(GD&TĐ)- Sáng nay (20/4), tại Hà Nội, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) Việt Nam khai mạc Đại hội nhiệm kỳ II (2012-2017). Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đến dự Đại hội.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: gdtd.vn |
Theo báo cáo của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam, với quy mô sinh viên chiếm 14,7% tổng sinh viên cả nước, các trường ĐH, CĐ NCL đã đào tạo cung cấp cho xã hội hàng chục vạn lao động trình độ ĐH, CĐ mà nhà nước không phải bỏ kinh phí chi cho đào tạo. Đồng thời, đang tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn nhà giáo, cán bộ, nhân viên làm việc cho các nhà trường.
Phần lớn các trường ĐH, CĐ NCL tuy khuôn viên chưa rộng lớn, nhưng có cơ sở khang trang, có thiết bị dạy học tương đối đủ cho các ngành nghề đào tạo. Về cơ bản đã vượt qua tình trạng trường lớp tạm thời thuê mướn. Các trường cũng bằng nhiều biện pháp từng bước xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ cơ hữu; chủ động tiếp thu và tiếp cận nhanh với các chương trình đào tạo tiên tiến. Nhiều trường chú trọng bổ sung các kỹ năng như ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm cho sinh viên…
Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam cũng bày tỏ những rào cản khiến phát triển rất khó khăn: Thiếu đất xây trường, bị đánh thuế, bị định kiến, khó tuyển sinh do cạn nguồn tuyển, thiếu nhiều văn bản pháp quy cần thiết có liên quan… Bản thân cộng đồng trường NCL chưa có đủ thời gian tự khẳng định vị thế của mình trong xã hội thông qua chất lượng đào tạo và thành tựu nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ. Một số trường do áp lực tài chính, có khi do chạy theo lợi ích trước mắt mà đã có một số sai phạm làm cho đậm thêm định kiến của xã hội.
Theo GS. Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam, trong nhiệm kỳ 2 này, Hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan và các trường thành viên đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tìm kiếm mô hình hoạt động phù hợp với sự phát triển của Việt Nam, phù hợp với đặc thù vùng miền, và quan trọng nhất là phải bắt kịp với xu hướng phát triển giáo dục thế giới. Trên cơ sở đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ và Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết mô hình ĐH ngoài công lập, có ý kiến chính thức về một số mô hình năng động, phù hợp. Từ những mô hình đó, Hiệp hội chủ trì tổ chức tuyên truyền phổ biến nhân rộng, tạo điều kiện cho các trường học tập làm tốt hơn, phấn đấu xây dựng cơ sở vật chất khang trang hơn, đội ngũ cán bộ giảng viên cơ hữu đủ sức hoàn thành chương trình mục tiêu đào tạo, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, cạnh tranh bình đẳng với các trường công lập.
Khai mạc Đại hội nhiệm kỳ II Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam. Ảnh: gdtd.vn |
Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã chỉ rõ và ghi nhận những đóng góp tích cực của các trường ĐH, CĐ NCL cũng như đóng góp của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế, tồn tại cần khắc phục. Bộ trưởng khẳng định, các trường CNL nói chung và các trường ĐH, CĐ NCL nói riêng là bộ phận hữu cơ của hệ thống giáo dục. Mỗi thành công, thắng lợi của các trường NCL sẽ góp phần vào thành công của ngành giáo dục và ngược lại, mỗi sự hạn chế, tiêu cực của nhà trường cũng là yếu kém của ngành, là yếu kém trong sự quản lý, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ.
Bộ trưởng cho biết, trong 20 năm đổi mới, những kết quả đã đạt được của giáo dục đào tạo là hết sức to lớn. Trong đó, kết quả chủ yếu là về số lượng và phổ cập xoá mù chữ, kiên cố hoá trường lớp... Đã đến lúc chúng ta có đủ điều kiện để nói đến chất lượng. Do đó, sau khi có ý kiến của Thủ tướng, Bộ GD&ĐT đã cho triển khai một số hoạt động để đổi mới mô hình quản lý, chỉ đạo ngành phát triển theo hướng chất lượng. Nghị định 115 về phân cấp giao nhiều quyền cho các trường ĐH; việc mở ngành, mở trường cũng công bố rõ ràng quy định, các trường làm tốt thì khen thưởng, không tốt thì phạt; vấn đề công khai minh bạch, Bộ sẽ minh bạch các chính sách, đường lối, đồng thời yêu cầu nhà trường cũng phải công khai minh bạch; chỉ tiêu tuyển sinh cũng giao cho các trường dựa trên quy định chung về đảm bảo chất lượng…
Như vậy, một mặt sẽ giao nhiều quyền cho các Hiệu trưởng nhà trường nhưng cùng với đó là tăng cường rất mạnh việc thanh tra kiểm tra và xử lý rất nghiêm khắc.
Nhận định những thay đổi trên có thể chưa đồng bộ, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng mong muốn trên tinh thần đó nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL. “Trong quá trình thực hiện nếu có gì bộc lộ chưa đúng, chưa đủ thì các đồng chí có thể phản ánh để chúng ta cùng xem xét thảo luận và tìm cách thảo gỡ” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại Đại hội, lãnh đạo các trường ĐH, CĐ NCL đã đóng góp những ý kiến tâm huyết. Đại hội cũng thông qua Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ I (2005-2011) và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ II (2012-2017); bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ II; thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hiệp hội và thông báo nội dung thư ngỏ gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong việc góp ý dự thảo Luật Giáo dục ĐH.
Hiếu Nguyễn