Điều kiện làm việc
Năm 2007, VEF (Vietnam Education Fund - Quỹ Giáo dục Việt Nam Hoa Kì) có tổ chức một diễn đàn “Đường về Tổ quốc” (All the way home) tại California. Ngoài những học viên cao học và nghiên cứu sinh người Việt được nhận học bổng của VEF trên toàn nước Mỹ (khoảng trên 200 người), VEF có mời nhiều trường đại học Việt Nam tham dự. Tại diễn đàn này, các đại học Việt Nam đã lên tiếng mời gọi những thạc sĩ, tiến sĩ tương lai về làm việc với các trường đại học của mình. Và cũng từ diễn đàn này, chúng tôi được nghe những câu hỏi về điều kiện làm việc, chế độ tuyển dụng, lương bổng…
Sẽ không có gì để nói, nếu chúng tôi không nhận được các câu hỏi của các học viên thạc sĩ, các nghiên cứu sinh về điều kiện làm việc trong các đại học Việt Nam. Tôi cũng không ngạc nhiên khi các bạn nói, với các bạn, điều kiện để các bạn trở về đất nước làm việc không phải vì lương bổng, mà vì khả năng phát triển năng lực cá nhân và điều kiện nghiên cứu ở các đại học Việt Nam. Có bạn hỏi, lương của các bạn một tháng là bao nhiêu? Chúng tôi trả lời, các bạn có trình độ thạc sĩ sẽ được hưởng lương bậc 3 của giảng viên (vào thời điểm lúc bấy giờ khoảng hơn 2 triệu đồng), tiến sĩ thì có thể xếp ngạch bậc cao hơn. Với số tiền lương như vậy, mà vẫn có bạn muốn về Việt Nam làm việc. Điều các bạn lo nhất không phải là lương mà chính là điều kiện làm việc ở các đại học Việt Nam. Nhiều bạn đã hỏi thẳng thừng rằng: khi các bạn về Việt Nam, có các phòng thí nghiệm, có thư viện để làm việc như ở Hoa Kì không?
Thu nhập là bài toán khó giải nhất hiện nay của các đại học, và nó có vai trò không kém trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. (Ảnh MH) |
Trong số khách mời từ Việt Nam, có một nhà khoa học là giám đốc một trung tâm nghiên cứu được đầu tư thiết bị mà theo như anh nói là ngang bằng với các đại học tiên tiến ở Hoa Kì hay Nhật Bản. Nhà khoa học này đã trả lời, trung tâm của ông sẵn sàng trả lương cho các bạn có học vị tiến sĩ trong lĩnh vực công nghệ nano với mức lương trên 1000 USD và các bạn được làm việc trong các phòng thí nghiệm có các thiết bị hiện đại sánh ngang với các nước phát triển. Nhưng ông cũng nói thêm rằng, để được nhận vào làm việc ở trung tâm do ông làm giám đốc, không phải chỉ có bằng tiến sĩ, các bạn cần phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, và ông khuyên các nghiên cứu sinh sau khi có bằng tiến sĩ, hãy ở lại Hoa Kì thêm vài năm để có kinh nghiệm nghiên cứu thực tế trước khi trở lại Việt Nam làm việc (ông còn nói thêm: đó là kinh nghiệm của chính ông).
Từ mẩu đối thoại trên, chúng tôi thấy rằng mức độ hiện đại của các thiết bị trong các phòng thí nghiệm là một trong những yếu tố quan trọng thu hút giảng viên đến làm việc. Phòng thí nghiệm hiện đại, kinh phí cho nghiên cứu được cấp đầy đủ là điều kiện tối thiểu để các giảng viên nghiên cứu khoa học. Hiện nay, hệ thống phòng thí nghiệm của các đại học Việt Nam rất lạc hậu (ngoại trừ một số phòng thí nghiệm kỹ thuật cao vừa được trang bị ở hai đại học quốc gia), không đáp ứng được những điều kiện nghiên cứu. Thiếu nghiên cứu trong đại học thì không thể nói chất lượng đào tạo được đảm bảo, không nói đến việc có chất lượng đào tạo cao. Nếu nhà nước không đầu tư cho các đại học thì còn lâu chúng ta mới có thể có các đại học nghiên cứu. Có thiết bị, cũng cần có kinh phí duy trì hoạt động. Hiện nay, kinh phí cấp cho các hoạt động nghiên cứu ở các trường đại học có xu hướng giảm. Điều này, ảnh hưởng không ít đến kết quả đào tạo, nhất là đối với khối ngành kĩ thuật. Kinh phí đầu tư cho các hoạt động khoa học giống như là tiền dành mua lúa giống. Có đất, có phân bón, có nước… nhưng không có hạt giống thì làm gì có mạ chứ đừng nghĩ đến một mùa vàng bội thu.
Chế độ đãi ngộ
Đã hơn 5 giờ chiều, hết giờ làm việc, tôi gặp một giảng viên đại học vừa đi vừa ngậm tăm trong sân trường đại học. Tôi hỏi anh: giờ mới anh trưa à? Anh trả lời: không, mình ăn tối.
Tưởng rằng anh tất bật như vậy, tranh thủ ăn tối để đến giảng dạy ở một trường đại học dân lập, tư thục nào đó hay là các lớp chuyên tu, tại chức ban đêm nhưng anh lại bảo: mình làm tối ở trung tâm ngoại ngữ. Tôi buột miệng: anh dạy à? Anh trả lời không và thêm: mình làm thêm, làm giám thị cho trung tâm ngoại ngữ, nghĩa là làm cái việc đếm sĩ số để báo cho trung tâm biết mà tính lương thầy cô. Tôi biết, mỗi tuần trung tâm ngoại ngữ này thuê người làm cái công việc anh vừa kể. Mỗi người làm khoảng 3 tối/tuần (vì còn dành việc cho người khác), mỗi tối vài mươi phút, tháng được gần 2 triệu đồng, bằng lương của một giảng viên bậc một. Với người lao động, khoản tiền đó thật đáng quý, nhất là trong điều kiện vật giá leo thang như hiện nay. Chết nỗi, anh là giảng viên có trên 30 năm công tác, có bằng tiến sĩ. Và tôi nghĩ đến chuyện trả công lao động cho giảng viên đại học. Giá mà, lương anh khá hơn, khoảng thời gian anh làm thêm cho trung tâm ngoại ngữ được dành cho đọc sách và nghiên cứu, sinh viên chẳng đã được nghe những bài giảng chất lượng hơn.
Nhiều sinh viên giỏi đã từ chối giảng đường đại học vì mức thu nhập quá thấp. Nhiều trường đã phải kêu trời vì không thể giữ được người tài vì chính sách lương hiện nay ở các trường công lập. Thu nhập là bài toán khó giải nhất hiện nay của các đại học, và nó có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Không có lời giải cho bài toán thu nhập của giảng viên đại học, liệu có thể nâng cao chất lượng đào tạo đại học trong các trường đại học Việt Nam?
TS Nguyễn Kim Hồng
(ĐH Sư phạm TPHCM)