(GD&TĐ)-Những vấn đề quan trọng nhằm phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm giai đoạn 2011-2020 đã được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị Toàn quốc các trường sư phạm diễn ra hôm nay (27/8). Hội nghị do Bộ GD&ĐT tổ chức qua 6 điểm cầu Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nghệ An và Thái Nguyên. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã đến dự, chủ trì hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại đầu cầu truyền hình Hà Nội |
Đào tạo giáo viên hiện vẫn tồn tại không ít hạn chế
Hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên hiện đã cung cấp đội ngũ giáo viên cơ bản đủ về số lượng, chuẩn hoá và nâng chuẩn trình độ đào tạo, tương đối hợp lý về cơ cấu môn học của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Các cơ sở đào tạo giáo viên được tăng cường về đội ngũ và cơ sở vật chất. Đội ngũ các giảng viên có lòng yêu nghề, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Việc tổ chức các hoạt động đào tạo của các cơ sở đào tạo giáo viên bước đầu thay đổi theo yêu cầu của đào tạo theo học chế tín chỉ. Công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong đào tạo giảng viên và nghiên cứu khoa học của các cơ sở đào tạo giáo viên gia tăng, góp phần nâng cao chất lượng giảng viên, chất lượng đào tạo. Công tác quản lý các trường sư phạm đã có những tiến bộ nhất định cùng với quá trình đổi mới quản lí giáo dục đại học.
Toàn quốc hiện có 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; gồm: 14 trường đại học sư phạm (ĐHSP), 49 trường đại học có khoa/ngành sư phạm, 39 trường cao đẳng sư phạm (CĐSP), 24 trường cao đẳng có khoa/ngành sư phạm; 03 trường trung cấp sư phạm (TCSP) và 04 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. So với năm 2006, có thêm 11 trường đại học được đào tạo mã ngành sư phạm. Một số trường CĐSP đã nâng cấp thành trường đại học đa ngành, chuyển thành trường cao đẳng cộng đồng hoặc trường cao đẳng đa ngành. |
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, việc đào tạo giáo viên hiện vẫn tồn tại không ít hạn chế. Như chưa chủ động trong việc quy hoạch hệ thống các cơ sở đào tạo giáo viên. Việc cho phép các cơ sở giáo dục đại học được mở mã ngành đào tạo sư phạm thiếu chặt chẽ; quy mô đào tạo tăng nhưng không được giám sát chặt chẽ về chất lượng. Bên cạnh đó, tính đặc thù của các trường/khoa sư phạm chưa được quan tâm thỏa đáng trong công tác quản lý giáo dục đại học của Bộ GD&ĐT. Các trường/khoa sư phạm chưa được ưu tiên trong quản lí và tạo điều kiện thuận lợi. Đội ngũ giảng viên cốt cán, đầu ngành, CBQL của một số cơ sở đào tạo giáo viên chưa đủ mạnh...
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, chương trình “Phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020” sẽ hướng đến mục tiêu cơ bản ổn định và củng cố hệ thống và mô hình cơ sở đào tạo giáo viên hiện nay, phát triển quy mô các trường, khoa sư phạm một cách hợp lý, đáp ứng yêu cầu đào tạo và bồi dưỡng chuẩn hóa giáo viên các cấp; về cơ bản đến năm 2020 giáo viên mầm non, tiểu học có trình độ cao đẳng trở lên, giáo viên trung học có trình độ đại học, trong đó ít nhất 30% có trình độ thạc sĩ trở lên. Đến năm 2015, ít nhất 25% và đến năm 2020, 50% giảng viên các trường đại học sư phạm đạt trình độ tiến sĩ.
Đến năm 2015, 50% giảng viên trường CĐSP đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 5% đạt trình độ tiến sĩ; đến năm 2020, ít nhất 80% đạt trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó ít nhất 25% trình độ tiến sĩ. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên các trường đại học, CĐSP không quá 20 sinh viên/ 1 giảng viên vào năm 2020.
Đến năm 2020, tất cả các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, trưởng khoa, phó trưởng khoa các trường ĐHSP, CĐSP phải qua chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục trước khi được bổ nhiệm hoặc trong vòng một năm sau khi được bổ nhiệm.
Đến năm 2015, các cơ sở đào tạo giáo viên hoàn thành việc đổi mới chương trình, có đủ giáo trình chất lượng cho tất cả các môn học; đến năm 2020 tất cả các trường sư phạm có thư viện điện tử. Đến năm 2015 tất cả các giáo sư, phó giáo sư trong các trường sư phạm có chỗ làm việc tại trường; riêng ở hai trường sư phạm trọng điểm, tất cả giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có chỗ làm việc tại trường. Đồng thời, thành lập Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐHSP, CĐSP; thành lập Hội đồng khoa học sư phạm quốc gia; xây dựng và triển khai chương trình nghiên cứu quốc gia về khoa học sư phạm giai đoạn 2011-2020.
Cần đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt công nghệ giáo dục của các trường sư phạm
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng cần đổi mới tuyển sinh trong ngành sư phạm. Như Phó hiệu trưởng Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, PGS. TS. Hoàng Văn Cẩn đề nghị việc tuyển sinh tất cả các ngành cần thêm các môn bắt buộc như Văn học, và tiếng Việt nhằm đảm bảo trình độ chuyên môn của giáo viên sau này, đồng thời gìn giữ ngôn ngữ dân tộc. Cũng theo PGS. TS. Hoàng Văn Cẩn cần tăng cường rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên ngay từ học kỳ 2 của năm thứ nhất cho đến khi kết thúc khóa học…
Một số đại biểu thì đề nghị, công tác quy hoạch nhân lực ngành sư phạm cần được xem xét và tính toán kỹ hơn nữa vì nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp loại khá, giỏi vẫn không thể tìm việc làm. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên mầm non lại quá thiếu và trình độ của đội ngũ này cũng phải đánh giá lại một cách nghiêm túc khi chất lượng đầu vào còn thấp.
Có đại biểu nêu ý kiến cần đổi mới cách đào tạo nghề ở trong đó đào tạo giáo viên vừa có thể dạy được mầm non lại dạy được bậc tiểu học và giáo viên bậc tiểu học vẫn có thể dạy tại trung học cơ sở… Điều này sẽ giúp cho giáo viên có thể bám sát đối tượng dạy trong quá trình giảng dạy.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, cần đánh giá kỹ hơn về mô hình giáo dục, nếu tốt thì tiếp tục phát triển, nếu có vấn đề phát sinh thì cần giải quyết kịp thời. Vấn đề đổi mới chương trình, nôi dung, phương pháp giảng dạy và học trong các trường sư phạm, theo Bộ trưởng, cơ bản phương pháp là truyền thống, chưa thay đổi, còn nặng về dạy kiến thức khoa học, chưa coi trọng phương pháp. Bộ môn phương pháp giảng dạy chưa học nhiều. Đánh giá thầy giáo nói chung vẫn nặng về tài năng, chuyên môn, chưa coi trọng ghi nhận, tôn vinh với tư cách một nhà sư phạm.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận yêu cầu trước mắt các trường sư phạm nên xem xét vấn đề phương pháp, chương trình cần đầu tư mạnh, khuyến khích việc xây dựng chuẩn giáo viên, chuẩn nhà giáo.
Vấn đề đào tạo theo nhu cầu xã hội, theo Bộ trưởng, việc tuyển dụng là vấn đề của địa phương, phải bàn kỹ, các hiệu trưởng trường sư phạm nên chủ động suy nghĩ về việc này. Về phía Bộ GD&ĐT cũng đang nghiên cứu phương án tuyển sinh với việc giao chỉ tiêu để gắn với nhu cầu xã hội. Riêng về trường thực hành, Bộ trưởng đề nghị các Hiệu trưởng, trưởng khoa chủ động đề xuất nội dung để việc thực tập không phải là sức ép, gánh nặng…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu ngành giáo dục cần đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt công nghệ giáo dục của các trường sư phạm. Đồng thời đề nghị ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện quyết liệt Chỉ thị 296/2010/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý đại học giai đoạn 2010 -2012. Căn cứ vào quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam, ngành giáo dục cần rà soát lại quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm.
Phó Thủ tướng lưu ý Bộ GD&ĐT cần đánh giá và xem xét lại mô hình đào tạo của một số trường trung cấp sư phạm hiện có theo hướng nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên sư phạm trong tương lai. Cần xây dựng đề án hiện đại hóa công nghệ đào tạo tại các trường sư phạm, 1 năm/1 lần tổ chức hội nghị các trường sư phạm với từng chuyên đề sâu, sớm hình thành Hội đồng hiệu trưởng các trường sư phạm. Hàng năm cần có chương trình đánh giá chất lượng của giáo viên từ cấp học mầm non đến phố thông trung học. Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế khen thưởng xứng đáng, tạo động lực sáng tạo đối với đội ngũ trồng người, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng đề nghị, trong tháng 9/2011, Bộ GD&ĐT phê duyệt và ban hành Quy hoạch và phát triển nhân lực cho toàn ngành giáo dục giai đoạn 2011-2020.
Hiếu Nguyễn