Cảm phục người mẹ nghèo bán "Rau đắng" nuôi 4 con học đại học

Cảm phục người mẹ nghèo bán "Rau đắng" nuôi 4 con học đại học

(GD&TĐ) - Có một người phụ nữ nghèo bán “rau đắng” một mình nuôi 4 con học đại học đã trở thành tấm gương sáng ở một xã vùng biển bãi ngang. Từ đầu xã đến cuối xã ai ai cũng biết chị. Bởi lẽ, không chỉ nhà chị có 4 đứa con học đại học mà để nuôi được các con chị đã trải qua bao cực khổ, nhọc nhằn, đặc biệt, phải đi bán “rau đắng” hàng ngày. Và cái biệt danh “Sự rau đắng” cũng hình thành từ đó.

Chị tên đầy đủ là Trần Thị Sự ở thôn 5 xã Gio Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Sau ngày chồng mất, bao vất vả, nhọc nhằn về cơm áo, gạo tiền để nuôi 4 đứa con học đại học đều đè nặng trên đôi vai của chị. 

Năm nay đã gần 60 tuổi nhưng nhìn chị già hơn tuổi rất nhiều vì cuộc sống nhiều lam lũ. Người phụ nữ da đen sạm, dáng gầy guộc, liêu xiêu và vẻ khắc khổ luôn hiện trên khuôn mặt của chị. Gặp chị đang trên đường trở về nhà sau buổi chợ. 

chi Su dam minh duoi nươc cat rau dang de cho kip buoi cho. jpg.JPG
Chị Sự dầm mình dưới nước cắt rau đắng để cho kịp buổi chợ

Chị vội kê lại cái bàn pha ấm nước để tiếp chuyện chúng tôi. Nhìn vào khuôn mặt chị chúng tôi hiểu được nổi khổ mà chị đang phải vượt qua. Chị tâm sự, vợ chồng chị lấy nhau rồi có 4 mặt con, nhưng do chồng thường xuyên đau yếu nên công việc trong nhà một mình chị gánh vác.

Năm 2008 chồng chị lâm bệnh nặng và mất sau đó không lâu. Thế là, sau ngày chồng mất chị lại vất vả ngược xuôi để kiếm tiền nuôi các con. Từ năm 2008 đến nay sáng nào cũng phải đi bán rau đắng kiếm tiền nuôi các con ăn học. Mỗi sáng chị kiếm được 30.000đ đến 50.000đ. Chị chắt chiu gom góp từng đồng rồi vay mượn thêm để đến tháng lại gửi tiền cho các con. Ở vùng đất nghèo nhưng hiếu học Gio Hải này, hình ảnh ngừời mẹ tảo tần sớm hôm của chị được coi là tấm gương vượt lên hoàn cảnh bằng ý chí và nghị lực phi thường. 

Nhận xét về chị, Ông Trần Xuân Phong, Trưởng thôn, Chi hội trưởng Hội khuyến học của thôn 5 cho biết: “Chị Sự là người có ý chí và nghị lực phi thường nhất ở thôn này. Một mình vất vả là thế nhưng vẫn cố gắng nuôi 4 đứa con học đại học”.

Một ngày làm việc của chị bắt đầu từ rất sớm. 4h sáng dậy chất rau lên xe, đạp xe hàng chục cây số để bán, trưa lại tất tả về lo cơm nước. Chiều đi làm thuê, chập choạng tối lại ra ruộng cắt rau. Cứ thế, cuộc sống của chị không hề có thời gian cho riêng mình. Lúc nào chị tất bật với nỗi lo cơm áo gạo tiền cho con cái.

Hiểu được hoàn cảnh của gia đình mình và đáp lại công lao trời biển của mẹ, các con của chị đều học giỏi chăm ngoan và lần lượt vào đại học. Năm 2005 đứa con trai đầu của chị đổ vào trường đại học KHXH&NV TP.HCM. Hai năm sau đứa con con gái thứ hai của chị cũng đổ vào đại học Phú Xuân Huế, Năm 2009 con trai thứ ba của chị đổ vào đại học sư phạm Huế và năm 2012 con trai út của chị đã đổ vào đại học Huế.

Thế là 4 đứa con của chị đứa sau noi gương đứa trước lần lượt vào đại học. Các con vào đại học niềm vui sướng, tự hào của người làm mẹ. Tuy nhiên, niềm vui sướng tự hào bao nhiêu thì cũng đồng nghĩa với gánh nặng trên đôi vai của chị càng nặng trĩu bấy nhiêu.

Ở xã vùng biển người ta trông chờ thu nhập chính từ biển, từ những người chồng, người cha là lao động chính trong gia đình. Nhưng với chị, một người phụ nữ “chân yếu tay mềm” lại đã qua cái tuổi sung sức, không có ruộng để sản xuất thật sự là một điều quá sức.

Vì thế, để có mỗi tháng gần chục triệu gửi cho 4 đứa con đang theo học đại học nên bao nhiêu tài sản có giá trị trong nhà chị lần lượt “đội nón ra đi”. Chị tâm sự: “có những lúc đói muốn ăn tô bún, tô cháo nhưng cũng phải nhịn để giành dụm thêm chút tiền gửi cho các con. Mình ở nhà đói còn có khoai sắn mà ăn, chứ các con ở xa nhà cái gì cũng phải mua nên phải có tiền”.

mac du vat ca nhung chi Tran Thi Su van no nu cuoi tuoi voi niem tin o tuong lai.jpg (1).JPG
Mặc dù vất vả nhưng chị Sự vẫn nở nụ cười tươi với niềm tin ở tương lai

Những năm gần đây sức khỏe của chị ngày càng giảm sút, thời tiết không thuận lợi, hoa màu mất mùa chị không biết xoay đâu ra tiền để nuôi các con. Nỗi lo lại càng đè nặng trên đôi vai gầy guộc của chị. Vất vả bao nhiêu thì quyết tâm của chị lại tăng lên bấy nhiêu. Mặc dù sức khỏe ngày càng giảm sút nhưng bằng mọi giá chị vẫn quyết tâm cho các con ăn học nên người.

Vì thế, sau mỗi buổi chợ ai thuê gì chị cũng làm. Từ cắt lúa thuê, phụ hồ, khuân vác… chị đều làm tất, miễn sao có tiền gửi cho các con. Để có tiền trang trải cuộc sống chị phải thức khuya dậy sớm để bán rau nhưng cũng chỉ kiếm được 30.000 đến 50.000 đồng/ngày. Có những lúc ốm đau phải nghỉ ở nhà nhưng ngồi nhà chị lại không yên tâm. Chị cứ suy nghĩ mình mà ở nhà thì làm gì có tiền để gửi hàng tháng cho các con. Thế là, quân năm, suốt tháng chiếc xe đạp của chị không bao giờ ngừng nghỉ. Nó cùng chị có mặt trên mọi ngã đường. Có những lúc chị nhin đói đạp xe hàng chục cây số để cắt lúa thuê, phụ hồ, tối lại đạp xe về nhà. 

Với sự cố gắng và nổ lực phi thường của chị, sự chăm ngoan của các con nên gia đình chị nhiều năm đạt danh hiệu Gia đình hiếu học của xã. Năm nào gia đình chị cũng được vinh danh là gia đình tiêu biểu, hiếu học của thôn của xã. Được hội khuyến học xã và huỵên tặng giấy khen, bằng khen. Chị luôn động viên các con phải lo học mới thoát khỏi cảnh lam lũ cơ cực như mẹ. Chị thường dặn dò các con rằng: “Mẹ đã một đời khổ cực mong các con sẽ có cuộc sống khá hơn. Các con thương mẹ thì phải cố mà học”.

Dù giờ đây, đứa con đầu và thứ hai của chị đã học xong nhưng vẫn còn hai đứa đang học, chiếc xe đạp của chị vẫn chưa được nghỉ, món nợ của những năm tháng các con đi học giờ đây đã ngót nghét cả trăm triệu.

Chị chia sẽ: “Nhiều khi nhìn món nợ tôi chỉ biết khóc một mình, nhưng rồi tự nhủ, mình một đời vất vả cố chịu khổ thêm vài năm nữa để cho hai đứa sau ra trường ổn định công việc thì mới yên tâm. Còn người còn của, miễn sao các con không thua thiệt với bạn bè”. Chị vừa nói vừa lau vội hàng nước mắt đang lăn dài trên đôi má gầy đen sạm.

Mặt trời sắp lặn nhưng chị vẫn vội ra nương cắt mớ rau đắng để ngày mai kịp buổi chợ. Nhìn chị vất vả, nhọc nhằn, nhưng trong ánh mắt chị là niềm tự hào, niềm tin ở tương lai, tin vào sự trưởng thành và khôn lớn của các con.

Trần Văn Toàn