Nếu cách tính giá quặng sắt này được phổ dụng toàn cầu thì giá thành sản phẩm của các ngành công nghiệp sau thép sẽ linh hoạt hơn... |
Theo đánh giá của giới quan sát, mức giá này có thể sẽ còn tiếp tục tăng lên vào những tháng cuối năm. Đây là bước ngoặt mà hai tập đoàn khai khoáng lớn trên thế giới Vale (Brazil) và BHP Billiton (Australia) thực hiện đã dẫn tới sự kết thúc của hệ thống giá tiêu chuẩn được thiết lập và áp dụng từ những năm 1960 tới nay.
Các tập đoàn khai mỏ lớn khác trên thế giới và một số tập đoàn của Châu Á cũng đã thống nhất cách tính với mức giá quặng sắt mới. Từ 40 năm nay thị trường thép toàn cầu đã quen giao dịch theo hệ thống giá dựa theo hợp đồng hàng năm, nay thay bằng các thỏa thuận ngắn hạn mới với mức giá tùy thuộc vào thị trường giao ngay.
Cách thỏa thuận ngắn hạn này không chỉ có lợi cho các nhà sản xuất thép mà còn giúp giảm áp lực cho giá thành các sản phẩm của các ngành công nghiệp sau thép như xe hơi, máy giặt... nên các vụ đàm phán giá cả quặng sắt trở thành một phần rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Được biết, một số hãng sản xuất thép hàng đầu Nhật Bản và Trung Quốc cũng đã ký kết những hợp đồng mới với kỳ hạn 3 tháng này. Theo thông tin mà các hãng này đưa ra, hai tập đoàn sản xuất thép của Nhật Bản là Nippon Steel và Sumitomo Metal đã tạm thời nhất trí mua quặng sắt của hãng khai mỏ Vale với mức giá kỳ hạn 3 tháng cao hơn tới 90% so với mức giá trong các hợp đồng năm cho giai đoạn 2009 - 2010. Theo đó, mức giá mà Nippon Steel phải thanh toán trong hợp đồng ba tháng tính tới cuối tháng 6 năm nay là 100USD/tấn tới 110 USD/tấn.
Sumitomo cho biết, hãng này đồng ý với mức giá tương tự cho những kỳ hạn tới, tuy nhiên vẫn đưa ra cảnh báo rằng giá cả có thể thay đổi tùy vào biến động trên thị trường giao ngay trong 3 tháng tới. Hôm thứ ba (30/03), giá quặng sắt giao ngay tăng lên tới 150,5 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng 18 tháng qua, nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc cũng như nguồn cung của Ấn Độ bị suy giảm.
Các cuộc đàm phán nhằm thiết lập mức giá hợp đồng tiêu chuẩn cho giai đoạn 2010 - 2011 vào năm ngoái đã trở nên gay gắt khi Trung Quốc từ chối thanh toán theo mức giá mà các tập đoàn khai mỏ đã thống nhất với các hãng sản xuất thép Nhật Bản và Châu Âu đồng thời yêu cầu cắt giảm mức giá tiêu chuẩn này tới 45%. Sự việc càng trở nên căng thẳng khi giám đốc Rio Tinto tại Trung Quốc Stern Hu bị bắt và bị buộc tội hối lộ cũng như hoạt động gián điệp. Hôm thứ hai (29/03), tòa án Trung Quốc đã phán quyết Hu về tội danh hối lộ và ăn cắp các bí mật thương mại với mức án 14 năm tù.
Hãng sản xuất thép lớn thứ tư thế giới Posco (Hàn Quốc) hôm thứ ba (30/03) cũng cho biết, các cuộc đàm phán của hãng với Vale vẫn đang được tiếp tục. Đại diện Posco cho hay: "Các nhà cung cấp chính hiện đều yêu cầu ký kết các hợp đồng theo quý thay vì hợp đồng theo năm... Tiếng nói của họ đang ngày càng có trọng lượng hơn."
Bá Hải