(GD&TĐ) - Mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ Dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Dự thảo cũng bao gồm những quy định cụ thể những ưu tiên cho đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số… Đây được đánh giá là việc làm cần thiết để đưa đề án đào tạo nghề sát hơn với thực tiễn.
Kết quả còn khiêm tốn
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH từ năm 2010 đến nay, đã có 848.574 lao động khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số đã được đào tao nghề. Một số địa phương khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số đã chủ động bố trí ngân sách và huy động các nguồn lực khác bằng và cao hơn so với nguồn ngân sách Trung ương để hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn, triển khai đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm, gắn với xây dựng nông thôn mới. Điển hình như: Bắc Giang đối với sản phẩm gà đồi Yên Thế; Bắc Kạn với cây dong riềng và các sản phẩm miến dong…
Tuy nhiên, còn một số địa phương khu vực nông thôn vùng dân tộc thiểu số chưa thực sự quan tâm đến việc hỗ trợ lao động nông thôn sau học nghề, đặc biệt là vốn và thị trường đầu ra cho sản phẩm do người dân tạo ra, nên hiệu quả dạy nghề đối với lao động nông thôn chưa cao. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan cho rằng: Do không được phân công triển khai thực hiện nên việc xác định nhu cầu đào tạo tại vùng dân tộc miền núi còn hạn chế, chưa sát với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động dẫn đến học xong khó khăn trong tìm việc làm… đến nay vẫn còn một bộ phận lao động nông thôn vùng dân tộc miền núi chưa biết có chính sách hỗ trợ học nghề hoặc biết nhưng không hiểu rõ chính sách, dẫn tới tình trạng đi học không gắn với nhu cầu, học cho có.
Đồng bào dân tộc thiểu số cần được ưu tiên hỗ trợ học nghề |
Thu hút và khuyến khích
Có nhiều lý do khiến đồng bào chưa mặn mà với đào tạo nghề như thiếu sự đồng bộ trong tổ chức thực hiện, mạng lưới dạy nghề còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất, thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tư vấn, hướng nghiệp học nghề chưa phù hợp với điều kiện, khả năng của người dân và nhu cầu của xã hội…
Những bất cập về đào tạo nghề ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thể nói đến một số nghề mà học viên có nhu cầu thật sự lại không có trong danh mục đào tạo nghề, từ đó dẫn đến tình trạng thừa mà thiếu lao động ở một số địa phương. Trong khi có khá nhiều người dân biết rằng đi học nghề được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí học tập, nhưng họ vẫn không mặn mà, vì từ bản làng xa xôi ra trung tâm huyện để học 2 năm trung cấp, mấy tháng sơ cấp cũng phải có tiền ăn ở, đi lại. Mỗi tháng dù tằn tiện hết mức cũng khoảng 600 – 700 ngàn đồng. Đối với các gia đình ở vùng sâu, vùng xa, khoản chi phí này vẫn vượt quá khả năng chi trả của họ.
Để thu hút đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia học nghề, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho rằng: Đào tạo nghề cho bà con dân tộc phải theo đặc thù, truyền thống của các dân tộc...Cần có chương trình đào tạo nghề dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc và người dân tộc thiểu số. Xây dựng chính sách thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp nên tổ chức sản xuất, phối hợp với nông dân sử dụng nguồn lực của địa phương, tạo công ăn việc làm cho người nông dân. |
Anh Quang