Được trả tự do vào đầu tháng 9 năm ngoái, Hà Tân đã tìm được công việc làm là quản lý cho một quán bar tại Dầu Giây, Đồng Nai. Mỗi Chủ nhật, chị Nguyễn Thị Kim Quyên, vợ của anh, lại đón xe từ Sài Gòn lên Đồng Nai thăm chồng. Họ là nhân vật chính của một câu chuyện tình kỳ lạ gắn với bản án chấn động giới giải trí và dư luận một thời.
Dành trọn tuổi xuân cho người mang án chung thân
15 năm trước, Nguyễn Hà Tân yêu người mẫu Đào Thục Anh (con gái của đạo diễn điện ảnh Đào Bá Sơn) khi cả hai cùng làm người mẫu của Trung tâm IDECAF. Họ đã tính đến hôn nhân thì gia đình Thục Anh đổi ý và cô cũng chủ động chia tay chàng người mẫu này.
Một buổi trưa giữa tháng ba, trong cơn cuồng hận vì tình yêu bị từ chối, Tân dùng dao Thái Lan đâm ba nhát vào người Đào Thục Anh khiến cô bị thủng tim, chảy máu trong lồng ngực đến chết. Còn Hà Tân cũng tự dùng dao đâm nhiều nhát vào người mình tự sát nhưng anh đã được cứu sống. Vụ án kinh hoàng này đã gây chấn động dư luận cả nước trong một thời gian dài. Tòa tuyên Nguyễn Hà Tân án chung thân.
Nguyễn Thị Kim Quyên vốn là học trò của Hà Tân tại lớp người mẫu của quận Bình Thạnh, đã thầm yêu anh từ cái nhìn đầu tiên. Khi ấy cô mới 19 tuổi. Đọc báo hay tin Hà Tân gặp chuyện dữ, cô đều đặn viết thư thăm anh. Đến năm 2002, cô đã xin gia đình Tân cho cô được vào thăm Tân.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Kim Quyên thuyết phục gia đình đồng ý cho cô yêu và cưới Hà Tân. Đám cưới của họ được tổ chức đơn sơ tại phòng thăm phạm nhân ở Phân trại I, Trại giam Z30A. Một đám cưới khác được tổ chức tại nhà hàng, ra mắt gia đình hai bên nhưng chú rể lại là Hà Tiến, đóng giả anh mình để gia đình Kim Quyên không phải khó xử trước bà con dòng họ.
Cuối năm 2003, vợ chồng Hà Tân và Kim Quyên có bé gái Hồng Ân, đến năm 2006 họ có thêm con trai tên Khánh Toàn. Tất cả đều nhờ sự cảm thông của cán bộ Trại giam Z30A cho họ có được cơ hội gần gũi nhau tại “căn phòng hạnh phúc” của trại giam.
Sáu ngàn đêm chờ đợi
Do công việc ở quán bar thường kết thúc vào tận 2-3 giờ sáng nên Hà Tân thường thức dậy muộn. Riêng Chủ nhật thì khác, dù tối qua ngủ muộn đến thế nào, mệt đến thế nào, bao giờ anh cũng dậy từ rất sớm để đón vợ.
Mặt tươi rói, Hà Tân chạy xe máy ra quốc lộ chở vợ vào căn nhà trọ anh đang ở nằm trong con hẻm cách quán bar anh làm việc chỉ mấy dãy phố. Ở người đàn ông này, dấu vết người mẫu vẫn phảng phất ở cái dáng dong dỏng cao, đôi mắt sáng, cặp lông mày rậm và đường sóng mũi thẳng tắp. Chỉ có khác ở nét hằn ưu tư trên gương mặt góc cạnh nam tính và những vết chai trong lòng bàn tay.
Một năm làm người tự do, hòa nhập lại với xã hội, Hà Tân nói anh vẫn còn mang cảm giác chông chênh. Chông chênh bởi ngày về của anh thật chẳng giống ai, đó là anh đột ngột trở thành chồng, rồi làm cha của hai đứa con đã lớn phổng phao.
Hà Tân phải đối diện với thực tế bây giờ là trụ cột của cha mẹ già và vợ con đùm đề, trong khi anh tay trắng mà tuổi tác thì đã ở con dốc 40. Bố mẹ của Hà Tân, sau lần sẩy đứa con trai mà ngày thường đến con kiến cũng không dám giết lại đường đột gây án tày trời, luôn muốn bảo bọc anh trong vòng tay an toàn của gia đình.
Nhưng anh vẫn quyết định rời nhà để thoát khỏi nỗi mặc cảm ăn bám bố mẹ, để làm chủ cuộc đời mình, tạo lập tiền đề nhằm sớm có thể lo toan cho gia đình bằng chính mồ hôi nước mắt của mình ngay khi có người tin tưởng giao việc cho anh.
15 năm trong tù, dù muốn dù không nó đã trở thành một phần máu thịt trong cuộc đời Hà Tân, như thói quen suốt đêm nằm ngủ đặt hai cánh tay dọc bên hông thẳng đơ mà đến giờ anh chưa bỏ được.
Từ một gã tù tuyệt vọng tận cùng, chán sống đến mức mấy lần thách thức bạn tù giết mình, một mình đánh lộn với mấy chục phạm nhân khác, chỉ khi tình yêu của Kim Quyên chạm đến, anh bỗng như được hồi sinh.
Một con đường duy nhất anh vạch ra cho mình: Cải tạo thật tốt. Sau 10 năm cật lực cải tạo, Hà Tân được ra “lô”, được giao cho nhiệm vụ chăm lo cho bầy heo và đàn gà sao của trại.
Từ một công tử ăn trắng mặc trơn, anh trở thành người chăn heo thứ thiệt. Tất tật mọi thứ liên quan đến bầy heo, từ ăn ngủ, bệnh tật, chích thuốc cho chúng qua tay anh đều gọn ghẽ. Anh còn tổ chức thi văn nghệ, thi đá bóng, dựng chuyện như phim kể cho bạn tù khuây khỏa, viết sách dạy nấu ăn...
Nhưng đó là việc của ban ngày, đêm về mới thật là kinh khủng. Gần 6.000 đêm là quá đủ cho nỗi day dứt và ăn năn về hành động rồ dại năm nào: “Ai ở tù thì mới hiểu một điều đơn giản mà tôi đã nghiệm ra, đó là chỉ có chính tội lỗi của mình mới đủ sức khiến mình thành tâm chấp nhận tù đày” - Hà Tân chia sẻ.
Hỏi rằng Kim Quyên có phải là may mắn trong cuộc đời anh hay không, Hà Tân phật lòng nói ngay: “Phải nói vợ tôi là phép màu dành cho tôi mới đúng”. Đến nỗi lần đầu nhận lá thư động viên chân thành của Kim Quyên, anh cứ tưởng bố mẹ... thuê người viết thư an ủi mình. Ngày bố báo vợ mình có bầu, anh rụng rời chân tay. Nhìn ảnh con gái, anh sung sướng khóc như đứa trẻ.
Từng sống sát bên một dãy tử tù, chứng kiến những cơn khủng hoảng của họ khi về đêm, thấy mình bước qua họ chỉ một bước chân mà đã trở thành ranh giới sống chết, vậy nên Hà Tân nói ngoài hạnh phúc có thật là gia đình thì đối với anh, từ lâu mọi thứ khác đều là phù du, kể cả thế giới người mẫu ở một thời mà anh từng vụt sáng.
Có những thời điểm khủng hoảng nhất trong gia đình, mẹ như người mất trí khi anh bị bắt và bị tuyên án chung thân, khi em trai đột ngột chết, bố vì buồn đau mà đột quỵ bò lổm ngổm trong nhà hoặc vợ hai lần mang nặng đẻ đau... đều vắng anh, nay anh ra sức bù đắp.
Một năm qua, Hà Tân đã đón đêm giao thừa sum họp đầu tiên với bố mẹ và vợ con sau mười mấy năm gia đình ăn tết hiu quạnh. Anh trả lại cho Kim Quyên những ngày mặn nồng chồng vợ. Anh trả lại cho hai con nỗi tự hào về người cha, để chúng không phải nói dối: “Bố con đi công tác” hay “Bố con đi du học” mỗi khi có người hỏi đến bố mình. Anh đưa đón hai con đi học. Anh gỡ rối cảm xúc tuổi mới lớn cho con gái Hồng Ân, anh rèn cho Khánh Toàn cách ngồi học đúng tư thế...
Hiện tại công việc của Hà Tân ở quán bar đã tương đối vào guồng. Tiếng là “quản lý” nhưng Hà Tân bảo anh đối xử với toàn bộ nhân viên của quán như anh em ruột rà bởi anh thương những con người tứ xứ cùng về đây, cùng cực nhọc kiếm chén cơm manh áo.
Mọi khâu do anh giám sát vì vậy đều được mọi người đồng lòng làm tốt, từ đi chợ, lên thực đơn, thủ quỹ, tiếp viên, xử lý những vị khách hung hăng... Anh chạnh lòng: “Tôi bây giờ khởi nghiệp không khác một sinh viên ngành du lịch năm thứ ba như trước khi tôi chịu án” nhưng anh đồng thời cũng đặt niềm tin cho tương lai gần.
Ngoài động lực chính là gia đình, còn có lý do anh muốn mình là tấm gương hội nhập xã hội tốt cho nhiều bạn tù mà anh hiểu rõ rằng họ cũng rất hoang mang về công ăn việc làm sau khi được trả tự do như anh.
“Con dâu tôi có một hòn vọng phu trong cốt cách và tâm hồn”
Có ai như chị, người phụ nữ nhỏ nhắn với đôi mắt to đượm buồn và đôi môi đầy ấy đã không tìm chồng ở chốn ba quân mà lại vào nhà tù lấy chồng? Đổi lại sự chọn lựa là cô đơn đằng đẵng, buộc phải lấy chờ đợi làm hạnh phúc.
Hay lý giải như ông Nguyễn Văn Tấn - bố của Hà Tân từng xúc động bật ra câu cảm thán: “Tôi nghĩ con dâu tôi cũng như hầu hết phụ nữ Việt Nam, đều có một hòn vọng phu ở trong cốt cách và tâm hồn”. Trong hơn 10 năm chờ đợi Hà Tân, chị gánh vác cả giang sơn nhà anh, từ làm nội trợ, nuôi dạy hai con, chăm lo sức khỏe bố mẹ chồng, đi thăm nuôi chồng hằng tháng đến quản lý việc buôn bán của nhà chồng...
Có bằng tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM và nói tiếng Anh như gió nhưng chị chỉ tạm thu xếp được công việc nhà chồng để đi làm ở một công ty nhập khẩu thực phẩm của Anh gần một năm nay.
Và đến nay, chị lấy chồng hơn 10 năm nhưng chỉ mới sống đời vợ chồng vài tháng ngắn ngủi, bây giờ lại tiếp tục xa cách và hẹn hò với chồng giống hệt tình nhân. Chỉ có ai trông thấy chị mộc mạc khi ở trong nhà chồng, giản dị khi đến công ty nhưng lại trang điểm rạng rỡ thế nào trong mỗi chuyến đi thăm chồng sẽ hiểu người phụ nữ này chỉ muốn mình đẹp nhất trong mắt người đàn ông của mình.
Chỉ có ai chứng kiến mắt ánh tha thiết rạng ngời chị lặng lẽ ngắm Hà Tân, sự chăm lo cho miếng ăn tấm áo của anh tại nhà trọ, vẻ thẹn thùng khi bị chồng trêu đùa mới thấy tình yêu của chị dường như chưa từng già đi, trái tim không chịu già đi. Với chị, dường như chỉ cần yêu và được yêu đã là quá đủ, không có chỗ cho sự so đo thiệt hơn phần mình.
“Chờ thêm 10 năm nữa tôi cũng chờ”
Chị hẳn cảm nhận được những khó khăn trong tâm lý mà chồng chị phải đối diện để hòa nhập lại với xã hội?
+ Kim Quyên: (Bỗng dưng đôi mắt Kim Quyên ầng ậc nước. Chị ôm mặt khóc. Rồi chị bối rối nói như phân bua): Xin lỗi, mỗi khi nghĩ đến tình cảnh chồng mình bây giờ tôi lại đau lòng không chịu nổi. Khó khăn đối với chồng tôi bây giờ nhiều quá, cụ thể quá mà tôi thì biết rất rõ anh ấy đang gồng mình vượt qua.
Ba năm trước, tôi gặp chị vào thời điểm ngày về của Hà Tân còn rất mịt mùng thì chị không khóc, còn bây giờ chị lại khóc khi chồng mình đã được tự do. Chị có thấy mình vô lý không?
+ Chính tôi nhiều khi cũng không hiểu nổi mình. Người ta chỉ cần yêu cho đầy, còn tôi lúc nào cũng yêu chồng tràn ra luôn. Nhiều khi tôi giận tình yêu mà mình dành cho chồng, nó làm tôi khốn khổ nhiều lắm.
Tình cảnh vợ chồng đôi nơi đến nay hẳn khiến chị mệt mỏi? Chị nghĩ gì nếu tình cảnh này diễn ra thêm vài năm nữa?
Chồng tôi cũng đâu muốn chúng tôi xa cách. Khi nghĩ đến chồng, tôi thấy mình mạnh mẽ hơn mà tôi cũng cần mạnh mẽ, lạc quan để san sẻ khó khăn với anh.
Hạnh phúc lớn của tôi là anh đã về gần tôi hơn nửa đoạn đường, tôi có thể thăm anh hằng tuần chứ không phải chờ đến đúng một tháng như trước đây. Đừng nói là vài năm, nếu cần chờ anh Tân thêm 10 năm nữa để vợ chồng con cái thực sự đoàn tụ thì tôi cũng chờ. Chỉ thương bố mẹ chồng tôi xa con nhiều năm, nay cũng chưa thể gần gũi con.