Lúc con hơn một tuổi, người mẹ đã mơ hồ nhận ra nhiều dấu hiệu bất thường như gọi không quay lại, thích chơi một mình, không nhìn vào mắt mẹ...
Dần dần các biểu hiện tăng động càng rõ. Bé thích quay tròn, hay nhảy nhót, chỉ ăn một vài loại thức ăn, đập xé đồ đạc, chỉ ú ớ la hét mà không nói được.
Gia đình căng thẳng vì mọi người đổ lỗi mẹ không biết dạy con. Chị thu xếp đưa con xuống TPHCM khám bệnh và choáng váng khi nhận được kết luận.
"Tại sao lại là con em? Rồi cả cuộc đời con sẽ thế nào? Em phải làm sao để con nói được, đến trường được?". Hàng loạt câu hỏi được người mẹ hoang mang đặt ra.
Bác sĩ Hoàng Vũ Quỳnh Trang (Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng, TPHCM) cho biết đa số phụ huynh khi phát hiện con bị tự kỷ thường hoảng loạn không biết phải bắt đầu hướng đi từ đâu.
Mong muốn lớn ban đầu là con có thể vượt qua những khiếm khuyết về tương tác, giao tiếp, nói được thành lời hay trả lời thành câu khi được hỏi.
Theo bác sĩ Trang, trẻ có dấu hiệu tự kỷ thường kém chú ý và bắt chước. Đây là thử thách quan trọng, được xem là nền tảng của kỹ năng trước lời nói. Chúng thường được biểu tượng hóa thành "Ngôi nhà giao tiếp" hay "Ngôi nhà ngôn ngữ".
Để cải thiện giao tiếp bố mẹ không nên tập trung vào lời nói mà cần biết cách tiếp cận trẻ qua các trò chơi giúp tăng cường sự chú ý của trẻ, giúp trẻ bắt chước âm thanh cũng như lời nói.
Có vậy giao tiếp của trẻ tự kỷ được hình thành mới nền tảng và ổn định. Phần lớn trẻ chỉ ở giai đoạn chơi tự phát (chơi một mình) hoặc chơi song song (chơi bên cạnh mà không tương tác) với kỹ năng chơi khám phá (đập, ngậm, bóp, cắn...) hoặc chơi nguyên nhân hệ quả (hộp âm nhạc, đập búa) mà không chơi đúng chức năng của đồ chơi cũng như không biết chơi giả vờ và chưa tương tác.
Cha mẹ cần tăng sự chú ý bằng cách ngồi trước mặt con thay vì để con ngồi trong lòng mình.Gọi tên con ở khoảng cách gần, tạo âm thanh hay chuyển động như chơi hộp âm nhạc, chơi thổi bóng...
Điều này giúp thúc đẩy giai đoạn chơi tự phát trở thành chơi song song hay tiến đến chơi tương tác. Đến giai đoạn giả vờ là mức cao nhất trong các giai đoạn phát triển của chơi đùa, bố mẹ cần tập trung thêm kỹ năng luân phiên bên cạnh chú ý và bắt chước.
Quan trọng không kém các kỹ năng và giai đoạn phát triển chơi đùa là công dụng của đồ chơi. Để biết hết công dụng của một đồ chơi, cần ứng dụng chức năng của từng món đồ chơi vào từng lĩnh vực phát triển của trẻ như vận động thô, vận động tinh (lắp ráp, cầm nắm và vẽ, ngôn ngữ, nhận thức, cảm xúc và chơi với bạn, người khác).
Khi chơi đùa với con, bố mẹ như một huấn luyện viên để xác định mục tiêu của đồ chơi, giai đoạn phát triển chơi đùa và kỹ năng của trẻ đang ở mức nào để có định hướng đúng. Sau đó bố mẹ trở thành bạn chơi với trẻ trong trò chơi luân phiên để thúc đẩy giai đoạn chơi đùa bước vào giai đoạn cao hơn.
Một trong những thử thách tiếp theo của trẻ tự kỷ trong quá trình hòa nhập cộng đồng là vấn đề hành vi. Bên cạnh những hành vi thường gặp ở mọi trẻ như chống đối, bùng nổ hoặc không hợp tác, thu rút, trẻ tự kỷ còn có hành vi kỳ lạ như chạy không biết nguy hiểm, nhảy liên tục hằng giờ trên nệm mà không có dấu hiệu chóng mặt, nhón gót xoay tròn.
Trẻ thường ngửi nếm đồ vật hoặc đồ ăn trước khi ăn hoặc nhìn cận một đồ chơi, quay bánh xe thay vì chơi xe, bận tâm hàng giờ với một việc gì đó nên không quay lại khi gọi tên, xé giấy thay vì vẽ và tô màu.
Có trẻ khóc quấy không hiểu vì sao, không chịu ngồi vào bồn cầu khi cần đi vệ sinh hoặc không thể cắt tóc, khó khăn không thể giải thích để gội đầu...
Hành vi kỳ lạ làm khác biệt gây hiểu lầm hay khó chịu cho bạn bè và những người xung quanh. Trẻ có thể bị đánh, la mắng hoặc dọa nạt để ngưng.
Những hành vi này có thể giảm chút ít nhưng sau đó thì chúng vẫn xuất hiện trở lại, gây giận dữ hay bực tức thêm cho bố mẹ, thầy cô giáo đang chăm sóc trẻ. Với bạn bè, trẻ có thể bị hiểu lầm, bị bắt nạt bằng chọc ghẹo, đánh hay bị tẩy chay.
Tất cả hệ quả này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong quá trình hòa nhập, cản trở trẻ kết bạn và học hỏi lớn lên. Những điều này cần phải được can thiệp một cách cụ thể và thiết thực.