Sau tất cả những nỗ lực, cố gắng của mình, các cô cậu tú lại nhận được một kết quả không như mong đợi. Buồn là trang thái tâm lý đương nhiên sẽ xảy ra nhưng người trẻ cũng không nên buồn quá lâu, cũng đừng tự giam mình trong phòng hay cố gắng nghĩ ra những chuyện tiêu cực nhất.
Bởi đây mới chỉ là cánh cửa đầu tiên trong cuộc đời thử thách bạn phải vượt qua. Nếu có ước mơ cháy bỏng với giảng đường đại học thì “thua keo này, bày keo khác”. Còn nếu bản thân không quá mong mỏi với con đường học vấn, đây là lúc nhưũng thanh niên 18 tuổi tự tìm lối rẽ khác trong đời.
Tâm lý chung của nhiều bạn trẻ khi biết được kết quả không như ý này là tâm trạng suy sụp, xấu hổ, tự ti, không dám gặp hay nói chuyện với bất cứ ai.
Tuy nhiên, cách ứng xử tiêu cực này lại càng làm nỗi buồn tủi của bạn thêm trầm trọng, vậy nên hãy chia sẻ suy nghĩ và trò chuyện với bạn bè hay người thân yêu trong gia đình những tâm trạng, cảm xúc của mình vào lúc này.
Bởi bạn không cô đơn vì có rất nhiều người quan tâm, lo lắng cho mình. Khi bạn nói ra “tâm sự” của mình, những người đi trước sẽ có nhiều lời khuyên hữu ích cho con đường phía trước của bạn.
Khi tập trung đầu óc vào một việc nào khác, bạn sẽ “tạm quên” vấn đề nhức nhối hiện tại của mình. Theo thời gian, “cú sốc trượt đại học” sẽ chỉ là động lực khiến bạn mạnh mẽ hơn lên. Điều cần quan tâm lúc này là chăm sóc sức khỏe bản thân bạn.
Trong thời gian ôn luyện cho kì thi đại học, bạn đã phải “thức khuya, dậy sớm, ăn không ngon ngủ không yên” rồi thì đây chính là lúc phải “nạp” năng lượng và “bơm” dưỡng chất cho cơ thể. Nên tự dành cho mình một khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, luyện tập thể dục để sẵn sàng bước đi trên những con đường mới.
Nếu thấy kết quả thi không đúng với sức học mình hoặc tự cảm thấy bản thân đã không tập trung hoàn toàn trong kỳ thi vừa qua, ôn luyện là giải pháp tốt nhất.
Đã có rất nhiều người dừng học một năm để tham gia hoạt động xã hội đẻ có thêm trải nghiệm cuộc sống và những kỹ năng xã hội cần thiết.
Tại những đất nước phát triển như Bắc Âu, Nhật, Úc, người trẻ muốn trở thành sinh viên đại học đều cần một khoảng thời gian tham gia các hoạt động thiện nguyện, công tác xã hội để tự hiểu mình và hiểu cuộc sống.
Vì vậy, nếu là người có khả năng, bạn có thể vừa ôn luyện vừa tìm một công việc yêu thích. Tuy nhiên, nếu là người chỉ có khả năng làm tốt một việc thì hãy xác định đâu là việc cần làm trước và luôn xem lại mục tiêu của mình đã đề ra để khỏi đi chệch đường.
Thực tế cũng đã chứng minh, vào đại học không phải là con đường duy nhất để dẫn tới thành công. Bạn có thể theo học ngành học mình yêu thích tại một trường khác có số điểm thấp hơn như trường cao đẳng hay trung cấp chẳng hạn.
Nếu không thực sự giỏi, tốt nhất bạn nên chọn học các trường đào tạo chuyên ngànnh chỉ tập trung vào thực hành, thời gian học ngắn. Rất nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển trung cấp hay cao đẳng vì họ tin rằng các sinh viên này chịu khó và có kỹ năng tốt. Ra trường sớm có nghĩa là bạn sẽ có nhiều năm kinh nghiệm hơn.
Khi đã xác định được hướng đi, hãy đặt quyết tâm cao. Nếu không có may mắn thì bạn hãy tự quyết định kiến thức, kỹ năng và nghị lực của mình.
Điều đó sẽ giúp bạn thành công hơn. Không có nghề nào cao sang hay thấp hèn cả. Chỉ cần biết đi lên bằng sức lực của mình, bạn sẽ được mọi người trân trọng.
Đi du lịch cũng là một cách để bạn bình tâm trở lại. Niềm vui bạn có thể giấu kín nhưng đối với nỗi buồn bạn không thể chôn sâu một cách tiêu cực mà phải được sẻ chia.
Đi du lịch cùng với những người bạn, chia sẻ tâm tư của mình và biết đâu trong chuyến đi đó bạn sẽ tìm thấy được những thứ ý nghĩa hơn hai từ “Đại học” mà bạn đang theo đuổi.