Khi người bệnh phát hiện có nang gan không nên quá lo lắng, cần bình tĩnh và đến các cơ sở y tế có đủ điều kiện để được khám, tiến hành các kỹ thuật, xét nghiệm và điều trị, nếu bác sĩ khám bệnh thấy cần thiết.
Về nguyên tắc, tùy theo tính chất, kích thước và nguyên nhân gây bệnh sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau hoặc là điều trị nội khoa (dùng thuốc trong các trường hợp do sán lá gan hoặc do vi khuẩn lao, hoặc do nhiễm vi khuẩn khác, hoặc nang đường mật làm ứ, tắc mật và ảnh hưởng đến chức năng gan hoặc các trường hợp nang gan ở vị trí gần vỏ gan gây đau, tuy nang không lớn) hoặc phải tiến hành các thủ thuật khác như tiêm xơ, nội soi hay phẫu thuật.
Tuy vậy, đối với loại nang gan lành tính, kích thước nhỏ dưới 4cm, chưa ảnh hưởng đến chức năng của gan và chưa có biến chứng gì, thường không cần điều trị (trừ trường hợp nang gan do có liên quan đến ung thư di căn của cơ quan khác đưa đến).
Tuy nhiên, việc theo dõi bằng siêu âm và xét nghiệm chức năng gan định kỳ 3 tháng một lần là rất cần thiết. Nếu sau 2 đến 3 năm, kích thước nang gan không thay đổi, chức năng gan bình thường, người bệnh có thể yên tâm và có thể không cần theo dõi tiếp.
Nếu nang lớn nhanh, nhất là nang máu, cần can thiệp ngoại khoa nhằm tránh biến chứng nang vỡ gây chảy máu cấp hoặc nang gan ở vị trí nguy hiểm (thùy trái của gan), bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật (phẫu thuật nội soi).
Nói chung phương pháp điều trị bằng ngoại khoa, hiện nay có một số phương pháp điều trị có thể áp dụng là chọc hút, có hoặc không có tiêm thuốc làm xơ. Có thể phẫu thuật nang dẫn lưu vào đường ruột ở vị trí ở hỗng tràng (phần giữa của ruột non) hoặc phẫu thuật cắt gan tùy theo mức độ của bệnh khi bác sĩ khám bệnh thấy cần thiết.
Đối với người bị nang gan cần hạn chế ăn mỡ, lòng động vật, tránh làm việc nặng, gắng sức, tránh chạy nhảy để đề phòng vấp ngã đập vào vùng gan gây vỡ nang gan khi nang có kích thước lớn.
BS. Việt Bắc