kế hoạch, thực hiện giải toán.
Bước 4 - Nghiên cứu sâu bài toán: Sử dụng đồ thị để tìm giải pháp khác, thay đổi điều kiện, mở rộng bài toán.
Khai thác lợi thế từ các phần mềm Toán học
Thạc sĩ Trịnh Thị Bạch Tuyết cho rằng, có thể khai thác và sử dụng các phần mềm như Graph, Geometer"s Sketchatchpad... vào dạy học giải dạng toán theo hướng sử dụng đồ thị hàm số. Trong thủ pháp đồ thị bằng cách sử dụng phần mềm để xác định, minh họa, giải thích và thiết kế cấu trúc của các thông tin trong bài toán thông qua đồ thị hàm số, học sinh kết nối thông tin và quan sát đồ thị hàm số để tìm tòi, phát hiện ra những điểm hữu ích, những cách giải quyết vấn đề.
“Thủ pháp đồ thị hàm số được thực hiện với sự hỗ trợ của công cụ là các phần mềm vẽ đồ thị trong dạy giải bài tập toán đem lại nhiều ý nghĩa. Không những nó tạo ra một công cụ thích hợp giúp học sinh phát hiện ra mối liên hệ giữa các yếu tố đã cho và yêu cầu để vạch ra phương hướng giải bài toán và hình thành nên phương pháp giải bài toán mà còn có tác dụng gây hứng thú cho học sinh trong học tập. Qua đó, học sinh rèn luyện được năng lực quan sát Toán học, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, hình thành và phát triển khả năng phán đoán, phân tích” - Thạc sĩ Trịnh Thị Bạch Tuyết nhận định.
Muốn cho học sinh biết cách giải một bài toán như thế nào, giáo viên phải hình thành cho học sinh một quy trình chung, một phương pháp tổng quát để tìm lời giải cho bài toán”.
ThS Trịnh Thị Bạch Tuyết