ĐB Nguyễn Thị Nhung (Khánh Hòa) cho rằng dự thảo luật không đặt ra nguyên tắc đặt tên cho con sẽ gây khó khăn cho cán bộ hộ tịch.
Sáng 28/10, Quốc hội (QH) đã dành thời gian thảo luận những nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật hộ tịch.
Đi vào phân tích một số vướng mắc cụ thể, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Nhung (Khánh Hòa) cho rằng dự thảo luật không đặt ra nguyên tắc đặt tên cho con sẽ làm khó khăn cho cán bộ hộ tịch. Cán bộ ở cơ sở sẽ bất lực khi thuyết phục cha mẹ đặt tên cho con thuần Việt.
“Ví dụ như đặt tên xấu cho con như: Đinh Sâu Rum, Cao Ki A; tên xấu, tên mất thẩm mỹ gây mặc cảm như Lê Văn Hận, Nguyễn Văn Lì; tên quá dài gây phức tạp như Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Tâm Nhân. Đây là một cái tên rất là dài của Việt Nam gây khó khăn khi làm các thủ tục” - ĐB đến từ Khánh Hòa dẫn chứng.
Mặt khác, ĐB Nhung phân tích thêm, cần có nguyên tắc đặt tên và xác định họ cho phù hợp với phong tục, tập quán lâu nay. Tránh tình trạng vì mong muốn của bố mẹ mà họ và dân tộc của con không phù hợp với phong tục, tập quán. Ví dụ, cha mẹ là người dân tộc Đắc Rlay nhưng lại lấy họ Nguyễn đặt cho con làm phát sinh họ mới dẫn đến phải cải chính hộ tịch.
Nếu không quy định nguyên tắc đặt tên và họ sẽ làm phát sinh họ mới gây nhầm lẫn, trái phong tục tập quán lâu nay. Đây là vướng mắc mà ĐB QH đã nhiều lần ý kiến.
Cũng trong buổi thảo luận sáng nay, hầu hết các ĐB đều đồng ý với quan điểm tiếp tục giữ lại giấy khai sinh vì cho rằng nó cần thiết và phù hợp với công ước quốc tế về quyền trẻ em.
ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) phân tích giấy khai sinh cần thiết vì nó làm căn cứ pháp lý cho các văn bản tiếp theo, là văn bản pháp lý cho các thủ tục tiếp theo và là văn bản pháp lý đầu tiên do nhà nước cấp cho công dân để ghi nhận pháp lý việc ra đời của công dân và làm căn cứ trong việc cấp giấy tờ khác trong quản lý nhà nước.
Đồng tình việc giữ giấy khai sinh, ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) đề xuất việc cấp thẻ căn cước nên cấp cho trẻ từ trên 14 tuổi trở lên. Số thẻ khi cấp giấy khai sinh cũng đồng thời là số trên thẻ căn cước khai sinh.
ĐB Pờ Hồng Vân (Lai Châu) đề nghị bổ sung quy định trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi thì UBND cấp xã nơi tiếp nhận có thẩm quyền đăng ký khai sinh và làm khai sinh cho trẻ em.
“Hiện nay việc đăng ký khai sinh ở vùng sâu, vùng xa còn chưa tốt. Đến khi đi học mới phát hiện ra nhiều trẻ em chưa được khai sinh, không nhớ nổi ngày sinh của con em mình” - ĐB Pờ Hồng Vân phản ánh.
Qua giám sát và thực tế quan sát, ĐB Huỳnh Sang (Bình Phước) dành nhiều thời gian nói về khó khăn của trẻ em trong khai sinh. “Ở những vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, việc đăng ký gặp nhiều khó khăn.
Có nhiều em khi đến tuổi đi học thì không có giấy khai sinh. Việc này gây khó khăn cho nhà trường, giáo viên vì phải vừa lo quản lý, vừa dạy tiếng phổ thông vừa làm đăng ký khai sinh cho các em.
Đề nghị cần có quy định riêng về thời hạn đăng ký khai sinh cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn…” - ĐB này trình bày.
Mặt khác, ĐB Huỳnh Sang cũng ủng hộ không nên cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi với lý do: “Người dưới 14 tuổi thay đổi rất nhanh về nhân dạng. Ngân sách Nhà nước và người dân bỏ ra số tiền không nhỏ cho toàn bộ 21 triệu công dân trong khi thẻ căn cước này chủ yếu là cất giữ chứ không giao dịch trong cuộc sống”.