Anh đến tìm tôi, mắt đỏ quạch vì mất ngủ, dáng vẻ bơ phờ, khiến tôi không khỏi bất ngờ. Biết anh lâu nay, tôi đã quen với phong thái hết sức hào hoa, lịch lãm của một giám đốc tài giỏi có sự nghiệp đang lên.
Cách đây chừng hơn năm, anh còn hớn hở khoe: “Chị, tôi có em bé”. Tôi ngỡ ngàng: “Ủa, cưới hồi nào?”. Anh cười tếu táo: “Không vợ mà có con mới là… đàn ông, đúng không chị?”.
Đàn ông chẳng có gì để mất?
Anh quen cô ấy trong câu lạc bộ doanh nhân. Dù chưa mấy thành công nhưng cô được ưu ái đặc biệt vì là một phụ nữ khuyết tật. Chỉ là khuyết tật nhỏ ở dáng người nhưng bù lại, cô có gương mặt rất thu hút.
Số phận cô khá long đong nên những phấn đấu của cô càng được coi trọng. Đầu tiên là thương cảm, nể phục và cuối cùng là anh thật sự yêu quý người phụ nữ đó.
Thân hơn, anh càng biết thêm nhiều éo le trong đời sống tình cảm của cô. Trước đây, vì lo cho cô con gái bất hạnh, gia đình đã mai mối gả cô cho một thanh niên cũng khuyết tật. Ao ước hạnh phúc và không mấy tự tin vào bản thân, lại thêm tuổi trẻ khờ dại, cô gật đầu về làm vợ người ta.
Sống chung mới biết, chồng cô không có khả năng làm cha. Thất vọng, cô dồn hết tâm trí vào việc kinh doanh, nhưng thành công, tiền bạc, chẳng thể thay thế được nỗi khao khát có một đứa con.
Một ngày, cô bày tỏ với anh mong ước của mình. Một tia sáng lóe lên giữa họ: Tại sao anh lại không cho cô một đứa con? Ý tưởng đó lúc đầu có vẻ điên rồ vì thật sự anh chưa có tình yêu với cô, chỉ là những đồng cảm, chia sẻ và nể trọng. Nhưng, gương mặt đẫm nước mắt và đầy tuyệt vọng ấy khiến anh động lòng.
Càng nghĩ, anh càng thấy điều đó hoàn toàn… nhân văn và không có gì sai trái. Đứa trẻ được hình thành trong tâm trạng hân hoan của anh, anh và cô cũng đã thỏa thuận: “Khi có con, họ sẽ cố gắng tách nhau ra, vì hạnh phúc gia đình cô và cả vì tự do của anh”.
Lạ là cái thai trong bụng cô ngày càng lớn thì tình cảm anh dành cho cô ngày càng tăng. Ban đầu là trách nhiệm, sau đến yêu thương. Anh tới lui chăm sóc, đưa cô đi khám bệnh, tìm hiểu những kiến thức làm mẹ để chỉ dẫn cô và chồng cô.
Bên ngoài nhìn vào, anh như một người anh lớn của gia đình và anh cũng cố đánh lừa mình với cảm giác đó. Đúng hơn là mọi người trong cuộc đều cố gắng che đậy sự thật bằng một danh nghĩa khác.
Đột ngột anh quen một cô gái. Lần đầu tiên anh cảm thấy tình yêu đến với mình. Anh yên tâm đến với cô vì rõ ràng anh đang là người tự do.
Thế nhưng, nhiều lúc đang hò hẹn, điện thoại anh lại réo liên hồi, nào là thằng bé sốt, thằng bé đòi bác Hai… khiến anh và cả cô người yêu đều khó chịu.
Thấy cuộc sống riêng tư bị xâm phạm, anh quyết định nhắc lại thỏa thuận với mẹ thằng bé và kể hết mọi chuyện với người yêu. Cô gái dù khá sốc nhưng yêu anh và cũng hiểu biết, nên cô đồng ý chờ anh lo kết thúc mọi chuyện với người phụ nữ kia.
Chuyện không đơn giản như anh tưởng. Khi nghe anh thông báo đã có người yêu và quyết định sẽ tiến xa với cô ấy, không thể dành nhiều thời gian cho hai mẹ con, người mẹ của con trai anh lặng đi rồi bắt đầu khóc lóc, vật vã… Cái vỏ bọc rơi xuống.
Hóa ra lâu nay, người phụ nữ ấy đã mặc nhiên xem anh là người chồng, người cha thật sự của mẹ con chị. Chị còn hy vọng vào những điều xa xôi hơn, nhất là khi chồng hờ của chị đã hiểu ra mọi việc, lặng lẽ lùi xa. Và anh, trước những giằng co, níu kéo của chị, chợt nhận ra mình còn có nghĩa vụ và trách nhiệm với hai con người này.
Anh đến tìm tôi sau một trận quậy kinh thiên động địa của người-mẹ-của-con-trai-anh. Biết anh sợ nhất là mất uy tín ở nơi làm việc, chị dọa mang con tới “cho mọi người rõ”.
Nhìn vẻ thất thần của anh, tôi chợt nghĩ: Đâu rồi người đàn ông hớn hở cho rằng mình đang tham gia vào một cuộc chơi và sẽ nhận được phần ngon ngọt, phần hấp dẫn, phần vô tư nhất?
Đến văn phòng tư vấn pháp luật với đôi mắt sưng húp, chị Nhung cương quyết yêu cầu luật sư hướng dẫn làm đơn ly hôn đơn phương với người chồng mà chị không còn chút tôn trọng nào.
Nghe hoàn cảnh chị có một đứa con khuyết tật, mọi người đều ái ngại, khuyên chị nên suy nghĩ lại, cho chồng một cơ hội, nhất là khi biết chồng chị không chịu ly hôn, không chịu đi khỏi nhà, thậm chí còn đòi tuyệt thực nếu chị nhất định ra tòa. Nhưng, chị khăng khăng: Làm sao còn có thể sống chung với người chồng như thế?
Cưới nhau mười năm, chị Nhung hạnh phúc và tin tưởng vào chồng mình, bởi anh là người cưng vợ hiếm có. Để làm chị vui, gần như anh không từ nan bất cứ việc gì. Cho đến một ngày… người phụ nữ - sếp của anh, gọi điện thông báo chồng chị ngoại tình với cô ta.
Chị không tin, vì theo lời chồng, chỉ có cô ta thích anh. Anh cũng từng thành thật với chị, nhiều khi để công việc được êm xuôi, anh đùa giỡn với cô ta chút ít.
Cuối cùng, chuyện đùa giỡn ấy được minh họa bằng những tấm ảnh giường chiếu nóng bỏng của hai người, do chính cô ta gửi đến cho chị.
Đến nước này, chồng chị đành thú nhận anh đã vài lần quan hệ với cô ta, nhưng chỉ vì “nể nang”, vì suy nghĩ thôi thì… chiều cô ta một chút, mình chẳng mất gì mà cô ta cũng sẽ dễ dàng hơn với sự thăng quan tiến chức của mình.
Sau khi đã đạt được những mục đích nho nhỏ là một chuyến công tác nước ngoài, vài lợi ích trong công ty, anh đã dừng lại. Anh tuyên bố chấm dứt vì không muốn làm vợ mình tổn thương, nhưng anh đâu ngờ mình đã làm người đàn bà đó tổn thương. Sau khi năn nỉ, dọa dẫm, cô ta quyết tâm “ra tay”.
Càng nghe chồng giải thích về sự “không cố ý”, sự “bị lợi dụng” trong mối quan hệ đó, chị Nhung càng cảm thấy kinh tởm chồng.
Xưa nay, người ta thường nghĩ, khi một mối quan hệ bị đổ vỡ, chỉ có phụ nữ là thiệt thòi, là khổ sở, là đau đớn; còn đàn ông thì chẳng mất mát gì.
Có lẽ cách suy nghĩ đó đã “cổ vũ” những người đàn ông dễ dàng bước vào những mối quan hệ ngoài luồng mà không quan tâm đến trách nhiệm của mình, xem đó là một cuộc vui, nghĩ chỉ cần che giấu kỹ là chuyện sẽ êm xuôi.
Thế nhưng, không phải người phụ nữ nào cũng giống nhau. Sự bình đẳng trong các mối quan hệ, sự hiểu biết về quyền và giá trị của mình, ý thức không cho phép đàn ông làm mình tổn thương của nhiều phụ nữ ngày nay đã khiến những người đàn ông ấy phải nhận lại những bài học đắt giá.