Cách mạng tháng Tám-thắng lợi của con đường cứu nước Hồ Chí Minh

Cách mạng tháng Tám-thắng lợi của con đường cứu nước Hồ Chí Minh

(GD&TĐ)-Cuối năm 1920, sau khi quyết định theo chủ nghĩa Mác – Lênin và trở thành người cộng sản, Hồ Chí Minh đã xác định con đường cứu nước đúng đắn duy nhất là đi theo con đường cách mạng vô sản. Công cuộc cứu nước đó sẽ được kết thúc bằng cuộc nổi dậy của đông đảo quần chúng bị áp bức lật đổ ách thống trị của đế quốc và tay sai, giành độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

hj
Hồ Chí Minh đã xác định con đường cứu nước đúng đắn duy nhất là đi theo con đường cách mạng vô sản (ảnh TL)

Vào thời điểm bấy giờ, ở Việt Nam có nhiều phong trào yêu nước, nhưng những đường lối cứu nước ấy còn có mặt những hạn chế về tư tưởng chính trị và phương pháp cách mạng nên đều đi đến thất bại. Tư tưởng cứu nước Hồ Chí Minh là hoàn toàn mới ở nước ta lúc đó.

Sau khi xác định được con đường cứu nước đúng đắn, Hồ Chí Minh với hoạt động cách mạng vô cùng phong phú, từng bước chuẩn bị những tiền đề và trực tiếp lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam. Đầu tiên là truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin, đưa lý luận vào soi sáng, làm chuyển biến về chất phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Điều đặc biệt quan trọng là Hồ Chí Minh đã rút ra những vấn đề về lập trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác –  Lênin, gắn với việc giải quyết những yêu cầu cơ bản của cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam để truyền bá một cách dễ hiểu, tạo sự chuyển biến tư tưởng, hành động cách mạng của mọi tầng lớp nhân dân. Đó là lên án chủ nghĩa đế quốc thực dân, thức tỉnh tinh thần đấu tranh giành độc lập, kêu gọi “dân bản xứ” vùng lên, theo con đường cách mạng vô sản, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta, về tình đoàn kết liên minh cách mạng thuộc địa với cách mạng chính quốc…Trên cơ sở tiếp thu sâu sắc lý luận Mác – Lênin, nắm bắt những kinh nghiệm của cách mạng thế giới và nắm bắt đầy đủ lịch sử, hiện thực đất nước, con người Việt Nam, Hồ Chí Minh đã sớm vạch ra đường lối cách mạng giải phóng dân tộc.

Cuốn sách “Đường Cách mệnh” xuất bản năm 1927 đã chỉ ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng, lực lượng và phương pháp cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Người chỉ rõ con đường cách mệnh Việt Nam là phải theo con đường cách mệnh Nga: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất”[1], nghĩa là phải kết thúc bằng một cuộc khởi nghĩa của đông đảo các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, dùng bạo lực cách mạng lật đổ chính quyền thống trị, giành quyền làm chủ đất nước về tay nhân dân.

Trả lời câu hỏi Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức quần chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”[2].

Quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về nước, định ra đường lối cách mạng Việt Nam và thành lập các tổ chức cách mạng, đào tạo cán bộ để chỉ đạo phong trào cách mạng cũng là bước chuẩn bị tiên quyết về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đó là kết quả của sự phát triển phong trào cách mạng trong nước, có sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản, nhưng người trực tiếp sáng lập Đảng là lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Chánh cương vắn tắt của Đảng do lãnh tụ Hồ Chí Minh soạn thảo và Hội nghị thành lập Đảng thông qua đã nêu rõ:

“Về phương diện chính trị:

a) Đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến.

b) Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập.

c) Dựng ra chính phủ công nông binh.

d) Tổ chức ra quân đội công nông”[3].

Như vậy Hồ Chí Minh đã xác định đánh đổ đế quốc và tay sai, giành độc lập dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân là nhiệm vụ trọng yếu trực tiếp của cách mạng Việt Nam.

Sau khi Đảng ra đời, Hồ Chí Minh đã kiên trì đấu tranh để toàn Đảng, toàn dân thống nhất về tư tưởng, hành động thực hiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc. Trải qua những cuộc đấu tranh tư tưởng và những cuộc đấu tranh cách mạng, đến cao trào giải phóng dân tộc 1939 – 1945, tư tưởng cách mạng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh mới được nhận thức đầy đủ và thống nhất tin theo. Đó là một động lực lớn thúc đẩy cao trào đánh Pháp, đuổi Nhật tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 9 – 3 – 1945, phát xít Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Nhiều cuộc khởi nghĩa từng phần diễn ra ở các địa phương cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Mùa Thu năm 1945, sau khi Hồng quân Liên Xô và các lực lượng Đồng minh tiêu diệt phát xít Đức, Ý, Liên Xô tuyên chiến và đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật, buộc phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Thời cơ cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đã đến. Lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh kéo vào Đông Dương. Bác Hồ đã nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”[4].

Từ ngày 13 đến ngày 15 – 8 – 1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang). Hội nghị nhận định điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi và phát động cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị cử ra Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc. Đêm 13 – 8, Uỷ ban Khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.

Ngày 15 – 8 – 1945, tại Tân Trào, Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập khai mạc. Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và cử ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng tức Chính phủ cách mạng lâm thời do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngay sau Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[5].

Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lệnh khởi nghĩa của Uỷ ban Khởi nghĩa, hơn 20 triệu đồng bào cả nước đã nhất tề vùng dậy. Suốt một dải non sông hừng hực khí thế chiến đấu. Lực lượng chính trị hùng hậu của quần chúng có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang cách mạng đã giành được thế áp đảo chính quyền thống trị. Từ ngày 14 đến ngày 25 – 8 - 1945, chỉ trong 12 ngày, 12 ngày sôi nổi tinh thần yêu nước và khí thế cách mạng tiến công, Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi huy hoàng trong cả nước. Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày 2 – 9 – 1945, tại cuộc mít tinh mừng độc lập ở vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, mở ra thời đại mới của dân tộc Việt Nam.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám là thắng lợi của đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng của Đảng, là thắng lợi của lực lượng đoàn kết, chiến đấu hy sinh toàn dân tộc, là thắng lợi của sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại…Tất cả những yếu tố đó đều bắt nguồn từ con đường cứu nước Hồ Chí Minh. Vì thế, thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trước hết là thắng lợi của con đường cứu nước Hồ Chí Minh.

Sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đất nước ta đã hoàn toàn độc lập, thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hơn 35 năm qua, nhất là qua 25 năm đổi mới, nhân dân ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình thế giới còn đang có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều bất trắc khó lường. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á còn tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định.

Tình hình trong nước, thành tựu của công cuộc đổi mới đã tạo ra thế và lực mới, sức mạnh tổng hợp để nhân dân ta xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, trong đó có sự chống phá của các thế lực thù địch hòng làm thay đổi chế độ chính trị và xâm hại chủ quyền lãnh thổ của nước ta. Trước tình hình đó, không gì khác hơn, chúng ta phải tiếp tục kiên định con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và tiến hành từ hơn 80 năm qua là gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XI: “Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau”[6].

PGS. TS Vũ Như Khôi (ĐCS)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ