(GD&TĐ)-Sáng nay (29/2), tại Hà Nội diễn ra hội thảo khoa học “Đổi mới và phát triển hệ thống các trường ngoài công lập ở Việt Nam”. Tham dự hội thảo có đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga; GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT - Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cùng các chuyên gia giáo dục và đại diện lãnh đạo gần 40 trường ĐH, CĐ, trường phổ thông, CĐ nghề ngoài công lập.
Hội thảo khoa học “Đổi mới và phát triển hệ thống các trường ngoài công lập ở Việt Nam” |
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến thực trạng phát triển hệ thống các trường ngoài công lập ở Việt Nam; chủ trương, chính sách, giải pháp, thành tựu, yếu kém, định hướng đổi mới và phát triển. Từ đó, đề xuất các chủ trương, cơ chế chính sách, giải pháp để hoàn thiện hệ thống các trường ngoài công lập, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nền giáo dục Việt Nam giai đoạn mới.
Theo GS. Trần Hồng Quân, các trường ngoài công lập sinh ra với 2 sứ mạng, một là xây dựng mô hình quản lý hiệu quả cao với quyền tự chủ hoàn toàn vốn có về tài chính, nhân lực, có động lực tự thân để sống còn và vươn lên tạo được sự năng động thích nghi với yêu cầu xã hội và môi trường cạnh tranh. Hai là huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để góp phần phát triển giáo dục. Không có nước nào, ngân sách nhà nước đủ sức đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của giáo dục. Với sứ mạng đó, các trường ngoài công lập đang góp phần đại chúng hóa nền đại học, các trường này là yếu tố mới nhiều sức sống, do đó phải nâng đỡ, khai thác nó, giao cho nó cùng với các trường công lập tự quản tạo thành một “đội quân” đông đảo làm chủ lực trong hệ thống, đồng thời từ đó qua sự cạnh tranh sàng lọc, cùng với sự hỗ trợ tập trung của nhà nước, tạo nên một top trường tiên phong có chất lượng cao, có tiềm năng khoa học mạnh.
Đại diện khối các trường ngoài công lập, bà Hoàng Xuân Sính – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH Thăng Long kiến nghị, Bộ GD&ĐT sớm ban hành những cơ chế minh bạch, tạo sự công bằng cho các trường ngoài công lập. Thêm nữa, phải có quy hoạch về thời gian và không gian, vùng nào nên có trường tư, vùng nào không. Ngoài ra, Nhà nước cần có chính sách về đất đai, thuế, giao đất sạch cho trường và có chính sách miễn thuế cho trường phi lợi nhuận.
Ngoài những kiến nghị với cơ quan quản lý cấp trên, đa số các đại biểu cho rằng, bên cạnh việc mong muốn nhà nước thay đổi cơ chế chính sách, xã hội thay đổi nhận thức, thì các trường phải tự vượt lên chính mình, đảm bảo tốt cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tạo thế độc đáo về ngành nghề đào tạo, góp phần xây dựng thương hiệu và nguồn tuyển sinh ổn định, không nên mở ngành tràn lan để tạo niềm tin cho phụ huynh, sinh viên cũng như xã hội.
Theo TS.Trần Thị Bích Liễu, Trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội, để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường cần ưu tiên đầu tư cho nguồn nhân lực bằng nhiều cách thức khác nhau. Cùng với đó, tập trung vào nghiên cứu sản sinh kiến thức mới để xây dựng tiếng tăm, uy tín và tạo nguồn kinh phí cho nhà trường; tập trung vào những hình thức đào tạo mới, tận dụng công nghệ thông tin và dựa trên nhu cầu của người học; đa dạng hóa các hoạt động phù hợp với nhu cầu và sở thích của người học và đội ngũ giáo viên, giảng viên. Theo TS. Trần Thị Bích Liệu, các trường cũng nên áp dụng các quy luật của thị trường một cách linh hoạt và mềm dẻo, tạo dựng hình ảnh của nhà trường qua chất lượng, qua đội ngũ và qua cấu trúc nghệ thuật của khuôn viên, nhà cửa và các trang thiết bị.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga dự và phát biểu tại hội thảo |
Đánh giá cao những đóng góp to lớn và nỗ lực của hệ thống các trường ngoài công lập vì sự phát triển của nền giáo dục nước nhà, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện Bộ GD&ĐT đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục ĐH. Hy vọng khi Luật này ra đời sẽ là cơ sở cho các nhà quản lý ban hành các văn bản dưới luật điều chỉnh cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống các trường ngoài công lập phát triển.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, một trong những vấn đề quan trọng mà dự thảo Luật Giáo dục ĐH đưa ra là lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Hai khái niệm này đi theo 2 cơ chế hỗ trợ khác nhau. Khi ta xác định được thế nào là trường không vì lợi nhuận thì có cơ chế khác, vì lợi nhuận thì sẽ có cơ chế khác. Hiện giờ vấn đề này vẫn chưa rạch ròi nên chưa có cơ chế rõ ràng, làm thiệt thòi cho các trường không vì lợi nhuận.
Do vậy, Thứ trưởng mong tiếp tục nhận được sự đóng góp tích cực về vấn đề này từ nhiều phía vì đây sẽ là nền tảng phát triển hệ thống ngoài công lập. Từ đó sẽ sớm hoàn thiện dự thảo Luật Giáo dục ĐH cũng như có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển hệ thống các trường ngoài công lập.
Hiếu Nguyễn