Chuẩn đầu ra là một giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo |
Chuẩn đầu ra là quy định về nội dung kiến thức chuyên môn; kỹ năng thực hành, khả năng nhận thức công nghệ và giải quyết vấn đề; công việc mà người học có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp và các yêu cầu đặc thù khác đối với từng trình độ, ngành đào tạo.
Theo hướng dẫn công bố chuẩn đầu ra các ngành đào tạo trình độ CĐ, ĐH Bộ GD&ĐT vừa ban hành, ngoài tên ngành và trình độ đào tạo, các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ, vị trí làm việc của người học sau khi tốt nghiệp; khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi ra trường;các chương trình, tài liệu, chuẩn quốc tế mà nhà trường tham khảo là nội dung bắt buộc phải có trong chuẩn đầu ra các ngành đào tạo trình độ ĐH, CĐ.
Quy trình công bố chuẩn đầu ra cũng được quy định theo 9 bước, từ thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của trường đến xây dựng dự thảo, lấy ý kiến để xây dựng chuẩn đầu ra công bố công khai, cuối cùng là rà soát, điều chỉnh và bổ sung định kỳ.
Bộ GD&ĐT yêu cầu, trên cơ sở chuẩn đầu ra đã được công bố công khai, các trường cần tập tập trung củng cố và tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng để thực hiện đúng cam kết theo chuẩn đầu ra, cụ thể là đảm bảo các chuẩn về: chương trình đào tạo, thư viện giáo trình, cơ sở vật chất thiết bị, thí nghiệm, thực hành, thực tập, đội ngũ giảng viên, phương pháp giảng dạy, thi kiểm tra, đánh giá, liên kết giữa trường với doanh nghiệp và các hoạt động xã hội nghề nghiệp khác.
Việc xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho các ngành nghề đào tạo đã được Bộ GD&ĐT đặt ra từ mấy năm trước và năm học này, chuẩn đầu ra tiếp tục được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Bộ GD&ĐT cũng nhiều lần nhấn mạnh, chuẩn đầu ra là một trong những giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, là cam kết của các cơ sở giáo dục đại học về chất lượng đào tạo đối với xã hội và năng lực người học sau khi tốt nghiệp, đây là yêu cầu bắt buộc.
Hiếu Nguyễn