Cán bộ quản lý tiên phong trong đổi mới giáo dục

Năng lực cán bộ quản lý đóng vai trò quan trọng trong đổi mới giáo dục
Năng lực cán bộ quản lý đóng vai trò quan trọng trong đổi mới giáo dục

Vai trò của cán bộ quản lý trong đổi mới GD

Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước quan tâm và triển khai tích cực, kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn với việc vận dụng sáng tạo tri thức hiện đại vào công tác quản lý để triển khai quản lý các hoạt động trong trường phổ thông nhằm đào tạo những học sinh tự chủ, năng động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Trong những năm tiếp theo, các trường phổ thông sẽ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã được ban hành thì vai trò và trách nhiệm của cán bộ quản lý lại càng quan trọng. Chính vì vậy, chương trình và nội dung bồi dưỡng cán bộ quản lý cần được chú trọng hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý ngày càng cao của đổi mới giáo dục theo hướng hội nhập.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có giáo dục. Những tác động ấy đã đặt ra những vai trò mới đối với giáo dục nói chung và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nói riêng.

Theo TS Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Phó trưởng Khoa Quản lý, Học viện Quản lý Giáo dục, nền giáo dục trong bối cảnh hiện đại cần được đổi mới theo hướng lấy người học làm trung tâm và ưu tiên phát triển các phương tiện công nghệ hỗ trợ giảng dạy.

Để thực hiện thành công sự đổi mới đó, các nhà quản lý giáo dục phải là những người đi tiên phong, phá mọi rào cản trong tư duy để lôi cuốn được sự tham gia của đông đảo các lực lượng trong xã hội. Điều đó đòi hỏi các nhà quản lý giáo dục phải có những phẩm chất và năng lực nhất định, trong đó năng lực thích ứng với thay đổi trên nền tảng của tư duy phản biện và trí tuệ cảm xúc là rất quan trọng.

Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường

Cán bộ quản lý có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển toàn diện giáo dục, giúp cho hoạt động của nhà trường đi vào kỷ cương, nền nếp và ổn định, góp phần vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Nâng cao chất đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của công cuộc đổi mới GD-ĐT hiện nay.

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thúy Hằng, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục, trong trường phổ thông, một nội dung bồi dưỡng không thể thiếu là xây dựng mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các tổ chức giáo dục để phát triển các hoạt động của nhà trường, coi đó là cơ hội cũng như thách thức giúp nhà trường có chiến lược cụ thể để thực hiện kế hoạch đã được xây dựng.

Trước yêu cầu đổi mới đặt ra đối với công tác tập huấn, bồi dưỡng GV, trong những năm gần đây, Vụ Giáo dục Trung học, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đã phối hợp với Trường ĐHSP Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất Học liệu làm đầu mối đã tổ chức nhiều khóa tập huấn, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, GV trong cả nước theo hình thức qua mạng. Hiệu quả được khẳng định ở cả bề rộng, quy mô, chiều sâu và chất lượng sau đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có nhiều nét mới và đột phá. 

Một trong những biện pháp đổi mới hoạt động bồi dưỡng cán bộ quản lý GD phổ thông là giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường phổ thông có điều kiện thuận lợi về các yếu tố chính trị, kinh tế và văn hóa để chủ động trong việc thực hiện các hoạt động dạy học và giáo dục của trường, thể hiện trách nhiệm của nhà trường với gia đình và xã hội.

Đưa nội dung bồi dưỡng liên quan đến cam kết về chất lượng giáo dục của trường tương ứng với các điều kiện hiện có và được định kỳ đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn, tiêu chí và chỉ số đánh giá đã ban hành, giúp cho các trường biết được những điểm mạnh cần phát huy, những tồn tại cần có hướng khắc phục đảm bảo chất lượng quy định.

Bên cạnh đó, thực hiện các chuyên đề liên quan đến tăng cường và phát huy nguồn lực để sử dụng hiệu quả các yêu cầu về cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động phù hợp với các điều kiện hiện có của các trường phổ thông.

Định hướng nội dung liên quan đến hội nhập quốc tế trong các trường phổ thông có điều kiện thuận lợi bằng các hoạt động xã hội hóa giáo dục nhằm nâng cao chất lượng GD toàn diện của học sinh tiệm cận với khu vực và dần theo kịp các nước phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ