Trước những vấn nạn kéo dài nhiều năm về mua bán người, ngày 30-7 đã được Thủ tướng Chính phủ ấn định là “Ngày toàn dân phòng chống mua bán người”.
Vẫn chiêu thức “đổi đời”
Theo thống kê, các đối tượng chủ yếu buôn bán người sang Trung Quốc; số còn lại sang Lào, Campuchia, Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc và một vài nước châu Âu. Đáng chú ý, trước đây, nạn nhân thường là những cô gái nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết thì hiện nay có nhiều nạn nhân là những cô gái gia đình có điều kiện nhưng tin người, ham chơi.
Báo cáo của công an các địa phương và bộ đội biên phòng cho thấy 6 tháng đầu năm 2016, toàn quốc phát hiện 174 vụ buôn bán người với 232 đối tượng, lừa bán 351 nạn nhân (so với cùng kỳ năm 2015, giảm 13% về số vụ, 25% số đối tượng, 36% số nạn nhân). Riêng lực lượng công an, bộ đội biên phòng đã điều tra, khởi tố 67 vụ buôn bán người với 112 đối tượng. Các đơn vị chức năng của Việt Nam đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận trao trả 458 nạn nhân. Các địa phương phát hiện nhiều vụ buôn bán người là Lào Cai (16 vụ), Hà Giang (8 vụ), Nghệ An (7 vụ), Sơn La (6 vụ)...
Lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu bắt một đối tượng buôn bán người Ảnh: QUANG DUY
Một cán bộ của Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C45) - Bộ Công an cho biết tội phạm buôn bán người vẫn tiếp tục những phương thức, thủ đoạn truyền thống. Đó là tiếp cận những phụ nữ có nhu cầu tìm việc làm; quá lứa lỡ thì, muốn có nhu cầu lấy chồng, kết hôn, sau đó dụ dỗ họ ra nước ngoài lấy chồng nhằm “đổi đời”.
Đáng chú ý, chúng thường tiếp cận những cô gái mới lớn và kết bạn qua mạng xã hội. Từ đó, sử dụng danh tính giả, làm ra vẻ giàu có rồi dụ dỗ các em đi chơi, mua sắm, giả yêu đương rồi đưa sang biên giới bán. Các nạn nhân không hề biết mình sắp sập vào bẫy buôn người nên theo chúng về “thăm quê” hoặc “du lịch” Trung Quốc.
Nâng cao nhận thức cộng đồng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Công Hiệu - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông thuộc Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - dẫn chứng dự án đường dây nóng thực hiện từ tháng 7-2012 tại Hà Nội, An Giang, Hà Giang thông qua tổng đài 18001567, sau 3 năm hoạt động (2013-2016) đã tiếp nhận gần 5.000 cuộc gọi liên quan đến buôn bán người, trong đó: Hà Nội 3.475 cuộc gọi, An Giang 1.130 cuộc gọi, Hà Giang 350 cuộc gọi. “Nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của đường dây nóng, nhiều nạn nhân đã được trở về với gia đình” - ông Hiệu thông tin.
Cũng theo ông Hiệu, từ các cuộc gọi đến đường dây nóng, có thể thấy tình trạng buôn bán người ngày càng diễn biến phức tạp. Các đối tượng thường lôi kéo và tổ chức cho nạn nhân vượt biên bằng đường tiểu ngạch để bán sang bên kia biên giới. Ngoài ra, đối tượng buôn bán người còn lợi dụng sơ hở trong môi giới hôn nhân và cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, đi du lịch thăm người thân, hợp tác lao động... để lừa nạn nhân ra nước ngoài bán.
Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em - hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tội phạm mua, bán người cần được chú trọng đẩy mạnh bằng nhiều nội dung và hình thức. “Trong bối cảnh tình hình tội phạm buôn bán người diễn biến phức tạp, đường dây nóng dù mới chỉ được đặt ở một số địa phương nhưng cũng đã góp phần không nhỏ hạn chế tình trạng buôn bán người, giải cứu hàng chục nạn nhân. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để hình thành một mạng lưới đường dây nóng phòng chống buôn bán người từ cấp trung ương đến các địa phương” - ông Nam nói.
Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ phê duyệt Chương trình 130 giai đoạn 2016-2020. Trong đó, Bộ Công an là Thường trực, phối hợp với các bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Thông tin - Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch... để thực hiện. Trước hết, vẫn tập trung tuyên truyền để các học sinh có kỹ năng tự bảo vệ mình, cảnh giác với những lời mời chào, kết bạn trên mạng, không dễ dãi nhận lời rủ rê của các đối tượng mới quen mà chưa rõ nhân thân, lai lịch. Đặc biệt, phải tăng cường phổ biến và giáo dục pháp luật ở những vùng sâu, vùng xa, vùng dân trí thấp bởi có một số người đồng bào dân tộc không biết đó là vi phạm pháp luật. Ngoài ra, cần tăng cường công tác nắm tình hình, phòng ngừa đấu tranh. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng, băng nhóm, tổ chức thực hiện hành vi buôn bán người.
Tạo công ăn, việc làm
Bà Mạc Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang, cho biết nạn nhân thường sa vào bẫy bởi rất nhiều thủ đoạn xảo quyệt của bọn buôn bán người. Đối tượng bị buôn bán thường là phụ nữ và trẻ em thuộc những hộ nghèo, nhận thức còn hạn chế nên rất dễ bị dụ dỗ, lừa gạt.
Do vậy, để ngăn chặn tình trạng phụ nữ, trẻ em bị bán qua biên giới, cần nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng ngừa cho người dân địa phương, nhất là những phụ nữ và trẻ em, thông qua các câu lạc bộ phòng chống buôn bán người, tư vấn cá nhân và các cuộc họp cộng đồng. “Cần tạo công ăn việc làm cho người dân nghèo để họ không bị áp lực về thu nhập, từ đó sẽ không bị rơi vào tình trạng nhắm mắt đưa chân” - bà Liên kiến nghị.