Cách nào chống trộm cổ vật tại di tích?

Cách nào chống trộm cổ vật tại di tích?

“Tơ hơ” hay cất kỹ vẫn mất

Tính riêng địa bàn huyện Thanh Oai, từ giữa tháng 3 đến nửa đầu tháng 4 đã có 26 cổ vật, hiện vật bị kẻ gian lấy đi tại bốn di tích: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bối Khê, đình Đại Định, chùa Du Dự và chùa Từ Châu. Đáng lo ngại, pho tượng Thích Ca đản sinh tại chùa Bối Khê bị mất cắp tới lần thứ ba, sau khi được tìm lại ở hai vụ mất trộm trước. 

Một số hiện vật khác ở Thanh Oai bị trộm lấy ra khỏi di tích như hai bộ chấp kích gồm 16 chiếc đặt hai bên gian Đại bái ở đình Đại Định; hai đỉnh đồng, hai cây nến đồng và một bình sứ cổ. Chùa Du Dự bị mất một chuông đồng, hai bát bình hương đặt tại Tam bảo. Chùa Từ Châu bị mất một chuông đồng có chiều cao 1m, đường kính 0,6m.

Theo Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành, nếu tình trạng này xảy ra trong thời gian dài, e rằng cổ vật, hiện vật sẽ dần biến mất. Vì vậy, rất cần có sự phối hợp của cơ quan Nhà nước, cộng đồng và toàn xã hội trong việc bảo vệ cổ vật. Ông Trần Đình Thành cho rằng, nguyên nhân cơ bản của những vụ mất cắp trong thời gian qua cho thấy, đề xuất trách nhiệm và biện pháp trông coi tại các di tích chưa cụ thể, rõ ràng. Hiện vật quý đã được phân loại và cất vào các khu vực có nhiều tầng khóa, nhà cửa rất tốt. Nhưng cũng có những di tích là đình, chùa, mặc dù có cửa nhưng khả năng bị phá rất dễ, việc cắt cử trông nom thường xuyên đáng lẽ là có nhưng chưa phân công cụ thể.

Theo Trưởng nhóm Đình làng Việt Nguyễn Đức Bình, khi xảy ra mất cắp, không ít ý kiến cho rằng, việc mất các cổ vật, hiện vật là do trên nhiều diễn đàn, các thành viên chia sẻ cụ thể thông tin, hình ảnh về chúng. Tuy nhiên, thực tế không hẳn vậy. Trong số các điểm di tích bị mất cắp tại Thanh Oai nói trên, chùa Bối Khê là địa chỉ rất nổi tiếng. Nơi này, trụ trì và các sư quản lý rất chặt, muốn vào chiêm ngưỡng các hiện vật cũng khó. Vậy mà vẫn xảy ra tình trạng mất cắp. Các vụ trộm ở Thanh Oai cho thấy, đối tượng trộm cắp vơ vét đồ thuộc chất liệu đồng để bán, rất giống trộm ở các gia đình. Vì vậy, việc quản lý, bảo đảm an ninh ở các di tích là nơi thờ tự ngoài việc chốt chặt cửa ngõ, phải quy trách nhiệm rõ ràng hơn nữa.

Đình chùa miếu mạo của Việt Nam là không gian mở, nên dù đóng cửa vẫn không hoàn toàn khép kín. “Chúng tôi đi điền dã, nghiên cứu các di tích thấy rằng, nhiều nơi để các cụ cao niên trông coi các ngôi đình cổ trống trải. Các cụ đều có tâm đức với đình chùa nhưng tuổi cao sức yếu nên việc trông nom không dễ dàng”, TS Trần Hậu Yên Thế nói. Còn theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, “có di tích ở ngoại thành Hà Nội bày tượng Phật rất đẹp, từ thế kỷ XVII nhưng cứ để “tơ hơ” đấy, cả nhóm đi vào mà không thấy ai hỏi han gì”.

Lắp camera, báo động tự động

Nhằm ngăn chặn, hạn chế các vụ mất cắp cổ vật, ông Nguyễn Đức Bình góp ý, phổ biến nhất là lắp camera tại các nơi thờ tự có cổ vật để việc truy xuất nguồn gốc dễ hơn, hỗ trợ nhiều hơn cho công tác điều tra. Việc phát huy giá trị di tích, cổ vật để càng nhiều người biết cũng tăng thêm cơ hội tìm lại hiện vật nếu bị mất trộm.

“Vụ mất trộm tượng Quan Âm ở chùa Mễ Sở, bộ phù điêu Thập Điện Diêm Vương tại chùa Trăm Gian là những điển hình. Vì đây là những hiện vật tại di tích nổi tiếng, khi bị mất đã không qua khỏi cửa kiểm tra của cơ quan chức năng nên được trả về chùa. Khó khăn nhất hiện nay là một số địa phương giấu kín cổ vật, nên nếu không may bị đánh tráo hoặc mất đều không ai biết. Như trường hợp chiếc khay thờ quý thời Mạc tại đình Văn Xá, Hà Nam, đã từng xôn xao vì nghi bị mất cắp, nhưng thực tế đã được cụ thủ từ cất rất kỹ”, ông Bình giải thích.

Theo Ủy viên Hội đồng giám định cổ vật, TS Phạm Quốc Quân, hệ thống di tích ở ta còn chưa được đầu tư lắp đặt báo động nên bảo vật, di vật trong di tích luôn trong trạng thái phấp phỏng lo đạo chích ghé thăm. Đối với một số hiện vật đặc biệt như bảo vật quốc gia còn phải thực hiện bảo quản theo Luật Di sản Văn hóa, cả về bảo quản lẫn trưng bày phát huy giá trị.

“Chỉ có thể hạn chế được thôi chứ tiến tới ngăn chặn toàn bộ là rất khó”, ông Trần Đình Thành khẳng định. Vì các vụ việc mất cắp gần đây xảy ra trong thời gian dịch Covid-19 nên được ưu tiên điều tra tránh tình trạng để các đối tượng lợi dụng sơ hở. Hơn nữa, cơ quan chức năng về văn hóa phải phối hợp hơn nữa với các địa phương trong kiểm kê, đánh giá lại việc mất cắp tại các di tích để có các biện pháp xử lý phù hợp. 

Đặc biệt, cơ quan Nhà nước, nhân dân và toàn xã hội cũng phải kết hợp trong việc bảo vệ hiện vật. Người dân nên từ chối mua bán hiện vật nghi ngờ của di tích. “Tôi tin khi cộng đồng cùng tham gia có trách nhiệm đối với di tích trong địa bàn mình sinh sống, ngành công an cũng kiên quyết vào cuộc thì hiện tượng mất cắp cổ vật sẽ giảm đáng kể”, ông Trần Đình Thành nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.