Cách đơn giản để biết ở trường trẻ có hạnh phúc không

GD&TĐ - Sẽ thật tuyệt vời nếu con bạn có thể nói với bạn rằng “con cảm thấy hạnh phúc/không hạnh phúc khi đến trường”. Và nếu trẻ không tự nguyện chia sẻ về những gì xảy ra sau mỗi ngày đi học, bạn nên tìm hiểu xem con có hạnh phúc khi ở trường không.

Cha mẹ cần quan tâm đến các dấu hiệu nhận biết con chưa hạnh phúc ở trường để kịp thời điều chỉnh. (Ảnh minh họa)
Cha mẹ cần quan tâm đến các dấu hiệu nhận biết con chưa hạnh phúc ở trường để kịp thời điều chỉnh. (Ảnh minh họa)

Theo báo cáo của UNESCO năm 2016: Có 5 yếu tố khiến trẻ không cảm thấy hạnh phúc khi đến trường, đó là: Môi trường kém an toàn dễ bị bắt nạt; Học sinh quá tải bị stress do áp lực thi cử và điểm số; Môi trường học tập và không khí nhà trường tiêu cực; Giáo viên có thái độ và phẩm chất không phù hợp; các mối quan hệ xấu.

Con có thể không muốn chia sẻ những điều không vui về trường học, đặc biệt là về hình phạt. Bằng cách bình tĩnh lắng nghe, thái độ chia sẻ và thấu hiểu, cha mẹ sẽ khuyến khích con kể chuyện về trường họcthành thật về những thông tin thiếu tích cực.

Một số cách sau sẽ giúp bạn tìm hiểu những cảm nhận của con về trường học:

Đặt câu hỏi chi tiết: Chị Mai Hoa (Tây Hồ, Hà Nội) thường xuyên nói chuyện với hai con về trường học để tìm hiểu những cảm nhận của con ở trường. Khi nói chuyện với các con, chị Nga thường đặt những câu hỏi về các chủ đề mà con đã đề cập trước đó.

Theo chuyên gia tâm lý giáo dục Vũ Thu Hương, cha mẹ không nên hỏi “hôm nay con đi học thế nào?” và đừng hỏi con quá nhiều. Thay vào đó cha mẹ nên đặt câu hỏi chi tiết sẽ gợi ra nhiều câu trả lời hơn một câu hỏi chung chung.

Cha mẹ nên hỏi con môn học nào thích nhất, môn học nào khó nhất, con chơi thân với bạn nào, con thích cô giáo không, hôm nay lớp có hoạt động gì vui không, con ngồi ăn trưa cùng bạn nào?,... Hãy dành chút thời gian trên đường đi học về, thời gian tắm cho con, trước bữa tối hay trước khi đi ngủ để nói chuyện với con về trường học.

Tham gia các hoạt động trong lớp học: Mặc dù công việc của hai vợ chồng chị Nhung anh Bình (Long Biên, Hà Nội) khá bận nhưng anh chị vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia các hoạt động trong lớp cùng con. Chị Nhung chia sẻ tham gia các hoạt động trong lớp con là cơ hội để mình tiếp xúc với giáo viên, các bạn của con và biết được những khó khăn của con ở lớp. Vì vậy, chỉ dành một giờ đến lớp con mỗi tháng một lần cha mẹ có thể đọc được cảm xúc của con về trường học.

Giữ liên lạc với giáo viên: Với cách này, chị Chu Nga (Long Biên, Hà Nội) cho rằng có thể nắm sát và tương đối chính xác tình hình của con ở trường.

Theo chị Nga, giáo viên dành 5 ngày một tuần với con của mình nên cuối mỗi tuần chị thường liên lạc với giáo viên chủ nhiệm để nắm bắt tình hình chung của con trên lớp. Nếu con đột nhiên có vẻ không vui ở trường hoặc có vấn đề với một nhóm bạn, giáo viên có thể biết nhiều hơn cha mẹ. Cha mẹ hãy trao đổi với giáo viên để biết được nguyên nhân và giúp con tháo gỡ ngay những rắc rối nếu có.

Có những cách đơn giản để biết trẻ ở trường có hạnh phúc không. (Ảnh minh họa)
Có những cách đơn giản để biết trẻ ở trường có hạnh phúc không. (Ảnh minh họa)

Hãy đặc biệt lưu tâm đến những dấu hiệu cảnh báo rằng con bạn không vui. Nếu con gặp khó khăn về việc học tập hay không vui khi phải lên lớp học, cha mẹ nên động viên, nói chuyện, giúp con vượt qua. Hãy kiên nhẫn, thấu hiểu và không tạo ra thêm áp lực cho con trong việc học tập. Khi con chia sẻ, cha mẹ hãy là người giải quyết hành vi và nói về những cách có thể cùng con giải quyết vấn đề.

Đau bụng hoặc tiêu chảy trước khi đi học: Một tình huống không thường xuyên xảy ra. Nhưng nếu cha mẹ thấy vấn đề tái phát, con bạn có thể lo lắng về điều gì đó ở trường.

Căng thẳng và im lặng: Con bạn ngừng nói về trường học hoặc lo lắng khi bạn đề cập đến giáo viên, bài tập về nhà hoặc bất cứ điều gì khác liên quan đến trường học.

Chán nản: Con bạn dường như không quan tâm đến việc học và bài tập về nhà hoặc không còn mang công việc từ lớp học về nhà.

Sợ trở lại trường sau mỗi kỳ nghỉ: Trẻ em thường thích các kỳ nghỉ nhưng trong khi hầu hết chúng bạn đã sẵn sàng để trở lại trường còn con bạn thì không, thậm chí thờ ơ hoặc lo lắng thái quá.

Dựa trên những dấu hiệu nhận biết cơ bản về mức độ hạnh phúc của trẻ ở trường học cùng những kinh nghiệm của một số phụ huynh, bạn hãy “test” thử và kết luận xem con bạn đã có “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” hay chưa nhé.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.