Cách người Nhật dạy con tự giác, lễ phép

GD&TĐ - Không phải ngẫu nhiên mà những đứa trẻ ở Nhật Bản ngay từ khi còn rất nhỏ đã biết nghe lời cha mẹ và có những hành vi ứng xử phù hợp khi ở nơi công cộng. Bí quyết nằm ở cách dạy con hết sức đặc biệt của các bậc phụ huynh người Nhật.

Cách người Nhật dạy con tự giác, lễ phép

Trong một chuyến đi tới Nhật Bản cùng người thân và cô con gái 6 tuổi của mình, chị Diana Ser (Singapore) đã có những trải nghiệm khó quên về cách hành xử đáng ngưỡng mộ của trẻ em ở đất nước này. Chị Diana kể, cả gia đình nghỉ trưa trong quán ăn tại một thị trấn nhỏ ở Nhật vào những ngày tháng 3 vừa qua.

diana.jpg

Diana Ser và cô con gái 6 tuổi của mình trong một chuyến đi tới Nhật Bản.

Trong khi chị tìm mọi cách vừa nịnh nọt vừa đe dọa đứa con 6 tuổi của mình ăn cơm, thì ở bàn bên cạnh, 1 bé gái 2 tuổi người Nhật đang tự mình xúc cơm ăn. Trong khi 3 đứa trẻ nước ngoài khác đang cãi nhau ỏm tỏi rồi phụng phịu giận dỗi thì những trẻ em người Nhật khác lại rất bình tĩnh và ngồi yên tại chỗ của chúng, không phim hoạt hình, không gây lộn hay bất kỳ điều phiền phức nào.

5 ngày ở Tokyo, Diana không chứng kiến bất kỳ đứa trẻ nào tranh cãi ở chốn đông người. Trên thực tế, tất cả những gì mà bà mẹ Singapore này nhìn thấy là những đứa bé hoàn hảo về hình ảnh, ngoan ngoãn và luôn xin phép khi muốn làm gì.

“Kỳ thực tôi rất muốn biết tại sao trẻ em Nhật Bản lại có những hành vi, cư xử tuyệt vời đến vậy, ít nhất là ở nơi công cộng? Câu trả lời có lẽ nên bắt đầu từ cách dạy của người Nhật”, chị Diana chia sẻ.

Điều này, có lẽ không chỉ nữ phụ huynh này mà còn hàng triệu bà mẹ khác trên thế giới, đều tỏ rõ sự tò mò khi nhắc đến cách mà các mẹ Nhật dạy con tự lập và lễ phép. Trong văn hoá Nhật Bản, một “xã hội thanh lịch” không phải chỉ là khẩu hiệu. Phong thái lịch sự, theo văn hóa người Nhật, là rất cần thiết để trở thành một con người.

Người Nhật Bản có câu: “Đưa vào cơ thể một đứa trẻ nghệ thuật sống và cách cư xử tốt, để tạo ra một người trưởng thành”. Sự phát triển của một con người sẽ không được coi là thành công nếu không rèn luyện được những hành vi ứng xử tốt đẹp.

“Phải mất một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”

Các bậc phụ huynh và các trường mầm non tại đất nước này luôn coi trọng việc nuôi dạy trẻ em ngay từ khi mới biết đi. Sự tôn trọng những không gian công cộng là một phần để rèn giũa chúng thành những người có phép tắc.

20140429102011-nhat2.jpg

Trẻ em Nhật Bản chơi đùa trong một chuyến dã ngoại.

Ở trường mầm non, phép xã giao là một nội dung quan trọng trong việc dạy dỗ, đào tạo trẻ nhỏ. Giáo dục, cả ở trường học và ở nhà, đều nhất quán và có tính chất liên tục.

“Điều này làm tôi nhớ đến khoảng thời gian con tôi 10 tháng tuổi, khi được tham gia một chương trình đào tạo của Nhật Bản. Bất cứ khi nào đứa bé trở nên bất hợp tác, giáo viên sẽ yêu cầu người chăm sóc bước tới và cố gắng làm chúng "hạ hỏa". Nếu điều đó không hiệu quả, họ sẽ đề nghị người đó đi ra ngoài và chỉ trở lại khi đứa trẻ đã sẵn sàng. Điều này là để không làm ảnh hưởng đến cả lớp”, chị Diana kể lại.

Ở Nhật, có một câu nói cổ xưa rằng: “Phải mất cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”. Điều đó có thể hiểu nôm na là phải có sự chấp nhận một số giá trị nhất định ở cấp độ toàn xã hội, nếu muốn những đứa trẻ lớn lên trở thành con người lịch thiệp.

Kỷ luật của một đứa trẻ không phải do bẩm sinh mà có. Tất cả đều được làm nên bởi giáo dục. Đối với người Nhật, đây là yếu tố luôn được quan tâm hàng đầu. Bởi thế, ngay từ giai đoạn 0 - 3 tuổi, các bậc cha mẹ Nhật đã đặc biệt chú trọng đến các vấn đề liên quan tới phép tắc, kỷ luật.

cach-giao-duc-tre-em-o-nhat-ban-worldkids.jpg

Tự phục vụ trong giờ ăn ở trường.

Ở các lứa tuổi tiếp theo, các bài học sẽ được thay đổi, mở rộng hơn sao cho phù hợp với sự phát triển cũng như đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Người Nhật quan niệm, kỷ luật là để khuyến khích tính độc lập của trẻ cũng như khả năng thích nghi với hoàn cảnh. Kỷ luật không phải là những biện pháp áp đặt để thoả mãn người lớn.

Không chỉ người lớn, các em nhỏ người Nhật luôn luôn cúi chào, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi theo những quy tắc rất chuẩn mực. Có được điều này là bởi ngay từ những năm tháng đầu đời, các bài học về đạo đức, lễ phép đã được cha mẹ, gia đình định hướng rất kỹ cho các em. Để có được điều này, trước tiên cha mẹ cần là tấm gương cho con noi theo.

Trong quan điểm giáo dục của người Nhật, quát mắng hay đòn roi khi trẻ phạm lỗi không phải là phương pháp giáo dục tốt. Thay vào đó, những cuộc trò chuyện để tìm nguyên nhân và cách xử lý mới là phương pháp ưu tiên hàng đầu. Một bí quyết khác để giúp các con ngoan ngoãn, lễ phép chính là sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Thực tế, mọi trẻ em đều sợ sự xa cách, không quan tâm của bố mẹ. Vì vậy, những cuộc trò chuyện thường xuyên, những câu chuyện hàng ngày được chia sẻ... là cách để bố mẹ hiểu và giáo dục con tốt hơn.

Theo Phunuvietnam.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ