Cách phát hiện sớm tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Cách phát hiện sớm tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Theo thống kê, tỷ lệ tăng huyết áp tăng cao ở người lớn tuổi và đang có xu hướng tăng nhanh trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, nghiên cứu cho thấy, hơn 40% người dân có tăng huyết áp. Người ta còn mệnh danh tăng huyết áp là kẻ giết người thầm lặng bởi diễn biến âm thầm của nó. Vậy có cách nào để phát hiện sớm các dấu hiệu của tăng huyết áp.

Thế nào là tăng huyết áp?

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, gọi là tăng huyết áp khi huyết áp tối đa bằng hoặc trên 140mmHg và huyết áp tối thiểu bằng hoặc trên 90 mmHg. Tăng huyết áp có thể là tăng một trong hai chỉ số này. Trong đó, trường hợp huyết áp tối thiểu tăng cao là đặc biệt nguy hiểm vì dễ gây tai biến mạch máu não.

Cách phát hiện sớm dấu hiệu cơn tăng huyết áp

Tăng huyết áp có diễn biến thầm lặng, ít có những biểu hiện rõ ràng nhưng những biến chứng mà nó đem lại thì lại rất nặng nề. Nhiều người khi đi khám phát hiện tăng huyết áp nhưng trước đó không hề nhận thấy dấu hiệu nào. Một số thì nói có các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, ù tai, mất ngủ mức độ nhẹ, hoa mắt... Cũng có thể tùy bệnh nhân mà các triệu chứng này dữ dội hơn, có thể đau vùng tim, giảm thị lực, người bệnh thở gấp, mặt đỏ bừng tái xanh, nôn ói, hồi hộp, hốt hoảng. Những nhận biết này có thể giúp bệnh nhân phát hiện sớm bệnh cũng như đánh giá đúng mức độ, tình trạng bệnh của mình để khám và điều trị kịp thời.

Cach phat hien som tang huyet ap - Anh 1

Đo huyết áp là phương pháp đơn giản để phát hiện bệnh.

Những lưu ý trong điều trị bệnh tăng huyết áp

Mục đích chính của điều trị bệnh tăng huyết áp là giữ cho huyết áp dưới 140/90mmHg, hoặc thậm chí là thấp hơn đối với những bệnh nhân có bệnh đái tháo đường hay bệnh thận mạn tính kèm theo rất quan trọng trong việc làm giảm nguy cơ bị đột quỵ, đau thắt ngực, suy tim. Tăng huyết áp có thể điều trị bằng thuốc, bằng cách thay đổi lối sống hoặc kết hợp cả hai. Việc thay đổi lối sống như giảm cân, bỏ hút thuốc lá, ăn những thức ăn có lợi cho sức khỏe, giảm lượng muối ăn vào, tập thể dục thường xuyên, giới hạn lượng rượu uống vào. Điều quan trọng cần nhấn mạnh: Hãy bắt đầu và tiếp tục điều trị ngay cả khi bạn không có triệu chứng khó chịu do tăng huyết áp gây ra vì tăng huyết áp có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu như không kiểm soát tốt. Việc kiểm soát huyết áp tốt mang lại nhiều lợi ích quan trọng hơn nhiều so với vài tác dụng phụ tạm thời do thuốc gây ra. Đừng nản chí vì có thể dùng thuốc suốt đời; không chỉ uống thuốc khi huyết áp tăng cao và ngưng thuốc khi huyết áp về bình thường; nên tái khám định kỳ, không dùng lại toa thuốc cũ trong một thời gian dài không tái khám.

Làm thế nào để phòng ngừa tăng huyết áp?

Trước tiên bằng cách thay đổi lối sống, trong đó cơ bản là thay đổi chế độ ăn và tập thể dục. Điều quan trọng là phải giữ cân nặng vừa phải, giảm lượng muối ăn vào, giảm uống rượu và giảm căng thẳng.

Để phòng ngừa tổn thương các cơ quan và các bệnh lý có thể gây ra bởi tăng huyết áp như suy tim, tổn thương thận, điều quan trọng là phải được tầm soát, chẩn đoán, điều trị và kiểm soát huyết áp tốt trong giai đoạn đầu.

Đo huyết áp thường xuyên

Đo huyết áp là phương pháp duy nhất để biết mình có bị tăng huyết áp hay không.Một đặc điểm của huyết áp là có sự biến thiên khá lớn trong ngày và giữa các ngày. Do đó, chẩn đoán tăng huyết áp phải dựa vào nhiều lần đo tại các thời điểm khác nhau. Ở người bình thường, huyết áp ban ngày cao hơn ban đêm, huyết áp hạ xuống thấp nhất vào 1-3 giờ sáng khi ngủ say và huyết áp cao nhất từ 8-10 giờ sáng. Khi vận động, gắng sức thể lực, căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh... đều có thể làm huyết áp tăng. Ngược lại khi nghỉ ngơi, thư giãn làm huyết áp hạ xuống. Khi bị lạnh gây co mạch, hoặc dùng một số thuốc co mạch (ví dụ thuốc nhỏ mũi) hoặc thuốc tăng co bóp cơ tim, ăn mặn... có thể làm huyết áp tăng lên. Ở môi trường nóng, ra nhiều mồ hôi, bị tiêu chảy hoặc dùng thuốc giãn mạch... có thể gây hạ huyết áp.

Lời khuyên của thầy thuốc

Biểu hiện của bệnh tăng huyết áp rất nghèo nàn, không đặc hiệu. Chính vì vậy, người bệnh rất chủ quan và chỉ chịu khám để điều trị khi đã xảy ra các biến chứng, nên cách phát hiện bệnh sớm duy nhất là kiểm tra huyết áp thường xuyên, nhất là khi có các dấu hiệu nghi ngờ, hoặc khi con số huyết áp gần tới mức tối đa cho phép (gần đến giá trị 140/90mmHg). Khi đã khám phát hiện tăng huyết áp, cần tuân thủ chế độ điều trị thuốc men kiểm soát huyết áp theo chỉ định của bác sĩ.

Theo SK&ĐS

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ