Cắm bản “gieo chữ”

GD&TĐ - Ở vùng cao khó khăn, việc được đến trường, được đi học, đi dạy là niềm mơ ước, khát khao của cả học sinh và thầy cô giáo. Mỗi thầy cô là một câu chuyện, một hoàn cảnh không giống nhau nhưng tựu trung, họ đều có một tình yêu với học sinh, với nghề nghiệp của mình để gắn bó một thời gian dài, có thể là cả tuổi thanh xuân ở những nơi xa xôi, khó khăn nhất.

Đường đến điểm trường bản Tà Té ngày mưa.
Đường đến điểm trường bản Tà Té ngày mưa.

“Đánh vật” với cung đường trơn trượt

Cô Lường Thị Ngọc, GV điểm trường bản Tà Té B, Trường Mầm non Nong U (Điện Biên Đông) cho biết: Tốt nghiệp Trường CĐSP Điện Biên, cô về dạy học tại Trường Mầm non Hoa Ban Đông. Đây là ngôi trường ở vùng cao, cách nhà gần 90 km.

Cách đây 3 năm, cô chuyển về Trường Nầm non Nong U công tác. Cách nhà 30 km, đường sá đi lại khó khăn, ngày nắng thì mới đi được xe máy, còn ngày mưa, các cô đi xe đến trung tâm, rồi gửi xe lại nhà dân để đi bộ 12km đến trường.

Cô Ngọc với con đường đến điểm trường Tà Té Ảnh: nhân vật cung cấp
 Cô Ngọc với con đường đến điểm trường Tà Té 
Ảnh: nhân vật cung cấp

Cô Ngọc cho biết: Thời tiết, khí hậu tại khu vực vùng núi, vùng cao, vùng thung lũng này khắc nghiệt lắm. Nắng thì nóng đến khô rát nhưng lạnh thì đến mức tê cóng, nhức buốt chân tay. Chỉ cần sinh sống trong này một năm, trải qua 2 mùa mưa và khô, sẽ cảm nhận được điều đó.

Đường đến điểm trường mầm non cũng rất khó khăn, qua nhiều khe suối. Vào mùa cạn, lòng suối lổn nhổn đá, không thể di chuyển được. Gặp ngày mưa, việc tiếp cận điểm trường đối với các cô giáo chẳng khác gì cuộc “đánh vật” với cung đường đầy ổ gà, ổ voi, sống trâu và trơn trượt như đổ mỡ. Việc giáo viên bị ngã xe trên con đường vào bản chẳng phải chuyện hiếm.

Về công tác ở điểm trường bản Tà Té, điều mà cô Ngọc sợ nhất là mùa khô. Thiếu nước sinh hoạt, các cô phải vận động gia đình khi đưa con đến trường mang theo chai nước 1,5 lít đổ vào thùng dự trữ để cô trò sinh hoạt trong ngày.

Các con đến trường - thầy cô hạnh phúc

Cô giáo Quàng Thị Hoa buổi giao lưu tọa đàm “Được dạy - được học”. Ảnh: nhân vật cung cấp
Cô giáo Quàng Thị Hoa buổi giao lưu tọa đàm “Được dạy -
 được học”. Ảnh: nhân vật cung cấp 
Điểm trường bản Tà Té B có hơn 100 em học sinh, 100% là dân tộc Mông. Họ sống tập trung tại một bản. Điểm trường có 8 cô giáo. Hàng tuần các cô đến trường dạy học và ở lại bản. Cuối tuần thứ Bảy và Chủ nhật, các cô mới ngược những con dốc của thung lũng để về với gia đình và mang nguồn lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết trở lại trường, phục vụ việc ăn ở, sinh hoạt trong những ngày ở lại trường. Đồ ăn dự trữ chủ yếu là những đồ khô.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, các cô còn phải tích cực vận động, kêu gọi nguồn lực xã hội hóa giáo dục từ bản, từ chính quyền nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu theo học tại trường.

Cô Ngọc kể lại: Năm 2018, trong lớp cô có một em bé tên là Lầu A Hù sinh tháng 7/2016, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Sau khi vận động gia đình cho cháu ra lớp được 3 ngày, dù cô giáo đang nuôi cháu bằng sự quyên góp và những đồng lương ít ỏi của mình, bố mẹ cháu vẫn xin cho cháu nghỉ. Bố cháu bảo: “Tôi phải xin cô cho cháu nghỉ thôi, để tôi đưa cháu lên nương, còn kiếm được củ khoai, củ mì cho cháu ăn”.

Sau khi cô giáo thuyết phục, gia đình đồng ý cho cháu ở lại học. Thế nhưng, chỉ được một thời gian, gia đình cháu lại nhất quyết cho cháu nghỉ học ở nhà. Chỉ đến khi có dự án “Nuôi em” của nhóm tình nguyện Niềm tin quyên góp tiền nuôi các cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố cháu mới dẫn cháu đến nói với cô giáo: “Giờ cô giáo chăm con cho tôi đi, tôi vui lắm. Tôi yên tâm để đi làm nương rồi”.

Từ một cháu nhỏ chỉ 6,5kg khi mới ra lớp, chỉ sau 2 tháng Lầu A Hù tăng được 7kg, và hiện giờ cháu đã lên được 11kg. Cô Ngọc cho hay, chỉ cần thuyết phục được các con đến trường là các thầy cô đã cảm thấy hạnh phúc rồi.

Buổi tối vào bản học tiếng Mông

Chiếc xe máy hỏng giữa đường là chuyện thường ngày. Ảnh: nhân vật cung cấp
Chiếc xe máy hỏng giữa đường là chuyện thường ngày.
Ảnh: nhân vật cung cấp 

Ở địa bàn còn nhiều khó khăn, câu chuyện “gieo chữ” tại vùng đồng bào dân tộc Mông cũng lắm gian nan. Được dạy học là khát vọng cháy bỏng của GV vùng cao.

Cô giáo Tòng Thị Ngân, GV điểm trường Chua Ta, Trường Mầm non Trà Dình, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) tâm sự: Quê ở Sơn La, năm 2010, cô về Tìa Dình công tác và gắn bó với nơi này.

Những ngày mới lên điểm trường dạy học, vốn là người dân tộc Thái, HS chủ yếu là dân tộc Mông, ngôn ngữ cô trò bất đồng trong giao tiếp. Cô nói mà trò cứ ngây ra, có những lúc cô giáo cảm thấy bất lực. Nhiều đêm suy nghĩ, cô quyết tâm phải học tiếng Mông. Tối tối, cô lặn lội vào bản, tới nhà học sinh trò chuyện cùng gia đình, vừa để làm quen, vừa để học tiếng. Giờ đây, cô Ngân có thể giao tiếp với các em HS và người dân bản Mông.

Cô Ngân cho biết: Điểm trường Chua Ta có 2 cô giáo mầm non và 1 thầy giáo tiểu học. Nơi đây trình độ dân trí thấp, tỉ lệ học sinh ra lớp thấp, trẻ suy dinh dưỡng thấp còi cao. Khó nhất là đưa được những đứa trẻ của bản tới lớp. Nếu không có quyết tâm, tình yêu với lũ trẻ hẳn là cô đã bỏ cuộc.

Từ khi có dự án “Nuôi em”, HS được trợ cấp ăn 150 nghìn/1 trẻ/tháng; trẻ đến trường đầy đủ hơn, thầy cô không phải đến từng nhà vận động học sinh như trước nữa.

Cô giáo Lường Thị Ngọc trên đường đến trường ngày mưa. Ảnh: nhân vật cung cấp
Cô giáo Lường Thị Ngọc trên đường đến trường ngày mưa. Ảnh: nhân vật cung cấp 

Mỗi sáng, cô giáo hào hứng, say sưa với việc tập múa, tập hát, tắm rửa, chải tóc và giặt giũ quần áo cho các con, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các con. Khi các con ngủ trưa, các cô lại rửa bát, dọn dẹp, chăm sóc vườn rau xanh.

Khép lại một ngày, khi các cô ngồi vào mâm cơm chiều là lúc trời nhá nhem tối. Đêm ở điểm trường leo lắt những ánh đèn tích điện hoặc chạy bằng ắc-quy hắt qua khe thưng ván gỗ. Đêm như dài hơn vì không có điện, không có sóng điện thoại. Để liên lạc với gia đình, các cô phải đi bộ 1 km nơi có thể bắt được sóng để gọi về nhà.

Vất vả là vậy, nhưng các thầy cô giáo nơi vùng núi cao Điện Biên chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ bỏ lớp, bỏ trường về xuôi.

Cô Quàng Thị Hoa, người dân tộc Thái, GV dạy tại điểm trường Co Mỵ, Trường Mầm non Chiềng Xơ, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) cho biết, cô đã lập gia đình được 4 năm, có một bé mới gần 2 tuổi nhưng cứ 2 tuần 1 lần mẹ con, vợ chồng mới được gặp nhau. Tất cả mọi việc chăm con đều do ông bà và chồng cô phụ giúp.

Cô Hoa kể, từ nhà cô đến trường cách khoảng 90km, nên cô “cắm bản” ngay tại chỗ để dạy các con. Lúc mới sinh con, do không có người phụ chăm, cô phải đưa con lên trường vừa đi dạy vừa chăm con. Đến khi bé được 1 tuổi, cô mới gửi ở nhà nhờ ông bà chăm sóc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ