“Cái tình” của những người không chung máu mủ

“Cái tình” của những người không chung máu mủ

“Về nước đi con!”

Trần Đình Nam Phương là sinh viên Thạc sĩ ngành Quản trị Quốc tế (International Management) tại Đại học Johann Wolfgang Goethe, thành phố Frankfurt, Đức. Cô về nước trong thời điểm dịch bắt đầu diễn biến phức tạp.

Khi Nam Phương quyết định về Việt Nam thì ở Đức đã có khoảng hơn 5.000 ca nhiễm Covid-19. Nhiều băn khoăn chuyện về hay ở? Nếu về, việc học hay đi làm sẽ bị gián đoạn. Nhưng ở lại thì tâm thế bất an. Để rồi, khi đọc được những bài báo về sự tích cực của Chính phủ Việt Nam trong trận chiến chống dịch, Phương đã quyết định về ngay khi gia đình gọi điện khuyên “về nước đi con”. Trên chuyến bay của Phương chỉ có 17 người, ai cũng đeo khẩu trang, tiếp viên hàng không mặc đồ bảo hộ, mọi thứ diễn ra trong trật tự. Sau khi xuống sân bay, Phương được đưa đi cách ly ở Trường Quân sự Quân khu 7 khu B, quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh. Và 14 ngày “đặc biệt” của Phương đã bắt đầu từ đó.

Hàng ngày, 7 giờ sáng, các chiến sĩ bộ đội sẽ đến từng phòng đưa cơm. Phương chia sẻ rằng, bữa ăn sáng luôn được cô và các bạn mong chờ vì thực đơn rất phong phú: Bánh uớt, há cảo, cháo gà, lagu bánh mì, bánh chà bông, bún xào, bánh bao, xôi,… Sau bữa sáng, đội ngũ y, bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC đến kiểm tra thân nhiệt lần 1. Hơn 11 giờ sẽ là cơm trưa. Bữa cơm thỉnh thoảng sẽ có thêm một chai nước ngọt do các mạnh thường quân ủng hộ để làm phong phú thêm bữa ăn cách ly.

“Suất ăn ở khu cách ly rất ngon, vừa miệng, các món cũng rất phong phú: Cá cờ kho thơm, ếch xào cà ri, cá kèo kho, thịt sườn nướng, đùi gà... Mỗi bữa ăn đều được kèm với một phần rau xào hoặc luộc, một suất canh rau củ bổ dưỡng và một phần trái cây tráng miệng: Quýt, cam, chuối, nho, mận, nhãn... Đôi khi đổi món em lại nhận đuợc bánh flan hoặc sữa chua. Có thể nói suất ăn đầy đủ dưỡng chất và ngon như cơm nhà” – Phương chia sẻ.

Chiều là khoảng thời gian mọi người tập thể thao với quy định đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn. Mỗi ngày luôn trôi qua trong sự quan tâm, lo lắng cho nhau như máu mủ. Đặc biệt, những “anh hùng thầm lặng” là những chiến sĩ bộ đội hàng ngày đã vất vả, giờ lại nhường giường, chia chăn cho mọi người, bảo đảm điều kiện tốt nhất để ai nấy đều được thoải mái như ở nhà.

Phương nói: “Dù hoàn cảnh có chút đặc biệt, nhưng sự kết nối và tình người nơi đây đã giúp em mạnh mẽ và lạc quan hơn rất nhiều. Những ngày cuối cùng ở khu cách ly khiến chúng em có chút buồn khi phải xa nhau. Xa những kỉ niệm mà trong đời không thể nào quên. Phải xa những con người rất đỗi đáng yêu mà em may mắn được gặp ở nơi này”.

Hãy trải qua “kỳ cách ly” một cách tích cực!

“Cái tình” của những người không chung máu mủ ảnh 1

Câu chuyện cảm động nhất trong khu cách ly của Phương là các bác sĩ đang đi học lớp Sĩ quan dự bị trong vòng 3 tháng tại Trường Quân sự Quân khu 7. Họ đều giữ những chức vụ nhất định ở địa phương, từ phó phòng, trưởng phòng đến các chức vị cao hơn tại các trung tâm y tế thành phố, huyện xã. 

Hàng ngày họ đều bắt đầu ngày mới thật nhanh và tràn đầy sức sống. Mọi người cũng đều có gia đình, có những người thân yêu mà họ mong nhớ. Các anh cũng phải làm xét nghiệm lấy mẫu bệnh phẩm Covid-19, và đối mặt với nguy cơ lây nhiễm chéo. Rồi hết đợt này, sẽ là một đợt khác, vậy mà, sự lạc quan đã giấu đi nhọc nhằn của những người hùng thầm lặng.

Họ là những bác sĩ tay cầm bút, tay cầm ống nghe khám cho bệnh nhân nhưng sẵn sàng xông pha trở thành lực lượng vòng trong. Họ không ngại tiếp xúc trực tiếp với những người có khả năng lây nhiễm cao.

“Trước khi chúng em tới, họ đã tự tay kê từng cái giường, vệ sinh từng phòng ở để chúng em có được điều kiện sinh hoạt tốt nhất. Hàng ngày các anh chia ca đi đưa cơm và nước ở 3 dãy nhà ở. Tuy không phải chuyên môn của mình, nhưng các anh đã làm hết sức mình để phục vụ mọi người với một thái độ vui vẻ, nhã nhặn. Tấm lòng và sự tử tế của các anh chính là nguồn động viên lớn nhất đối với những người xa lạ trong khu cách ly này” – Phương cho biết.

Phương vừa hết 14 ngày theo quy định đi cách ly. Cô và mọi người trong khu đều được xét nghiệm âm tính. Đối với một người trẻ như Phương, đây cũng chính là khoảng thời gian em học được cách lắng nghe và biết ơn người khác. Lắng nghe câu chuyện, sự khó khăn của những gương mặt luôn đeo khẩu trang tưởng chừng rất giống nhau ấy là những con người rất khác nhau với những tính cách, tâm tư nguyện vọng và hoàn cảnh vô cùng khác biệt.

Cô cũng được học về cách biết ơn từng bữa ăn. Bởi, đối với Phương, đằng sau nó là công sức, là sự hi sinh của cả một tập thể, và họ không hề mong chờ sự báo đáp. Chính vì vậy, bằng những trải nghiệm thực tế của bản thân mình, Phương hi vọng rằng mọi người hãy nhìn được công sức của những con người xa lạ nhưng lại đang vất vả cho cả cộng đồng. Hãy cố gắng chia sẻ gánh nặng của đội ngũ cán bộ y tế bằng cách hài lòng hơn với những gì mình đang có, đối xử với nhau tốt hơn, và đôi khi một tiếng cười cũng sẽ giúp mọi người quên đi ngày mệt nhọc.

“Những ngày trong khu cách ly với em rất bình yên. Em được tập trung hơn vào những việc em yêu thích, nâng cao khả năng thích nghi và giải quyết vấn đề. Đặc biệt, em đã giúp cho bản thân luôn có được suy nghĩ tích cực. Lạc quan, vui vẻ, chấp nhận và học hỏi từ mọi tình huống xảy ra trong thực tế là điều em mong các bạn trẻ cách ly trong những ngày sắp tới có thể vận dụng để trải qua một cách nhẹ nhàng” – Phương nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ